Phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng
Di tích lịch sử cấp quốc gia Khu di tích căn cứ cách mạng (DTCCCM) Huyện ủy Hòa Vang nằm tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 30km theo hướng Tây Nam. Hiện nay, Khu DTCCCM Huyện ủy Hòa Vang trở thành điểm tham quan du lịch về nguồn lý tưởng cho bao du khách, nhất là lớp trẻ.
Khu DTCCCM Huyện ủy Hòa Vang là điểm hẹn lý tưởng của các tour du lịch về nguồn. Đến nơi đây, không chỉ để thả hồn trở về quá khứ với những chiến tích oanh liệt mà còn “thanh thản” với không gian bao la của rừng, của núi, của đá và cả những cơn gió thơm nồng hương lúa, lồng lộng từ những cánh đồng lúa chín Hòa Vang thổi đến. Hằng năm, nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động “Thăm lại chiến trường xưa”, “Hướng về cội nguồn” của các thế hệ trên địa bàn nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn đều được tổ chức tại đây.
Cùng với các di tích cách mạng, Khu DTCCCM Huyện ủy Hòa Vang còn có tiềm năng phát triển du lịch rất thuận lợi với địa thế tự nhiên có núi cao, rừng cây xanh mát bốn mùa. Dọc theo quốc lộ 14G là đầu nguồn sông Lỗ Đông, quanh co uốn lượn như dải lụa mềm, chạy qua những bản làng trù phú, mang theo những địa danh du lịch nổi tiếng như suối Hoa, ngầm Đôi, Lái Thiêu, Hòa Phú Thành, núi Thần Tài, nhà Gươl thôn Phú Túc... Hai bên bờ bạt ngàn rừng keo lá tràm reo vui trong gió tạo nên một thắng cảnh đẹp nên thơ.
Sau khi tham quan nhà trưng bày những hiện vật, tài liệu, vũ khí, hình ảnh, sa bàn... quý giá của các thời kỳ hoạt động kháng chiến của Huyện ủy Hòa Vang, du khách muốn có cảm giác mạnh, có thể leo núi để chinh phục đỉnh 310, theo con đường bê tông dài trên 2km, với trên 1.500 bậc thang len lỏi, ẩn hiện giữa rừng cây, gộp đá. Trên đường lên đỉnh có nhiều điểm dừng chân để dâng hương hoặc ghế đá nghỉ ngơi. Cuối cùng bạn cũng “chinh phục” được đỉnh 310, nơi có 2 hòn đá “lịch sử” mang tên là “Hòn đá Đà Nẵng”, “Hòn đá Non Nước”, các hầm bí mật, bếp Hoàng Cầm, Trạm đại phẫu vẫn còn hằn sâu dấu tích bom đạn chiến tranh.
Đứng trên một trong hai hòn đá này, bạn có thể mục kích được danh thắng Ngũ Hành Sơn, cánh đồng lúa Hòa Vang, biển xanh ôm phố phường Đà Nẵng. Càng độc đáo hơn, dưới tầm mắt với dòng sông Lỗ Đông bàng bạc trắng, đang uốn lượn chạy về phía chân trời xa thẳm. Hơn thế nữa, với dáng núi non hùng vĩ, Khu DTCCCM Huyện ủy Hòa Vang còn là nơi lý tưởng để bạn có thể tìm nguồn cảm hứng thi vị khi đứng giữa bao la nắng gió, mà tưởng nhớ bao anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho đất mẹ Hòa Vang.
Ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc cho hay, có một điểm độc đáo là để đến Khu DTCCCM này, bạn đi qua một bản làng người Cơ Tu (thôn Phú Túc), có nếp nhà Gươl truyền thống bên cạnh những lễ hội văn hóa truyền thống, với đội trống chiêng gióng lên những âm thanh “tình toàng” dồn dã ngân vang giữa núi rừng hùng vĩ. Bạn còn có cơ hội ngắm nhìn những sơn nữ Cơ Tu đẹp như bông hoa rừng, nhịp nhàng theo vũ điệu “Tung tung - Da dá”, trong những đêm lễ hội hoặc thưởng thức các món ăn, thức uống truyền thống của người Cơ Tu nơi đây chế biến như bánh cuốt, cá liêng nướng, rượu cần...
Còn nhớ, vào sáng 24-8-2014, tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, UBND huyện tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Khu DTCCCM Huyện ủy Hòa Vang. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hoàng Tuấn Anh (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mong muốn, cùng với niềm tự hào về những hy sinh, cống hiến to lớn của biết bao đồng chí, đồng bào trong các giai đoạn lịch sử trước đây.
Tự hào về di sản lịch sử được tôn vinh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hòa Vang cần tiếp tục phát huy truyền thống quê hương; gắn bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch, thực hiện tốt dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử để khu di tích trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Từ năm 2004, Khu DTCCCM Huyện ủy Hòa Vang được lãnh đạo huyện Hòa Vang và các cán bộ lão thành tổ chức nhiều đợt khảo sát thực địa nhằm tái hiện khu di tích xưa. Chính quyền địa phương cũng đầu tư ngân sách xây dựng Nhà trưng bày sa bàn và các hiện vật kháng chiến có giá trị; thiết kế bậc tam cấp để đi lên bia di tích; chỉnh trang “Hòn đá Đà Nẵng”, “Hòn đá Non Nước”... Tuy nhiên, sau một thời gian dài đưa vào hoạt động, nhiều hạng mục đã bị hư hỏng, xuống cấp.
Vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Khu DTCCCM Huyện ủy Hòa Vang với tổng kinh phí hơn 11,6 tỷ đồng nhằm hoàn thiện cảnh quan khu vực, tổ chức hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sĩ, phát huy giá trị của di tích và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, quảng bá đến du khách, giáo dục cách mạng cho các thế hệ mai sau... Dự án do UBND huyện Hòa Vang làm chủ đầu tư và điều hành thực hiện trong giai đoạn 2019-2021.