Phát hiện tượng Phật 1.200 năm tuổi tại Bukit Choras, Malaysia

Một phát hiện đáng kinh ngạc tại khu di sản khảo cổ Bukit Choras đã làm sáng tỏ lịch sử phong phú của Malaysia. Các nhà khảo cổ học từ Đại học Sains Malaysia (USM) đã tìm thấy một tượng Phật, có niên đại từ thế kỷ thứ VIII hoặc thứ IX.

Phát hiện này cho thấy khu vực Bukit Choras từng là một địa điểm tôn giáo quan trọng, thậm chí còn lâu đời hơn cả các công trình nổi tiếng như Angkor Wat ở Campuchia và Borobudur ở Indonesia.

Tổng Thư ký Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa, Datuk Roslan Abdul Rahman, cho biết rằng đây là một khám phá có giá trị lớn về mặt du lịch và khảo cổ học, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều khách du lịch đến Kedah. Ông nhấn mạnh: “Phát hiện này lâu đời hơn cả Angkor Wat và Borobudur. Điều này thật thú vị đối với chúng tôi”.

Bức tượng Phật có kích thước bằng với người thật, được làm từ vữa (hỗn hợp của vôi, nước và cát)

Bức tượng Phật có kích thước bằng với người thật, được làm từ vữa (hỗn hợp của vôi, nước và cát)

Ông Roslan cho biết, một cuộc triển lãm sẽ được tổ chức ngay sau khi USM hoàn thành nghiên cứu về các hiện vật. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa quyết định liệu những hiện vật này sẽ được trưng bày tại một bảo tàng hay địa điểm Bukit Choras sẽ được phát triển thành một điểm du lịch khảo cổ mới, giống như các địa điểm nổi tiếng ở Campuchia và Indonesia.

Cuộc khai quật diễn ra từ ngày 21-4 đến ngày 21-5, với sự hợp tác giữa Cục Di sản Quốc gia (JWN) và USM, do nhà khảo cổ học Nasha Rodziadi Khaw dẫn đầu. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra một cấu trúc ngôi chùa với các bức tường phía Bắc và phía Tây rõ ràng, cho thấy kiến trúc độc đáo của ngôi chùa Bukit Choras.

Bức tượng Phật có kích thước bằng với người thật, được làm từ vữa (hỗn hợp của vôi, nước và cát), được tìm thấy ở bức tường phía Bắc của ngôi chùa. Điều đặc biệt là bức tượng này gần như hoàn chỉnh với đầu, nét mặt, y áo. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy một dòng chữ tiếng Phạn khắc trên bức tượng và những mảnh gốm bằng đất nung.

Các di tích đã được chuyển từ Bukit Choras đến phòng thí nghiệm của PPAG USM để thực hiện công tác bảo tồn

Các di tích đã được chuyển từ Bukit Choras đến phòng thí nghiệm của PPAG USM để thực hiện công tác bảo tồn

Để bảo vệ và nghiên cứu sâu hơn, các di tích đã được chuyển từ Bukit Choras đến phòng thí nghiệm của PPAG USM để thực hiện công tác bảo tồn. Đến giai đoạn ba của cuộc khai quật, đã có ba bản khắc chứa các câu thần chú Phật giáo được tìm thấy tại địa điểm này.

Những phát hiện như vậy đã mở ra cơ hội cho các cách giải thích mới về vị trí địa chiến lược của nền văn minh Kedah Tua trong tuyến đường thương mại hàng hải Đông Nam Á. Chúng không chỉ giúp làm sáng tỏ lịch sử phong phú của Malaysia mà còn mở ra cơ hội cho nghiên cứu Phật giáo trong tương lai.

Thiện Quang dịch/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/phat-hien-tuong-phat-1200-nam-tuoi-tai-bukit-choras-malaysia-post72549.html