Khám phá 2 ngôi đền Đồng Cổ tại xứ Thanh

Xứ Thanh, không chỉ nổi tiếng với Thành Nhà Hồ, Lam Kinh... mà còn lưu giữ những ngôi đền Đồng Cổ linh thiêng. Mỗi đền là một trang sử, một câu chuyện huyền thoại gắn với các triều đại và danh nhân đất Việt. Thăm các ngôi đền cổ tại Thanh Hóa là chuyến đi để chúng tôi vừa khám phá, vừa như là sự trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc.

Cổng đền Đồng Cổ làng Mỹ Đà, xã Hoằng Hóa.

Cổng đền Đồng Cổ làng Mỹ Đà, xã Hoằng Hóa.

Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình là đền Đồng Cổ làng Mỹ Đà, xã Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đền Đồng Cổ hiện tại là kết quả của nhiều lần trùng tu, với khu tiền đường được thiết kế 5 gian. Ngay giữa tiền đường là nơi đặt hương án hội đồng, thờ công chúa Kim Dung. Hậu cung thờ thần Đồng Cổ, phía trong có chuông đồng, trống đồng, lư hương bằng đồng...

Tương truyền rằng vào năm 1020, trong một lần dẹp loạn, Thái tử Lý Phật Mã đã đi qua vùng đất này. Giữa đêm giông gió, ông cùng đoàn tùy tùng dừng lại nghỉ chân tại làng. Đúng lúc ấy, thần Đồng Cổ đã báo mộng, giúp Thái tử lập mưu thắng trận. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lý Thái Tổ đã sắc phong thần Đồng Cổ là “Thượng đẳng phúc thần”, cho lập đền thờ tại nơi linh ứng. Cũng từ đó, lễ hội thờ thần được tổ chức hằng năm vào mùng 1 tháng 2 âm lịch, duy trì suốt nghìn năm như một nét văn hóa tâm linh độc đáo.

Đối với người dân làng Mỹ Đà, đền Đồng Cổ không chỉ là nơi thờ tự mà còn là trung tâm gắn kết cộng đồng. Mỗi dịp lễ hội, người người từ khắp nơi đổ về, tay dâng hương, lòng thành kính. Bên cạnh phần lễ, phần hội với những trò chơi dân gian như đánh đu, kéo co, ô ăn quan, ẩm thực quê nhà với bánh răng bừa, xôi vò, giò... làm nên không khí lễ hội đậm đà bản sắc.

Năm 2004, đền Đồng Cổ được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây và là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của xã Hoằng Hóa. Đền hấp dẫn du khách bởi sự giản dị và thiêng liêng của nó. Đến đây, du khách không chỉ đến để tham quan, mà là để tìm lại sự an yên, để cảm nhận một mạch ngầm văn hóa vẫn bền bỉ chảy trong lòng đất cổ. Mỗi bước chân qua làng, mỗi nén nhang dâng lên là một lần được kết nối với cội nguồn dân tộc, với lớp lớp người xưa đã góp phần giữ gìn bản sắc Việt.

Tiếp nối hành trình từ làng Mỹ Đà, chúng tôi tìm về vùng đất Đan Nê, xã Quý Lộc, tỉnh Thanh Hóa thăm đền Đồng Cổ nổi tiếng linh thiêng. Đây được xem là nơi khởi nguồn tín ngưỡng thờ thần Đồng Cổ.

Khác với nét khiêm nhường và ẩn mình của đền Đồng Cổ làng Mỹ Đà, đền Đồng Cổ làng Đan Nê mang dáng dấp uy nghi, với quần thể kiến trúc gồm đền chính, nhà tả vu, hữu vu, sân tế và cổng tam quan rộng lớn. Những mảng chạm khắc rồng, phượng, hoa sen trên gỗ lim sẫm màu, mái ngói cổ kính phủ rêu, bức đại tự sơn son thếp vàng lấp lánh ánh sáng trầm mặc... tất cả như gợi lên một không gian linh thiêng ngưng đọng giữa thời gian.

Lễ hội đền Đồng Cổ làng Đan Nê thu hút hàng nghìn du khách trong tỉnh tham dự.

Lễ hội đền Đồng Cổ làng Đan Nê thu hút hàng nghìn du khách trong tỉnh tham dự.

Tại đây, lễ hội Đồng Cổ diễn ra từ ngày 13 - 15/3 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo du khách và con cháu từ khắp mọi miền về hành lễ. Lễ hội gồm hai phần. Phần lễ, dân làng rước kiệu từ đền Đồng Cổ về đình Phúc tế lễ xin linh khí thần Đồng Cổ, sau đó rước kiệu từ đình Phúc về đền Đồng Cổ dâng hương. Đặc biệt, du khách còn được xem hoạt cảnh tái hiện sự tích thần Đồng Cổ, sự hình thành núi và đền, do các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, mang lại chiều sâu văn hóa và cảm xúc đặc biệt cho người xem. Phần hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động giao lưu văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian, triển lãm và giới thiệu các sản phẩm OCOP cùng đặc sản của địa phương và các vùng miền khác trong tỉnh. Những năm gần đây, lễ hội ngày càng được đổi mới về hình thức, nội dung, tạo nên một không gian văn hóa mở, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm và hòa mình vào không khí lễ hội đậm đà bản sắc.

Trải nghiệm đền Đồng Cổ làng Đan Nê không chỉ là chuyến tham quan di tích, mà là một hành trình tìm hiểu chiều sâu của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, nơi con người không chỉ thờ phụng thần linh mà còn truyền lại những chuẩn mực đạo lý, lối sống chính nghĩa cho thế hệ mai sau.

Được biết, trong cả nước, Thanh Hóa và Hà Nội là 2 địa phương thờ thần Đồng Cổ. Chuyến du lịch tham quan các đền Đồng Cổ, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian văn hóa thờ tự đặc trưng của người Việt, mà còn có dịp hiểu sâu hơn về một thời lịch sử hào hùng, nơi đạo lý và niềm tin trở thành sức mạnh đoàn kết dân tộc. Hành trình ấy không dừng lại ở bước chân, mà còn mở ra những suy ngẫm về quá khứ và hiện tại, nơi mỗi mái đền, mỗi lễ hội, mỗi tiếng trống đồng vẫn ngân vang như nhịp nối tâm linh giữa người xưa và người nay. Và biết đâu, chính từ những chuyến đi này, chúng ta lại tìm thấy cho mình một mạch nguồn để trở về, để gìn giữ và tiếp nối.

Bài và ảnh: Phan Vân

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/kham-pha-2-ngoi-den-dong-co-tai-xu-thanh-38318.htm