Phát hiện tàn tích cây cầu 650 tuổi dưới lòng sông

Cây cầu cổ xưa làm bằng đá và gỗ sồi từng là con đường quan trọng phục vụ việc ra vào thủ đô Edinburgh.

Tàn tích gỗ và đá của cây cầu dưới sông Teviot. Ảnh: HES. Tổ chức Di sản Địa phương Ancrum (ADHS) phát hiện tàn tích của một cây cầu từng bắc qua sông Teviot và miêu tả đây là một trong những công trình quan trọng nhất Scotland thời Trung Cổ, Smithsonian hôm 30/10 đưa tin. ADHS đã dành hai năm làm việc với các chuyên gia để nghiên cứu khu vực này.

Dự án nghiên cứu bắt đầu khi một thành viên của ADHS tìm thấy một đoạn văn đề cập tới cây cầu trong văn bản từ năm 1674 của chính quyền địa phương.

Theo đó, đây từng là cây cầu duy nhất trong vùng để ra vào Edinburgh, thủ đô Scotland. Các tình nguyện viên của ADHS cũng tìm thấy những văn bản về tầm quan trọng của cây cầu từ những năm 1549.

Cơ quan Môi trường Lịch sử Scotland (HES) tài trợ cho nghiên cứu. ADHS cũng hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận Khảo cổ Wessex, công ty tư vấn Dendrochronicle chuyên về các công trình gỗ cổ xưa và một số tổ chức khác. Nhóm nghiên cứu sử dụng ảnh chụp từ drone để tìm ra vị trí các tảng đá và gỗ dùng để xây cầu ở giữa sông Teviot.

Coralie Mills, chuyên gia tại Dendrochronicle, nhận thấy số gỗ này là gỗ sồi bản địa, loại vật liệu hiếm khi xuất hiện ở những công trình sau năm 1450 tại Scotland. Phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon hé lộ cây cầu xây từ giữa những năm 1300.

"Cấu trúc gỗ mà ADHS phát hiện dưới sông Teviot, gần Ancrum, là tàn tích hiếm hoi của một cây cầu cổ xưa. Các thanh gỗ sồi vẫn trong tình trạng rất tốt, là vật liệu quan trọng để phân tích vòng tuổi của cây tại đây, nơi rất ít công trình từ thời Trung Cổ còn tồn tại do chiến tranh tàn phá", Mills nói.

Nhóm nghiên cứu xác định đây là cây cầu cổ xưa nhất vẫn ở nguyên vị trí cũ tại Scotland. Nó được xây trong triều vua David II của Scotland (1329-1371) và vua Edward III của Anh (1327-1377). Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa rõ đây là công trình của người Anh hay người Scotland.

Cây cầu từng là con đường quan trọng phục vụ việc đi lại, giao thương và cả chiến tranh. Đến năm 1698, cây cầu bị hư hại đến mức không thể sử dụng.

Người dân địa phương kêu gọi vốn để sửa chữa nhưng yêu cầu của họ không được chú ý. Cây cầu sau đó hư hại thêm do lũ lụt và ngày càng xuống cấp. Ngày nay, thay thế nó là hai cây cầu xây từ năm 1784 và 1939.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/phat-hien-tan-tich-cay-cau-650-tuoi-duoi-long-song-a4WGDV2Mg.html