Phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Tháp Mười

Huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện luôn xác định 'Văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội'.

Hiện vật tại Nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Hiện vật tại Nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Tháp Mười được du khách gần xa biết đến với các điểm du lịch cộng đồng gắn với những cánh đồng sen. Đây còn là nơi gìn giữ nhiều nét văn hóa-nghệ thuật truyền thống với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp có diện tích 320ha, tọa lạc trên địa bàn 2 xã Mỹ Hòa và Tân Kiều.

Gò Tháp được xem là nơi hội tụ của những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, khảo cổ và tâm linh gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau và cũng là nơi lưu giữ gần như khá nguyên vẹn các di tích của nền văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam.

Các di tích văn hóa như Tháp Mười cổ tự, 2 Đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều, Miếu Bà Chúa Xứ hằng năm tổ chức hai kỳ lễ hội truyền thống dân gian vào Rằm tháng 3 âm lịch (Vía Bà Chúa Xứ) và Rằm tháng 11 âm lịch (lễ giỗ hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Võ Duy Dương và Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều) đón tiếp hàng trăm nghìn lượt khách đến cúng bái, tham quan.

Khách thập phương đến tham quan và cúng viếng tại lễ giỗ hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều.

Khách thập phương đến tham quan và cúng viếng tại lễ giỗ hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều.

Phát huy giá trị văn hóa tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, Nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo cũng đã đi vào hoạt động trong năm 2024.

Chúng tôi tìm đến Khu di tích Gò Tháp lần này không chỉ được tham quan di tích, mà còn có cơ hội được tìm hiểu nguồn tư liệu, hiện vật tại Nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo.

Nhân viên hướng dẫn thuyết minh đưa đoàn vào bên trong Nhà trưng bày, như kết nối chúng tôi tìm về những giá trị của tháng ngày xa xưa. Dự án Nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo có diện tích hơn 2.500m2, nằm bên trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp.

Điểm nổi bật của nhà trưng bày đó là không gian trưng bày về Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo. Trong đó, phòng trưng bày chuyên đề về Xứ ủy Nam Bộ có diện tích khoảng 1.200m2, với các nội dung về bối cảnh lịch sử, sự hình thành, phát triển và vai trò lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Đồng Tháp Mười giai đoạn 1945-1949.

Song song đó, không gian trưng bày về Văn hóa Óc Eo có diện tích khoảng 650m2, đã tạo cho chúng tôi những ấn tượng đặc biệt, với những hiện vật rất độc đáo. Tại không gian trưng bày được thể hiện bằng hình thức bộ sưu tập, lấy trọng tâm là việc trình bày các hiện vật gốc về Văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp cách nay gần 2.000 năm.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết: “Nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo đi vào hoạt động đánh dấu bước phát triển trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Công trình không chỉ phục vụ lưu trữ và trưng bày hiện vật khảo cổ, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch và đời sống văn hóa của tỉnh”.

Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp trực tiếp quản lý và vận hành nhà trưng bày. Nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Đồng Tháp.

Giám đốc Ban Quản lý Khu Di tích Gò Tháp Lê Đình Lang cho biết: “Ban luôn tích cực phối hợp với địa phương và ngành chức năng trong việc bảo quản, quảng bá, giới thiệu nhà trưng bày để ngày càng nhiều du khách biết tìm đến. Qua đó, góp phần cùng địa phương phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới”.

Bên cạnh phát huy giá trị Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, trong xây dựng nông thôn mới, huyện Tháp Mười cũng đặc biệt chú trọng các thiết chế văn hóa trên địa bàn.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được phát huy hiệu quả, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được chăm lo.

Anh Bùi Văn Thức, sinh năm 1982, ngụ ấp 5, xã Đốc Binh Kiều chia sẻ: “Sau khi lao động ngoài vườn mít, những khi nhàn rỗi, tôi cùng bà con tham gia phong trào văn nghệ ở địa phương rất vui, tình nghĩa xóm giềng càng thêm gắn bó”.

Công tác tuyên truyền vận động người dân trên địa bàn huyện Tháp Mười tham gia xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh được quan tâm chỉ đạo thực hiện, chất lượng gia đình văn hóa, ấp, khóm văn hóa từng bước được nâng lên, đời sống tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện.

Ông Võ Văn Trường, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng Ban nhân dân ấp 5, xã Đốc Binh Kiều, cho biết: Nhờ xây dựng nông thôn mới mà việc nâng cao nhận thức của người dân, vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong việc xây dựng và giữ vững ấp văn hóa ngày càng phát huy mạnh mẽ.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười, quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, huyện cũng đặc biệt chú trọng kiểm kê, ghi danh, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa đúng quy định.

Tham quan Nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo tại Khu di tích Gò Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Tham quan Nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo tại Khu di tích Gò Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Đầu năm 2024, các xã căn cứ kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội trên địa bàn huyện, xây dựng kế hoạch triển khai đến các cán bộ, công chức, tổ chức chính trị xã hội và các di tích trên địa bàn thực hiện.

Qua đó, các di tích trên địa bàn các xã đều thực hiện tốt công tác đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích, tình hình an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường tại các điểm di tích được thực hiện tốt; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm di tích theo quy định. Không xảy ra tình trạng lấn chiếm di tích; mất cắp hiện vật tại di tích.

Ngoài ra, các xã còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông, giới thiệu di sản văn hóa đến nhân dân và khách tham quan nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ hội, các sự kiện chính trị, văn hóa tại địa phương.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện Tháp Mười ngày càng có những chuyển biến tích cực. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn, nhiều nét đẹp trong đạo đức, đời sống văn hóa tinh thần từng bước được nâng lên, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết chia sẻ “tương thân tương ái” được phát huy, đời sống nhân dân ngày càng ổn định, chất lượng cuộc sống ngày được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của toàn huyện.

HỮU NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-huy-gia-tri-van-hoa-trong-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-o-thap-muoi-post853090.html