Phát huy có hiệu quả thiết chế văn hóa đọc tại đơn vị

Sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người, là người thầy vĩ đại thắp sáng nguồn tri thức vô tận... Do đó, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong BĐBP đã chú trọng việc phát triển văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội.

Học viên Học viện Biên phòng đọc sách tại thư viện vào giờ nghỉ. Ảnh: Mai Viết Nhân

Học viên Học viện Biên phòng đọc sách tại thư viện vào giờ nghỉ. Ảnh: Mai Viết Nhân

Là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học quân sự của BĐBP, những năm qua, nhằm đáp ứng được nhu cầu giáo trình, tài liệu phục vụ nghiên cứu, học tập và hưởng thụ văn hóa chính trị tinh thần của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ, Học viện Biên phòng đã tích cực, chủ động thu thập các loại tài liệu, sách, đề tài khoa học, luận văn, luận án, báo, tạp chí và các loại văn hóa phẩm khác, kịp thời đưa vào phục vụ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ.

Học viện Biên phòng đã đầu tư xây dựng thư viện hiện đại gồm 6 phòng đọc (trong đó, có 1 phòng đọc điện tử), với 1.000 đầu giáo trình, tài liệu, 90.000 cuốn sách; phòng đọc phổ thông lưu trữ 15.000 cuốn sách nghiên cứu tham khảo, 17.000 cuốn sách văn hóa, văn nghệ; phòng đọc mở với hơn 10.000 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực chính trị, pháp luật, quân sự, văn hóa, khoa học... Đặc biệt, phòng đọc điện tử được trang bị với 20 máy tính kết nối mạng quân sự, giúp người đọc truy cập thông tin nhanh chóng, góp phần phục vụ hiệu quả cho việc dạy và học của cán bộ, giảng viên, học viên.

Hoạt động đọc sách, báo của cán bộ, học viên không chỉ thực hiện tại phòng đọc của Học viện Biên phòng, mà còn được duy trì trong các giờ nghỉ ngoài thao trường, trước giờ xem thời sự. Thông qua việc đọc sách, báo, nghiên cứu tài liệu và định hướng tốt cho bộ đội, các cơ quan, đơn vị của Học viện Biên phòng đã xây dựng ý chí, bản lĩnh cho học viên trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, không để thông tin xấu, độc xâm nhập vào đơn vị, gây ảnh hưởng tới quá trình học tập, rèn luyện của cán bộ, học viên, chiến sĩ.

Tại Trung tâm Huấn luyện BĐBP, đã thành nền nếp, thói quen, sau mỗi giờ huấn luyện hay vào các ngày nghỉ cuối tuần, đông đảo cán bộ, chiến sĩ đơn vị lại tìm đến Phòng Hồ Chí Minh để đọc sách, báo. Phòng đọc của đơn vị hiện nay có khoảng gần 1.500 đầu sách với hơn 2.000 cuốn sách, lượng sách được luân chuyển giữa Phòng Hồ Chí Minh, tủ sách, báo pháp luật của các đại đội là hơn 1.300 cuốn, còn các báo, tạp chí theo quy định như các báo: Nhân dân, QĐND, Biên phòng, Tiền phong, Tạp chí Quân đội được cập nhật thường xuyên, đảm bảo phục vụ nhu cầu thông tin thời sự, học tập, nghiên cứu của bộ đội.

Theo Thượng tá Nguyễn Quốc Toàn, Chính ủy Trung tâm Huấn luyện BĐBP, thời gian qua, phong trào đọc sách, báo luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, là “món ăn” tinh thần bổ ích, ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Một nét độc đáo lan tỏa văn hóa đọc tại đơn vị là mô hình “Hộp báo thao trường” được duy trì nền nếp, giúp chiến sĩ mới có thể đọc sách, báo ngay trên thao trường, bãi tập trong giờ giải lao. Bên cạnh đó, đơn vị cũng gắn phòng học của bộ đội với Phòng Hồ Chí Minh và phòng đọc làm một, tạo cho chiến sĩ thói quen dành thời gian trong giờ nghỉ, ngày nghỉ tự học tập, nghiên cứu tại phòng đọc của đơn vị.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Thừa Thiên Huế đọc sách, báo trong giờ giải lao trên thao trường. Ảnh: Võ Tiến

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Thừa Thiên Huế đọc sách, báo trong giờ giải lao trên thao trường. Ảnh: Võ Tiến

Tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Thừa Thiên Huế, thời gian qua, đơn vị luôn chú trọng duy trì có hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội. Với đặc thù là đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới, 100% chiến sĩ không được sử dụng điện thoại, đặc biệt là smartphone, chính vì vậy, việc tiếp nhận thông tin của chiến sĩ mới từ những giờ xem thời sự, đọc báo hàng ngày tại đơn vị. Bên cạnh đó, đơn vị cũng khuyến khích cán bộ, chiến sĩ dành thời gian vào giờ nghỉ, ngày nghỉ để đọc sách tại phòng đọc của đơn vị.

Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Chính trị viên Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết: “Để tạo môi trường văn hóa cũng như tạo thói quen đọc sách, báo cho mỗi chiến sĩ mới, bên cạnh công tác tuyên truyền, cùng với nguồn trang cấp của Bộ Chỉ huy, đơn vị đã đầu tư xây dựng các tủ sách, xây dựng không gian, cảnh quan môi trường, tạo sân chơi để cán bộ, chiến sĩ thư giãn sau những giờ huấn luyện. Từ đó, giúp chiến sĩ mới lan tỏa được văn hóa đọc sâu rộng trong đơn vị”.

Trong khi đó, tại Đồn Biên phòng Nhơn Hưng, BĐBP An Giang, thời gian qua, đơn vị đã duy trì, cập nhật thường xuyên các sách, báo, tạp chí để phục vụ nhu cầu đọc của bộ đội. Hệ thống sách, báo ở đây được bố trí, xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, dễ tra cứu theo từng chuyên mục đã phần nào cho thấy sự quan tâm đến văn hóa đọc cũng như ý thức xây dựng môi trường văn hóa của cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhơn Hưng, BĐBP An Giang và nhân dân trên địa bàn đọc sách, báo tại “Phòng đọc biên giới”. Ảnh: Chiến Khu

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhơn Hưng, BĐBP An Giang và nhân dân trên địa bàn đọc sách, báo tại “Phòng đọc biên giới”. Ảnh: Chiến Khu

Không chỉ đẩy mạnh việc đọc cho bộ đội, Đồn Biên phòng Nhơn Hưng còn lan tỏa phong trào này đến người dân trên địa bàn, đặc biệt là lớp trẻ. Đơn vị đã phối hợp với UBND xã Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) duy trì có hiệu quả “Phòng đọc biên giới”, với hơn 3.000 đầu sách (chưa kể báo, tạp chí) ở nhiều lĩnh vực, từ pháp luật, kinh tế, chính trị đến văn hóa, văn nghệ, giải trí. Qua đó, góp phần tạo không gian đọc cũng như văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư, khuyến khích mọi người tích cực tìm hiểu thông tin, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Được biết, để duy trì có hiệu quả mô hình “Phòng đọc biên giới”, Đồn Biên phòng Nhơn Hưng và UBND xã Nhơn Hưng đã thành lập Ban Quản lý phòng đọc, tổ chức phân công cán bộ phụ trách để phục vụ hiệu quả cho việc nghiên cứu các tài liệu, sách báo của cán bộ và người dân địa phương. Bên cạnh đó, phối hợp với các nhà trường trên địa bàn, tổ chức định kỳ hàng tháng, hàng quý cho học sinh đến để tìm hiểu thông tin mới mà nhà trường chưa có điều kiện truyền tải, qua đây, giúp các em có thể trau dồi thêm nguồn kiến thức phong phú.

Trọng Thành

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-co-hieu-qua-thiet-che-van-hoa-doc-tai-don-vi-post460684.html