Phát hiện u tuyến yên khi khám mờ mắt, đau đầu

Cứ 10 người trưởng thành có 1 người bị u tuyến yên. Khối u phát triển sẽ dẫn đến tình trạng mất thị lực hoàn toàn, thần kinh thị giác bị hủy hoại nặng...

Nhiều người đau đầu, mờ mắt phát hiện u lớn vùng tuyến yên

Chỉ trong vài ngày, khoa Sọ não Cột sống 2 Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã tiếp nhận hai trường hợp bệnh nhân bị u tuyến yên lớn gây chèn ép dây thần kinh khiến bệnh nhân thường xuyên đau nhức đầu, mờ mắt, cơ thể mệt mỏi. Đó là trường hợp của bệnh nhân H.T.L (48 tuổi, Bình Định) và bệnh nhân N.V.H (74 tuổi, Cà Mau).

Từ Tết đến nay, bà H.T. L. thường xuyên bị đau nhức đầu, cơn đau, mệt mỏi, khó chịu, không thể làm việc nặng. Cứ nghĩ đó là những biểu hiện của bệnh đau cột sống cổ chèn ép mà bà đang mắc phải, nên bà chỉ tự đi mua thuốc giảm đau để uống.

 Đi khám đau đầu, mờ mắt phát hiện u tuyến yên - Ảnh BVCC

Đi khám đau đầu, mờ mắt phát hiện u tuyến yên - Ảnh BVCC

Dẫu vậy, cơn đau vẫn không cải thiện, mắt bà ngày càng mờ dần, thị lực suy giảm rõ rệt. Lo sợ có điều bất thường, bà L. đã đến một bệnh viện tại Bình Định thăm khám và chụp MRI. Kết quả phát hiện bà có một khối u ở não, cần phẫu thuật loại bỏ.

Sau khi trao đổi cùng gia đình cũng như được một người thân giới thiệu, bà L. và người thân đã vượt gần 700 cây số để đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á điều trị. Dựa trên kết quả MRI, các bác sĩ khoa Sọ não Cột sống 2 Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á chẩn đoán bệnh nhân có một khối u tuyến yên kích thước lớn 3cm gây chèn ép dây thần kinh thị giác. Khối u này cũng là nguyên nhân khiến bà L. mờ mắt, đau đầu thường xuyên.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ thống nhất thực hiện ca phẫu thuật nội soi bóc tách lấy khối u, giải phóng dây thần kinh cho người bệnh.

Ca phẫu thuật được thực hiện bởi ê-kíp bác sĩ khoa khoa Sọ não Cột sống 2 Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, với sự dẫn dắt của ThS.BS.CKII. Huỳnh Văn Vũ, Phó Trưởng khoa đã diễn ra thành công tốt đẹp. Khối u được bóc tách và lấy ra trọn vẹn thông qua đường mũi, hạn chế tối đa nguy cơ ảnh hưởng tới khu vực não bộ xung quanh.

Sau mổ ba ngày, thị lực của bệnh nhân L. cải thiện đến 80%, bà có thể nhìn rõ mọi vật xung quanh, không còn đau nhức đầu, cơ thể nhẹ nhõm, sức khỏe hồi phục nhanh chóng.

 Nội soi đường mũi cắt u tuyến yên cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Nội soi đường mũi cắt u tuyến yên cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Tương tự bệnh nhân L., ông N.V.H (74 tuổi, Cà Mau) cũng mắc u tuyến yên lớn với kích thước 3,1cm chèn ép dây thần kinh khiến ông mờ mắt, đau đầu hơn 6 tháng nay. Kết quả chụp MRI ông được chẩn đoán u tuyến yên lớn. Với bệnh cảnh này, ông cũng được chỉ định phẫu thuật nội soi loại bỏ khối u.

Chia sẻ về hai ca bệnh trên, ThS.BS.CKII. Huỳnh Văn Vũ, Phó Trưởng khoa Sọ não Cột sống 2 Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết: “Hai bệnh nhân này đều có khối u tuyến yên lớn với kích thước 3cm gây chèn ép thần kinh. Trước khi nhập viện, cả hai bệnh nhân đều không nghĩ mình có u não, họ thấy mắt mờ nên chỉ đi khám mắt mà vẫn không tìm được nguyên nhân cho đến khi chụp MRI não.

Với những trường hợp có khối u tuyến yên lớn chèn ép dây thần kinh thị giác gây mờ mắt, người bệnh được phẫu thuật nội soi qua đường mũi để lấy trọn khối u. Đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, tiếp cận khối u qua đường mũi sẽ dễ dàng hơn, lấy được toàn bộ u mà không cần phải mở sọ. Sau phẫu thuật, thị lực của bệnh nhân cải thiện 8/10, nhìn rõ, hết đau đầu.

 Thăm khám tư vấn cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Thăm khám tư vấn cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Không phải là ung thư nhưng chèn ép thần kinh, mạch máu quan trọng

PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh và Chủ tịch Hội phẫu thuật thần kinh Asean cho biết, u tuyến yên thường không phải là ung thư và không di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Đây là bệnh thường hay gặp ở người trưởng thành. Nhiều nghiên cứu chỉ ra cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người bị u tuyến yên. Phần lớn những khối u tuyến yên rất nhỏ, không có triệu chứng lâm sàng hoặc không bao giờ có dấu hiệu gì và không cần điều trị. Vì thế, người có u tuyến yên phải điều trị chiếm tỷ lệ thấp. Khối u tuyến yên chiếm 25% khối u trong sọ được phẫu thuật.

 PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Chủ tịch Hội phẫu thuật thần kinh Asean, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xem phim chụp X-quang của bệnh nhân. Ảnh: BVCC

PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Chủ tịch Hội phẫu thuật thần kinh Asean, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xem phim chụp X-quang của bệnh nhân. Ảnh: BVCC

PGS.TS. Đồng Văn Hệ khẳng định, u tuyến yên thường không phải là ung thư nên không di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.

Tuy nhiên, khi tăng trưởng, chúng có thể chèn ép lên các thần kinh và mạch máu quan trọng. Khối u phát triển sẽ dẫn đến tình trạng mất thị lực hoàn toàn, thần kinh thị giác bị hủy hoại nặng.

Bản thân khối u hoặc việc cắt bỏ khối u có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết vĩnh viễn. Trong trường hợp này, người bệnh có thể được điều trị bằng liệu pháp bổ sung hormon.

Hiện, có nhiều phương pháp đang được sử dụng để điều trị u tuyến yên. Khi khối u gây chèn ép thần kinh thị giác, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ khối u.

Với đa số trường hợp, u tuyến yên được cắt bỏ qua đường mũi hoặc qua các xoang. Tuy nhiên, một số u không thể phẫu thuật được qua các đường trên mà phải mổ cắt bỏ u xuyên qua sọ.

Xạ trị được sử dụng để giảm thể tích khối u. Có thể phối hợp xạ trị với phẫu thuật hoặc sử dụng xạ trị đơn độc ở những bệnh nhân không thể phẫu thuật.

Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc sau giúp giảm thể tích khối u như: Bromocriptine hoặc cabergoline là trị liệu đầu tay cho các khối u tiết prolactin.

Các thuốc này sẽ giúp giảm lượng prolactin và làm teo nhỏ khối u; Octreotide hoặc pegvisomant đôi khi được dùng cho các khối u tiết hormone tăng trưởng (GH), đặc biệt khi việc phẫu thuật ít có khả năng chữa khỏi.

Thúy Nga

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/phat-hien-u-tuyen-yen-khi-kham-mo-mat-dau-dau-post1542415.html