Phát huy giá trị di sản gắn liền với danh nhân Đặng Huy Trứ

HNN - Cuộc đời chỉ vỏn vẹn 49 năm nhưng với tài năng và nhiệt huyết, danh nhân Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) đã để lại nhiều di sản cho đời, như đánh giá của nhà sử học Lê Văn Lan: 'Sự nghiệp mà Đặng Huy Trứ để lại so với nhà nho đương thời, không chỉ là vượt bậc mà là vượt trội'.

 Trưng bày, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp danh nhân Đặng Huy Trứ

Trưng bày, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp danh nhân Đặng Huy Trứ

Là nhà nho yêu nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp thế kỷ XIX, một quan chức lớn Triều Nguyễn có tư tưởng canh tân, cả cuộc đời Đặng Huy Trứ là một tấm gương sáng vì dân, vì nước, đồng thời là một nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao. Cụ còn được xem là thủy tổ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam. Ngày nay, những di tích liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ vẫn đang được hậu thế bảo tồn và phát huy giá trị.

Một trong những di tích quan trọng là nhà thờ Đặng Huy Trứ tọa lạc tại phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà (cũ), nay thuộc phường Kim Trà, gồm có các công trình như cổng, bình phong, sân vườn, nhà thờ, nhà kiều, nhà tăng, nhà bia, tượng Đặng Huy Trứ, phù điêu và giếng nước… Đây như điểm “hành hương” của những nghệ sĩ nhiếp ảnh trên khắp cả nước khi có dịp ghé Huế. Hàng năm, cứ đến ngày sinh, ngày mất của cụ, các cơ quan, ban ngành tổ chức dâng hương và các hoạt động triển lãm, trưng bày… Ngoài nhà thờ, lăng mộ của cụ tại làng Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, thị xã Phong Điền (cũ), nay thuộc phường Phong Thái cũng đã được công nhận Di tích Lịch sử danh nhân cấp Quốc gia. Trên địa bàn TP. Huế cũng có trường học, tên đường mang tên Đặng Huy Trứ.

ThS. Lê Thị Mai An (Bảo tàng Lịch sử TP. Huế) cho rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích gắn liền với cuộc đời của cụ Đặng Huy Trứ có vai trò rất quan trọng. Theo bà An, chính quyền cùng Nhân dân địa phương, nơi có di tích, cần phối hợp thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các điểm di tích và đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Để làm được điều này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trên mọi phương tiện thông tin đại chúng để cho mọi người dân nhận thức được tầm quan trọng về các giá trị của di tích, nâng cao ý thức về bảo vệ các di tích lịch sử. Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị lữ hành trên địa bàn xây dựng tour tham quan đến với di tích liên quan đến Đặng Huy Trứ. Chính quyền địa phương cần có sự ưu đãi và kết nối với các công ty du lịch, công ty lữ hành để quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về những di tích gắn liền với cụ khi đến tham quan ở Huế.

Không dừng lại, cần thường xuyên đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học đối với các di tích, tài liệu, hiện vật và môi trường cảnh quan di tích và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Đẩy mạnh công tác số hóa thông tin, hình ảnh các di tích liên quan đến Đặng Huy Trứ ở Huế để tạo cho du khách có nhiều trải nghiệm mới mẻ, thuận tiện cho việc tham quan, góp phần gìn giữ, phát huy mạnh mẽ giá trị các tư liệu, hiện vật gắn với cụ Đặng Huy Trứ tại Huế.

Hiện nay, tại nhà thờ còn lưu giữ nhiều nguồn tư liệu chữ Hán, như: những bức hoành phi, câu đối, sắc phong… Đây là những tư liệu quan trọng của dòng họ, giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về cội nguồn lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của dòng họ Đặng nói riêng và của cộng đồng người Việt nói chung. Vì thế, phải có biện pháp hữu hiệu để bảo tồn di sản Hán Nôm ở di tích qua các nội dung văn bia, sắc phong, trướng, liễn, câu đối.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Huế chia sẻ, cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích liên quan đến danh nhân Đặng Huy Trứ. Cụ thể, cần tạo điều kiện cho các công ty lữ hành du lịch khảo sát, xây dựng các tour du lịch di sản liên quan đến hệ thống di tích danh nhân Đặng Huy Trứ.

Cùng với đó, cần có sự kết nối các di tích này với Quần thể di tích Cố đô Huế để thu hút du khách và các nhà khoa học quan tâm tham quan, nghiên cứu. “Sự nghiệp và tài thao lược của danh nhân Đặng Huy Trứ thể hiện ở nhiều lĩnh vực. Ở lĩnh vực nào ông cũng có nét đặc sắc riêng, vì vậy việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản về cụ là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đây cũng chính là yếu tố góp phần xây dựng và phát triển Huế là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam”, ông Hải nhấn mạnh.

Nhật Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/phat-huy-gia-tri-di-san-gan-lien-voi-danh-nhan-dang-huy-tru-156027.html