Phát hiện ra bệnh của người chồng, bác sĩ yêu cầu gọi vợ đến cùng điều trị

Khi không hài lòng, người vợ lao tới đấm, tát chồng khiến anh H. rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần, phải đi viện điều trị. Khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ yêu cầu cả người vợ đến nghe tư vấn, cùng điều trị.

Anh N.N.H (31 tuổi, trú Hoàng Mai, Hà Nội) đến Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) khám vì luôn cảm thấy lo lắng các vấn đề trong cuộc sống. Hai vợ chồng anh có 1 cô con gái nhỏ. Hằng ngày, anh H. đều hỗ trợ vợ làm việc nhà. Thi thoảng, công ty hay đối tác có liên hoan nên anh H. phải tham dự. Mỗi lần anh trở về, vợ lại chì chiết, mắng chửi. Thậm chí, người phụ nữ này không ngần ngại lấy đồ vật để đánh đấm chồng cho thỏa cơn nóng giận.

Gần đây, sau khi đi đá bóng về, anh H. bị người vợ tát thẳng tay. Muốn gia đình yên ấm nên anh nín nhịn. Mỗi lần vợ "nổi cơn tam bành", người đàn ông 31 tuổi lại bế con hoặc một mình đi đâu đó để tránh mặt.

Anh H. nhận thấy vợ ngày càng hung dữ, tình trạng bạo hành bằng lời nói và chân tay phổ biến hơn. Người chồng luôn cảm thấy mệt mỏi bủa vây trong công việc, giao tiếp với khách hàng và vợ.

Nhiều nam giới nhẫn nhịn khi bị vợ bạo hành tâm lý. Ảnh minh họa: Freepik.

Nhiều nam giới nhẫn nhịn khi bị vợ bạo hành tâm lý. Ảnh minh họa: Freepik.

Bởi vậy, anh H. luôn trong trạng thái căng thẳng, mất ngủ, lo âu. Anh không thể tập trung trong công việc, người mệt mỏi, ăn uống không ngon, sụt 12kg, khí sắc kém. Anh đã tìm tới bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ khám tổng quát không thấy anh H. có tổn thương thực thể, khuyên nam bệnh nhân khám chuyên khoa tâm thần kinh.

Tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, anh H., được chẩn đoán rối loạn lo âu. Bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, cho biết khi tiếp nhận điều trị cho anh H., bác sĩ yêu cầu gặp người vợ. Bệnh nhân và vợ đều phải được hỗ trợ tư vấn tâm lý, điều trị sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, bác sĩ cần tư vấn để giúp vợ anh H. thay đổi cách ứng xử hằng ngày với chồng.

Trò chuyện với cặp đôi, người vợ chia sẻ cũng gặp áp lực khi vừa phải đi làm vừa chăm con. Trong khi đó, chồng lại thường xuyên tiếp khách hoặc nhậu với bạn.

Theo bác sĩ Thu, trong cuộc sống gia đình, người đàn ông bị bạo hành gia đình chủ yếu là vấn đề lời nói. Người vợ không dùng vũ lực nhưng "ra đòn" tâm lý nặng nề hơn như mắng chửi, chì chiết hoặc thơ ơ không giao tiếp, ghẻ lạnh hoặc ép chồng phải làm những việc họ không mong muốn.

Nam giới lại có tâm lý phái mạnh, không đôi co, phản kháng lại cách ứng xử đó của vợ. Lâu dần, những đòn "tra tấn" tâm lý ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần rất lớn. Nam giới có thể tìm tới các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá thậm chí ma túy thế hệ mới để giải sầu, tăng nguy cơ rối loạn tâm thần hơn.

Người bị rối loạn lo lâu luôn lo lắng quá mức về các vấn đề trong cuộc sống, né tránh các tình huống gây lo âu, sợ hãi về bệnh tật, cái chết.

Họ cũng hay cảm thấy bồn chồn, khó chịu, không tập trung, tim đập nhanh, dễ vã mồ hôi, run rẩy… Nếu không điều trị kịp thời, rối loạn lo âu có thể dẫn tới mất hứng thú với mọi việc, hình thành ý nghĩ tự sát.

Theo bác sĩ Thu, cách hạn chế bạo hành tâm lý tốt nhất là sự sẻ chia. Trong gia đình, người vợ hay chồng đều phải thẳng thắn trao đổi những vấn đề trong cuộc sống. Trong trường hợp không thể gỡ rối, họ có thể tìm tới các chuyên gia tâm lý, tâm thần để được hỗ trợ.

Nam giới không được nghĩ rằng mình là đàn ông, không chấp phụ nữ nên im lặng. Khi bạo hành tâm lý kéo dài, gia đình không hạnh phúc và hay gặp các vấn đề về tâm thần kinh hơn.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chong-tre-roi-loan-tam-than-bac-si-goi-vo-den-cung-dieu-tri-2288423.html