Phát huy giá trị kênh Vĩnh Tế
Trong suốt quá trình hình thành, phát triển vùng đất Nam Bộ cho đến ngày thành lập tỉnh An Giang, Châu Đốc luôn là tiền đồn xung yếu, nơi tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ của các bậc tiền nhân về sách lược mở cõi, giữ đất. Đến nay, vẫn còn in đậm dấu tích qua nhiều công trình mang tính lịch sử. Trong đó, kênh đào Vĩnh Tế là công trình thủy lợi quan trọng bậc nhất của khu vực Tây Nam Bộ và An Giang từ thế kỷ XIX.
Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, suốt chiều dài lịch sử, kênh Vĩnh Tế luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện. Công trình này vừa là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, đem lại nhiều nguồn lợi cho cư dân vùng; vừa là kênh cung cấp nước ngọt, phù sa vun đắp cho ruộng đồng An Giang, vùng Tứ giác Long Xuyên và toàn bộ diện tích tiếp giáp Campuchia. Kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như tuyến phòng thủ tự nhiên vững chắc, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận định: “Kênh Vĩnh Tế tồn tại được 200 năm, đem lại nhiều lợi ích. Trước hết, mang lại thuận lợi cho nông dân ĐBSCL ở những vùng đi qua, giúp họ làm công tác thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; tạo đường thủy quan trọng. Qua đó cho thấy, kênh Vĩnh Tế thể hiện tầm nhìn chiến lược của các vị vua đầu triều Nguyễn, mang giá trị kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và lịch sử đến tận ngày nay”.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, Vĩnh Tế là kênh đào lớn nhất ở An Giang, một trong 4 kênh lớn ở Nam Bộ. Tháng 7/1996, nhận thấy rõ vai trò quan trọng của kênh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định phóng tuyến kênh T5 - Tuần Thống (sau này gọi là kênh Võ Văn Kiệt) dài 36,7km, đưa nước ngọt từ kênh mẹ Vĩnh Tế xuyên qua vùng Tứ giác Long Xuyên ra tới biển Tây. “Nhờ tuyến kênh này, việc khai thác Tứ giác Long Xuyên sau 10 năm (1989 - 1999) thành công, góp phần quan trọng đưa sản lượng lúa của An Giang thuộc nhóm đầu của cả nước” - PGS.TS Nguyễn Văn Nhật cho biết.
“Kênh Vĩnh Tế đưa Châu Đốc từ một cứ điểm quân sự, từng bước trở thành khu kinh tế đầu mối kết nối với Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) với Chân Lạp, Vĩnh Thanh, Gia Định, biến Tứ giác Long Xuyên từ hoang hóa, nhiễm phèn nặng thành vùng sản xuất trù phú, trọng điểm sản xuất lương thực ĐBSCL và cả nước. Trong phát triển du lịch, kênh Vĩnh Tế hành trình du lịch sinh thái, lịch sử - văn hóa, trên bộ - dưới thuyền, góp phần đa dạng hóa loại hình du lịch địa phương” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh.
“Sau 27 năm, kênh Võ Văn Kiệt là tuyến giao thông thủy huyết mạch nối liền kênh Vĩnh Tế, chạy dọc biên giới giáp Campuchia xuống tới vùng biển Kiên Giang. Nhờ kênh Võ Văn Kiệt, bà con thuận lợi vận chuyển, thông thương hàng hóa; trên bờ là con đường trải nhựa liên tỉnh thẳng tắp, nhà cửa san sát. Là người con quê hương Châu Đốc, tôi rất đỗi tự hào, biết ơn các bậc tiền nhân có công khai phá, mở cõi. Nước tràn đồng mang theo phù sa, bồi đắp dinh dưỡng cho đất đai thêm màu mỡ, nhờ đó, năng suất, chất lượng lúa ngày càng tăng. Đời sống người dân cũng khấm khá hơn” - ông Nguyễn Văn Nhiên phấn khởi.
Để tiếp tục phát huy giá trị kênh Vĩnh Tế, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang kêu gọi các cấp, ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy thành quả tiền nhân để lại; đoàn kết, phấn đấu đạt nhiều thành tựu to lớn, toàn diện hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, xây dựng quê hương An Giang ngày thêm giàu đẹp, văn minh.
Kênh Vĩnh Tế được vua Gia Long ra lệnh cho khởi đào từ năm 1819, hoàn thành năm 1824, do Danh thần Thoại Ngọc Hầu (tức Nguyễn Văn Thoại) trực tiếp chỉ huy. Dài 91km, rộng 30m, sâu 2,55m, tuyến kênh được thi công hoàn toàn bằng sức người. Công trình là minh chứng hùng hồn cho sự sáng tạo, tài tình của người Việt chinh phục thiên nhiên, thể hiện tầm nhìn chiến lược của vương triều nhà Nguyễn, góp phần phát triển kinh tế, bang giao và củng cố sức mạnh quốc phòng miền biên viễn vùng Tây Nam của Tổ quốc. Mới đây, tại lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) trao quyết định xác lập Kỷ lục Việt Nam, tôn vinh kênh Vĩnh Tế là “Kênh đào thủ công trong khu vực biên giới dài nhất Việt Nam”.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-huy-gia-tri-kenh-vinh-te-a410327.html