Phát hiện pháo đài đầy bảo vật của Pharaoh Ramses II

Một pháo đài bảo vệ bờ biển được xây dựng hơn 3.200 năm trước dưới thời pharaoh vĩ đại Ramses II vừa được phát hiện tại Ai Cập.

Theo Ancient Origins, những gì các nhà khảo cổ vừa phát hiện là một pháo đài quân sự rất quan trọng từng được sử dụng để bảo vệ bờ biển trong triều đại của Pharaoh Ramses II.

Ramses II (Ramesses II) là vị pharaoh được tôn thờ nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Còn được gọi là Ramses đại đế, vị pharaoh thứ ba của Vương triều thứ 19 thời kỳ Tân Vương Quốc đã xây dựng nhiều công trình nổi bật và tạo nên một thời kỳ đặc biệt hưng thịnh.

Quần thể pháo đài quân sự và các công trình phụ trợ được khai quật, cùng một số hiện vật bên trong - Ảnh: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP

Quần thể pháo đài quân sự và các công trình phụ trợ được khai quật, cùng một số hiện vật bên trong - Ảnh: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP

Theo báo cáo của Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập, đoàn thám hiểm do TS Ahmed Said El-Kharadly dẫn đầu đã phát hiện ra một loạt các công trình bằng gạch bùn từng được sử dụng làm doanh trại quân đội.

Trong phế tích đã bị thời gian san lấp này, họ cũng phát hiện dấu vết các kho chứa vũ khí thực phẩm, nhu yếu phẩm, cùng vô số hiện vật thể hiện cuộc sống hàng ngày của những người lính, bao gồm nhiều bảo vật có giá trị.

Trong số những phát hiện đáng chú ý nhất là một thanh kiếm bằng đồng được chế tác tinh xảo có khắc biểu trưng về Pharaoh Ramses II.

TS Mohamed Ismail Khaled, Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật tối cao Ai Cập, cho biết phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt quân sự của địa điểm cổ đại Tell Al-Abqain, hiện nằm ở tỉnh Bahira ven biển, nơi đóng vai trò là tiền đồn quân sự quan trọng của Ai Cập.

Nằm dọc theo con đường quân sự phía Tây, cụm phế tích này từng là một pháo đài lớn với rất nhiều quân đồn trú, bảo vệ biên giới phía Tây Bắc của Ai Cập khỏi các cuộc xâm lược tiềm tàng của các bộ lạc từ Libya và lực lượng cổ đại gọi là Người Biển.

Bố cục kiến trúc của phế tích cho thấy sự khéo léo của các kỹ sư Ai Cập cổ đại.

Các đơn vị đồn trú được bố trí thành hai nhóm, đóng quân ở 2 khu vực đối xứng được ngăn cách bởi một hành lang hẹp, một thiết kế làm nổi bật khả năng của người Ai Cập trong việc sử dụng hiệu quả các đặc điểm môi trường cho mục đích thực tế.

Một số đơn vị của cụm kiến trúc được sử dụng làm kho chứa đồ gốm lớn, vẫn còn lại các mẩu xương động vật cũng như các mảnh vỡ của đồ gốm.

Ngoài ra, sự hiện diện của lò gốm hình trụ cho thấy những căn phòng này được sử dụng để nấu ăn và chế biến thực phẩm.

Vũ khí và công cụ săn bắn được phát hiện tại địa điểm này, cùng với các vật dụng cá nhân như dụng cụ bôi kohl bằng ngà voi, hạt mã não và trang sức hình bọ hung khắc tên các vị thần...

Những con bọ hung tinh xảo được khắc chữ tượng hình - Ảnh: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP

Những con bọ hung tinh xảo được khắc chữ tượng hình - Ảnh: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP

Một trong những khám phá hấp dẫn nhất là việc chôn cất một con bò, tượng trưng cho sức mạnh, sự sung túc và khả năng sinh sản và cũng gắn liền với các vị thần.

Pharaoh Ramses II mất vào năm 1213 trước Công Nguyên, vì vậy địa điểm này phải hơn 3.200 năm tuổi. Cấu trúc phức tạp của cả khu quân sự cũng như các hiện vật đã góp thêm cho chuỗi bằng chứng về một trong những thời rực rỡ nhất của Ai Cập cổ đại.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phat-hien-phao-dai-day-bao-vat-cua-pharaoh-ramses-ii-196240912111443341.htm