Phát hiện những dấu tích mới của sân Đan Trì và trục Ngự đạo

Ngày 1/6, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết, sau thời gian khai quật khảo cổ học năm 2022 tại khu vực xung quanh và bên dưới nhà Cục Tác chiến, các nhà khảo cổ học đã phát hiện những dấu tích mới của sân Đan Trì và trục Ngự đạo.

Phát hiện tổ hợp kiến trúc quan trọng

Vị trí khai quật nằm trong khu vực sân Đan Trì của thời Lê, hiện tại là khu vực nhà Cục Tác chiến, gồm hai hố khai quật. Hố khai quật số 1 rộng 955m2 tại khu vực sân sau Nhà Cục tác chiến và hố khai quật số 2 và 3 trong trong phạm vi nền nhà Cục Tác chiến. Đây là hai hố khai quật nằm trong không gian chính điện Kính Thiên thời Lê, thuộc khu vực Đại Triều với những dấu tích đặc biệt quan trọng như đường Ngự Đạo (đường vua đi) và sân thiết lễ Đại Triều và cũng là không gian thiêng liêng nhất của Đại Việt.

Khu vực khai quật khảo cổ học mới tại Hoàng thành Thăng Long.

Khu vực khai quật khảo cổ học mới tại Hoàng thành Thăng Long.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là không gian thiêng liêng nhất của Đại Việt. Do đó, khai quật khai quật Khảo cổ học tại khu vực này là hết sức cần thiết góp phần quan trọng trong nghiên cứu và khôi phục không gian chính điện Kính Thiên.

Các hố khai quật đang ở độ sâu 1m - 1,2 m, đã phát lộ một số mảng sân lát gạch màu xám, vị trí còn lại nhiều nhất ở khu chính giữa hố có vệt đầm gạch ngói vỡ trải dài hướng Bắc - Nam, rộng khoảng 6,7m theo hướng từ cửa chính của Đoan Môn đi qua nhà Cục Tác chiến lên đến điện Kính Thiên.

Những dấu vết mới phát lộ tại Hoàng thành Thăng Long.

Những dấu vết mới phát lộ tại Hoàng thành Thăng Long.

Căn cứ vào hiện trường đang khai quật cũng như kết quả các đợt khai quật thăm dò những năm trước, đợt khai quật này đã làm rõ thêm được một phần các dấu tích kiến trúc Lý - Trần - Lê từ Ðoan Môn đến thềm rồng điện Kính Thiên. Đồng thời, góp thêm chứng cứ khoa học để nhận thấy sự thay đổi chồng xếp vô cùng phức tạp của các di tích khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Cụ thể, cuộc khai quật đã phát hiện sân Đại Triều là nơi trăm quan dự lễ Đại Triều, nơi diễn ra hoạt động thi Tiến sĩ. Còn Ngự đạo nằm ở chính giữa sân Đại Triều được bắt đầu từ thềm điện Kính Thiên ra cửa Nam. Đây là con đường để Hoàng đế xuất hành đi tế lễ tại Nam Giao, đàn Xã Tắc, tuần du và xuất chinh vệ quốc. Như vậy, Ngự đạo cũng như tổng thể không gian Chính điện Kính Thiên liên quan đến Quốc thái dân an, Quốc gia trường tồn, dân tộc vĩnh cửu và là tổ hợp kiến trúc quan trọng bậc nhất của Hoàng cung Thăng Long, tiêu biểu cho lịch sử và văn hiến của cả nước.

Tiếp tục khai quật, nghiên cứu

PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Việc nghiên cứu khảo cổ ở Hoàng thành Thăng Long tiến hành hàng năm, luôn phát hiện những giá trị mới. Năm nay việc khai quật thực hiện ở trung tâm sân Đan Trì, là khu vực trung tâm nhất của khu di sản. Các nhà khảo cổ học phát hiện hai dấu hiệu vô cùng quan trọng, là dấu tích của sân Đan Trì – tức là sân thiết triều của các vương triều quân chủ Việt Nam và Ngự đạo là đường đi chính của Nhà Vua khi ra vào Hoàng thành Thăng Long, là con đường thiêng của khu di sản hiện nay.

Toàn cảnh khu vực khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long.

Toàn cảnh khu vực khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long.

Hiện nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tập trung nghiên cứu, phục dựng không gian chính điện Kính Thiên và tòa Chính điện Kính Thiên, vì đó là nơi huyệt điểm “tàng phong tụ khí”, nơi thông Thiên đạt Ðịa giữa các Hoàng đế Ðại Việt thời xưa với Thiên đế để tạo ra một chỉnh thể thống nhất giữa Trời (Thiên) - Ðất (Ðịa) và Người (Nhân) khiến cho muôn vật giao hòa, vạn vật phát triển.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với những phát hiện khảo cổ học mới tại Hoàng thành Thăng Long. Tham quan hố khai quật, tôi thấy được những dấu vết của Hoàng thành nguyên thủy kéo dài từ Đoan Môn tới điện Kính Thiên. Đây là những kết quả rất tích cực, thể hiện cam kết của Hà Nội từ khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới”.

Có thể thấy, những phát hiện của khảo cổ học về Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao, coi đây là những phát hiện quan trọng có giá trị hàng đầu về lịch sử văn hóa của dân tộc, góp phần nâng cao vị thế của Thăng Long – Hà Nội và lòng tự hào về lịch sử dân tộc Việt Nam.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-hien-nhung-dau-tich-moi-cua-san-dan-tri-va-truc-ngu-dao.html