Phát huy giá trị Công giáo trong kỷ nguyên mới của dân tộc
Là một tôn giáo với 5 thế kỷ hình thành, phát triển trong lòng dân tộc Việt Nam, Công giáo đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện tại.
Đặc biệt, trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, bắt kịp cùng các nước phát triển trên thế giới, cần phát huy tối đa các nguồn lực tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng từ những giá trị luân lý trong giáo lý, giáo luật đến những hành động cụ thể của chức sắc, tín đồ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Thủ tướng Tòa thánh Vatican, Hồng y Pietro Parolin nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai và Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 tại New York, Mỹ ngày 22/9/2024. (Nguồn: TTXVN)
Từ luân lý mang giá trị đạo đức tốt đẹp
Theo quan điểm của Công giáo, toàn bộ những giá trị đạo đức tốt đẹp của người Công giáo được Thiên Chúa mạc khải và được Chúa Jesus tiếp tục sứ mệnh phổ biến, làm cho những lời mạc khải đó được hiện thực trong đời sống con người.
Nội dung luân lý Công giáo được ghi chép tại kinh Thánh Cựu ước và Tân ước mà các tín hữu Công giáo phải khắc cốt ghi tâm. Nội dung các luân lý rất rộng, nhưng có thể tựu chung lại các giá trị đạo đức được gói gọn điển hình trong Mười điều răn Thiên Chúa - một trong những nền tảng đạo đức Kitô giáo mà tín đồ phải tuân thủ.
Những điều răn này được nêu ra từ ngay khi một tín hữu Công giáo được thực hành bí tích đầu tiên - bí tích rửa tội và được nhắc đi, nhắc lại thường xuyên trong các buổi lễ nhà thờ cuối tuần, trong các dịp lễ phụng vụ của Hội thánh, của xứ, họ đạo... Chính vì vậy, những giá trị đó ăn sâu vào tiềm thức và trở thành một thứ cần thực hành tự giác trong mỗi tín hữu Kitô giáo.
Những điều răn có tác dụng to lớn trong xây dựng nền tảng giá trị đạo đức cho con người, hình thành nhân cách, điều chỉnh lối sống, nâng cao phẩm giá của mỗi người, đó là: “Hãy hiếu kính cha mẹ của con, để con được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho con”, “Con không được giết người” , “Con không được phạm tội tà dâm”, “Con không được trộm cắp”, “Con không được làm chứng dối hại người lân cận mình”, “Con không được tham muốn nhà người lân cận con, cũng không được tham muốn vợ, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa hay bất cứ vật gì thuộc về người lân cận con”.
Những điều răn kể trên không chỉ yêu cầu mỗi tín hữu điều chỉnh hành vi của mình tuân theo những luân lý của Công giáo; với tư cách là một công dân, những điều răn đó phù hợp với pháp luật Việt Nam trong điều chỉnh các quan hệ xã hội từ các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình đến các quan hệ trong pháp luật hình sự.

Ngày 22/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm, chúc mừng các linh mục, tu sĩ, đồng bào Công giáo tại Giáo xứ Lào Cai và tặng quà một số gia đình giáo dân nhân dịp Giáng sinh. (Nguồn: VGP)
Không chỉ với tự mình, giá trị đạo đức Kitô còn hướng con người tới tha nhân, thể hiện rất mạnh mẽ tính đoàn kết, tình hữu ái nhân loại. Trong kinh Thánh Cựu ước có chỉ dạy mỗi tín hữu hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù, nhưng đến thời kỳ của Chúa Jesus, Chúa vượt lên trên tất cả để khuyên những người Kitô hữu phải tỏ lòng bao dung với cả kẻ thù của mình. Không được trả thù kẻ đã làm điều ác với mình theo kiểu lấy oán trả oán, hoán cải kẻ thù bằng chính lòng bao dung và sự lương thiện của mình, dùng tình yêu thương để hoán cải kẻ đã ngược đãi mình.
Điều này được thể hiện rất rõ khi một luật gia trong nhóm người Pha-ra-si nêu câu hỏi: “Thưa Thầy, trong luật pháp, điều răn nào quan trọng nhất?”, Đức Chúa Jesus đáp: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và quan trọng hơn bao giờ hết. Còn điều răn thứ hai cũng giống như vậy: “Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình”.
Bên cạnh đó, những luân lý đạo đức của Công giáo còn đề cao phẩm giá con người, thể hiện rõ nhất ở sự bình đẳng, bất kể họ là ai, xuất thân ra sao, kinh tế giàu hay nghèo… bởi họ đều bình đẳng trước Chúa. Trong kinh Thánh Cựu ước, Thiên Chúa tạo ra con người theo hình mẫu của chính mình, ban cho con người quyền thiêng liêng nhất là quyền được sống. Những người giàu có nhưng coi rẻ người khác và tham lam hòng muốn giữ chặt tài sản của mình, không thực hành hạnh bố thí với người nghèo khóchính là một tội lỗi. Làm giàu phải chính đáng bằng chính mồ hôi công sức của mình.

Đoàn các mục sư Tin lành quốc tế thăm điểm nhóm Tin lành Aquila ở Quốc Oai, Hà Nội, tháng 12/2024. (Nguồn: Thời đại)
Đến hành động phục vụ hạnh phúc của đồng bào
Với việc thực hành Huấn từ của Đức Giáo hoàng Benedict XVI “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” và quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, tín đồ Công giáo trên cả nước đã tích cực hiện thực hóa những luân lý Công giáo về một đời sống đạo đức, phẩm giá và trách nhiệm.
Thứ nhất, tích cực tham gia sản xuất, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Nhiều mô hình kinh doanh do tín hữu Công giáo thực hiện đã phát huy hiệu quả kinh tế cao nhờ chủ động áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển thêm nhiều ngành nghề mới, tạo công ăn việc làm cho người lao động lương - giáo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững.
Điển hình như mô hình nuôi heo với quy mô lớn, tuân thủ đúng quy trình kĩ thuật, không sử dụng chất cấm, chất độc hại của đồng bào Công giáo huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng và an toàn, được nhiều dòng tu Công giáo nêu gương, nhiều linh mục, chức sắc và các cộng đoàn dòng tu đã lan tỏa động viên, hướng dẫn và nâng cao ý thức cho giáo dân trong vấn đề phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng[1].
Bên cạnh việc phát triển kinh tế cho bản thân, phong trào đoàn kết giúp nhau cùng phát triển kinh tế ngày càng được lan tỏa, như Cộng đoàn Betania - Hội dòng mến Thánh giá Xuân Lộc đã tổ chức việc đào tạo và tạo việc làm cho các phụ nữ nghèo, khuyết tật; giáo xứ Nam Hà, giáo xứ Xuân Mỹ huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai tổ chức chương trình Đại lý hỗ trợ các hộ nghèo chăn nuôi; đồng bào Công giáo các xã Nhân Nghĩa, Thừa Đức, Xuân Mỹ, Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai thành lập 10 cơ sở tiểu thủ công nghiệp tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 200 lao động[2]...
Trong phong trào đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào Công giáo đã hiến đất, tự nguyện bàn giao mặt bằng làm đường giao thông nông thôn; ủng hộ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình phúc lợi; gắn camera an ninh và lắp đèn thắp sáng đường làng, ngõ hẻm... Giáo dân các giáo xứ Hưng Bình, Bình Minh, Dốc Mơ, Bạch Lâm, Ninh Phát (thuộc giáo hạt Gia Kiệm, giáo phận Xuân Lộc) đóng góp kinh phí để làm 89.818 m2 đường bê tông, xây 3 cây cầu với diện tích 140 m2; các giáo xứ Thanh Hóa, Lai Ổn, Đông Vinh (thuộc giáo hạt Hòa Thanh, giáo phận Xuân Lộc) hoàn thành 3.902 m2 nhựa nóng, 3.783 m2 đường bê tông, xây dựng 1.071 m2 cống thoát nước[3]...

Các nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện quận 11, TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ)
Thứ hai, đồng bào Công giáo tích cực tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh cho người nghèo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông qua việc tổ chức các đợt khám, chữa bệnh lưu động, cấp phát thuộc miễn phí cho đồng bào có đạo hay không có đạo hoặc tại các phòng khám, chữa bệnh từ thiện do các linh mục, nữ tu và đồng bào giáo dân thực hiện hoặc thông qua sự điều phối, giúp đỡ của Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ ở địa phương.
Đồng bào Công giáo tích cực tham gia ủng hộ các quỹ để thực hiện các hoạt động từ thiện, bác ái, giúp đỡ người yếu thế, người có công trong xã hội.
Theo thống kê của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, thành phố trong 5 năm (2017-2022), đồng bào Công giáo ủng hộ: Quỹ Vì biển đảo Việt Nam, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Xây nhà đại đoàn kết... với số tiền quy đổi tổng cộng hơn 2.013 tỷ đồng. Các linh mục, nữ tu không quản ngại vất vả, khó khăn, thậm chí là tính mạng của mình tham gia trực tiếp tại các viện, các trung tâm chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS[4].
Thứ ba, đồng bào Công giáo Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu vì cuộc sống cộng đồng, vì lợi ích chung, lâu dài của đất nước và cộng đồng nhân loại bằng nhiều hoạt động thiết thực, thực chất.
Những hành động này đang thực hiện những nội dung trong thông điệp Ngợi Khen Chúa (Laudato si’) ngày 24/5/2015 mà Đức giáo hoàng Francis đã ban hành, kêu gọi mọi người trên thế giới hãy chăm sóc trái đất này là ngôi nhà chung, nhưng đồng thời cũng là việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, với nhận thức phát triển bền vững, ứng phó với những biến đổi khí hậu, bảo vệ, giữ gìn môi trường sống, người Công giáo đã tích cực tham gia với nhiều hoạt động cụ thể như: mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; tiết kiệm nước, sử dụng bóng đèn và các thiết bị ít tiêu hao năng lượng, tắt đèn khi không sử dụng, không xả rác thải ra nơi công cộng, không sử dụng hóa chất độc hại trong canh tác, trồng trọt, sản xuất; tham gia trồng, chăm sóc cây, hoa dọc các tuyến đường thôn, xã mang lại cảnh quan sạch, đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, khu dân cư nông thôn kiểu mẫu và xây dựng đô thị văn minh.

Nhà thờ Lớn Hà Nội. (Ảnh: Trung Hiếu)
Thứ tư, tham gia tích cực phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự ở thôn xóm, khu dân cư; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phòng, chống tham nhũng góp phần xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh; hiện các quyền và nghĩa vụ công dân với xã hội, nêu cao ý thức, tinh thần cảnh giác trước các âm mưu lợi dụng những vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều tỉnh, thành phố có 100% thanh niên Công giáo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đã sẵn sàng và chấp hành lệnh nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.
Người Công giáo yêu nước, từ luân lý, đạo đức đến những hành động cụ thể của mỗi đồng bào Công giáo đều thể hiện tôn chỉ “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” phấn khởi, hạnh phúc vì cuộc sống ngày càng ấm no, đầy đủ hơn, những giá trị cuộc sống được hiện thực hóa trước sự chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình phát triển.
[1] Xem: Linh mục Trần Xuân Thảo (2024), Kỷ yếu Tọa đàm khoa học “Phát huy vai trò xứ họ đạo tiên tiến và nhân rộng xứ họ đạo tiên tiến trong đồng bào Công giáo, tr.45.
[2] Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam (2024), Kỷ yếu Đại hội Đại biểu toàn quốc người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Nxb Tôn giáo, tr.27.
[3] Xem: Linh mục Trần Xuân Thảo (2024), Kỷ yếu Tọa đàm khoa học “Phát huy vai trò xứ họ đạo tiên tiến và nhân rộng xứ họ đạo tiên tiến trong đồng bào Công giáo, tr.45.
[4] Xem: Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam (2024), Kỷ yếu Đại hội Đại biểu toàn quốc người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Nxb Tôn giáo, tr.28.