Phát huy các nguồn lực trong phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững ở Như Xuân

Trong những năm qua, với việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, bộ mặt nông thôn nhiều xã vùng sâu, vùng xa ở huyện Như Xuân được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Người dân xã Cát Tân thu hoạch chè.

Người dân xã Cát Tân thu hoạch chè.

Với đặc thù là huyện miền núi, bên cạnh việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Như Xuân tích cực vận dụng linh hoạt, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh. Lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế thông qua chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn gắn với XDNTM. Phấn đấu thực hiện mục tiêu hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.

Trong giai đoạn 2022 - 2024, với nguồn vốn phân bổ trên 18 tỷ đồng, đến hết tháng 5/2024, huyện đã giải ngân hơn 8,9 tỷ đồng thực hiện các dự án, tiểu dự án giảm nghèo bền vững. Đối với kinh phí hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế và phát triển các mô hình sản xuất, huyện đã phê duyệt 16 dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản, hỗ trợ cho 309 hộ, với tổng kinh phí thực hiện trên 7 tỷ đồng, tập trung ở các xã vùng “6 Thanh”. Cũng trong giai đoạn này, từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng với tổng vốn phân bổ hơn 4,2 tỷ đồng, huyện đã thực hiện 6 dự án chăn nuôi thông qua cộng đồng, hỗ trợ 141 hộ dân mua giống trâu, bò cái sinh sản. Tổ chức được 6 lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi thú y... Thông qua các dự án giúp người nghèo được tiếp cận, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi bò sinh sản, tăng năng suất, chất lượng. Góp phần tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn triển khai dự án, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nghèo theo mùa vụ, ổn định đời sống.

Bà Hoàng Thị Lương, Chủ tịch UBND xã Cát Tân, cho biết, cây chè rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, lại không tốn nhiều công sức chăm sóc, hiệu quả lại cao. Trung bình mang lại thu nhập ổn định cho bà con từ 30 triệu/ha/tháng trở lên. Chính quyền đã vận động bà con tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích cùng với cây cao su, đồng thời tăng cường chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi khác, trao đổi kinh nghiệm khoa học kỹ thuật đưa cây, con giống mới có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Trong năm 2023, 18 hộ được hỗ trợ trâu sinh sản với tổng giá trị trên 292 triệu đồng. Năm 2024, 55 hộ được hỗ trợ giống gà ri lai thương phẩm, tổng số tiền trên 350 triệu đồng. Ngoài ra, địa phương còn được huyện hỗ trợ vốn tập trung mở rộng, phát triển cây chè, cây gai xanh, mở 3 lớp tập huấn học nghề thú y và nuôi ong... Từ các nguồn vốn thuộc chương trình giảm nghèo bền vững, xã đã thực hiện có hiệu quả các giải pháp, qua đó tập trung phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho các hộ gia đình.

Thời gian gần đây, cây cao su đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Như Xuân.

Thời gian gần đây, cây cao su đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Như Xuân.

Ông Lê Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết: Là một trong những xã có diện tích cây sắn, mía, cây ăn quả nhiều nhất huyện, những năm qua, để khuyến khích người dân đầu tư phát triển cây ăn quả, cây trồng, vật nuôi khác, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện về đất đai, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân, từ đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đến nay, xã đã có 4 sản phẩm cam, bưởi đạt tiêu chuẩn OCOP. Song song với đó, địa phương tích cực triển khai trồng thêm các loại rau sạch như bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, ngô ngọt... với tổng diện tích hiện tại 10ha, tập trung ở thôn Thanh Niên. Đồng thời, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh và huyện như hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế và phát triển các mô hình sản xuất đối với trâu sinh sản cho 18 hộ, với tổng 300 triệu đồng...

Với quyết tâm tạo đột phá trên các lĩnh vực, đặc biệt là phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, những năm qua, phát huy thế mạnh về đất đai, khí hậu cùng với sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án, huyện Như Xuân đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con cập nhật, tiếp cận kiến thức áp dụng vào sản xuất. Tập trung gieo trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trồng, tích tụ đất đai để tổ chức sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội để giảm nghèo bền vững; đa dạng các hình thức truyền thông về giảm nghèo để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo... phấn đấu cuối năm 2024, giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 5,75%.

Bài và ảnh: Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/phat-huy-cac-nguon-luc-trong-phat-trien-kinh-te-nbsp-thoat-ngheo-ben-vung-o-nhu-xuan-32423.htm