Phát hiện 'thủ phạm' trong vụ ngộ độc dịp Trung thu
Thông tin mới nhất từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đã phát hiện vi khuẩn Salmonella spp trong phân của các bệnh nhân ngộ độc bánh su kem dịp Trung thu vừa qua, làm một cháu bé tử vong.
Kết luận từ cơ quan chuyên môn
Theo thông tin mới nhất từ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, đã tìm thấy vi khuẩn Salmonella spp trong phân của hai trẻ là người nước ngoài bị ngộ độc thực phẩm sau đêm tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights.
Theo các chuyên gia y tế, vi khuẩn salmonella spp. được đánh giá là có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém. Dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, ói mửa... Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng.
Các trường hợp nhiễm vi khuẩn salmonella spp. thường do thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do salmonella spp. Con đường lây truyền vi khuẩn salmonella spp. chủ yếu qua món ăn không nấu chín hoặc trong quá trình chế biến thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
TS-BS Trương Hồng Sơn- Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam cho biết: “Cần có những quy định chặt chẽ, thanh kiểm tra quy trình chế biến bảo quản thực phẩm bánh kẹo, nhất là vào những đợt cao điểm như trung thu vừa qua. Người tiêu dùng cần cẩn thận hơn khi mua và sử dụng, cần chọn mua ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm; tuyệt đối không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng và khi dùng nên chú ý sản phẩm có dấu hiệu bất thường thì không dùng kể cả khi vẫn còn hạn sử dụng”.
“Mất ATTP có thể xảy ra ở nhiều khâu và có cả những nguyên nhân khách quan, như sử dụng thuốc trừ sâu không đúng cách, chất bảo quản cấm, nguồn nước không đảm bảo… Đáng lo ngại hơn là một số cơ sở sản xuất dù biết rõ sản phẩm không bảo đảm về chất lượng, nhưng vì lợi nhuận vẫn bất chấp, bán hàng tới tay người tiêu dùng để xảy ra những hậu quả đáng tiếc”, ông Sơn cho biết thêm.
Dưới gốc độ chuyên môn, Bác sĩ Ngô Văn Trọng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội có phân tích và khuyến cáo như sau: "...đối với thực phẩm bánh kẹo và đồ ăn sẵn cho trẻ hiện giờ được bán rất rộng rãi trên thị trường và trẻ có thể tự mua ở căng tin, cổng trường một cách dễ dàng, nhưng nguồn gốc và bảo quản thực phẩm lại không được kiểm soát chặt chẽ, nên có nhiều sản phẩm kém chất lượng và giá rẻ vẫn được người dân mua dùng. Bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc thực phẩm ở trẻ nhỏ và có cả những ca phức tạp. Vụ việc không may đối với cháu bé 6 tuổi ở Thủ Đức – TP HCM một lần nữa cảnh báo các bậc phụ huynh cần lưu ý đến việc lựa chọn đồ ăn cho con. Đặc biệt là quá trình bảo quản thực phẩm phải đúng với khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên bao bì để tránh những trường hợp xấu ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng con người."
Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra ATTP
Việc có một cháu bé không qua khỏi vì ngộ độc thực phẩm vừa qua một lần nữa là tiếng chuông cảnh tỉnh về an toàn thực phẩm hiện nay.
UBND TP.HCM đã chỉ đạo UBND TP Thủ Đức phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, tăng cường kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có. Không để tái diễn các vụ việc ngộ độc, dù là nhỏ nhất.
Các chuyên gia cho rằng đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, diễn biến phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt trước đây, thường xảy ra tại các trường học như nhà trẻ hay mẫu giáo.
Như các phương tiện truyền thông đã đưa tin, khoảng 17h30 ngày 29/9, Ban Quản lý Chung cư Palm Heights- Palm City (Thành phố Thủ Đức, TP.HCM) đã tổ chức vui Trung thu cho các bé là con của cư dân và nhân viên sinh sống tại chung cư. Ban quản lý chung cư phát bánh cho khoảng 200 người, khoảng 150 trẻ em và khoảng 50 người lớn.
Đến chiều 30/9/2023, một bé gái là con của nhân viên phục vụ, sau khi ăn phần bánh su kem dư tại sự kiện trên xuất hiện triệu chứng nôn ói, tiêu chảy. Đến tối ngày 1/10, do bé gái này có diễn biến nặng hơn nên gia đình đưa đi cấp cứu, tuy nhiên, bệnh nhi không qua khỏi.
Theo ghi nhận , hiện còn 17 trẻ bị ngộ độc thực phẩm đang nằm điều trị tại các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Nhân dân Gia định với sức khỏe ổn định.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/phat-hien-thu-pham-trong-vu-ngo-doc-dip-trung-thu-196064.htm