Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Tỉnh Bình Thuận chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch.
Với hơn 105.800 người thuộc 34 dân tộc thiểu số, Bình Thuận là vùng đất hội tụ đông đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng tạo nên sự phong phú và đa dạng trong nền văn hóa địa phương. Khai thác lợi thế đó, tỉnh Bình Thuận chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch ngày càng phát triển, đặc biệt là du lịch văn hóa.

Du khách tham quan Tháp Po Sah Inư (còn gọi là Đền Po Sah Anaih hay Tháp Chăm Phố Hài) trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Nằm trên tuyến du lịch từ trung tâm thành phố Phan Thiết đi Mũi Né, di tích tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài) là điểm đến văn hóa thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế đến tham quan trong hành trình khám phá vùng đất Bình Thuận.
Tháp Pô Sah Inư là một nhóm di tích đền tháp Chăm còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa; được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Nhóm đền tháp này được xây dựng cách đây hơn 1.200 năm, từng là biểu tượng thời cực thịnh của vương quốc Chăm từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ IX. Đây là nơi thờ thần Shiva, sau đó thờ thêm công chúa Po Sha Inư. Tại đây, từ năm 2005 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã phục dựng và tổ chức đều đặn Lễ hội Ka tê với đầy đủ nghi thức và các giá trị văn hóa dân gian mang đậm tính tâm linh, tín ngưỡng vốn có của người Chăm. Lễ hội mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, các vị thần và cầu mong mùa màng bội thu, sự sinh sôi nảy nở của vạn vật và con người.
Đến đây, du khách có thể cảm nhận được kiến trúc tháp độc đáo, tinh tế của các cụm tháp. Điêu khắc theo cách trang trí đặc trưng của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí; mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa Chăm qua các nghi lễ, tín ngưỡng truyền thống, biểu diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc…
Du khách Morten Andersen (đến từ Đan Mạch) cho biết: "Mỗi chuyến du lịch của chúng tôi như là một hành trình khám phá. Ngoài những địa điểm quá nổi tiếng như biển Mũi Né, Hàm Tiến với cuộc sống người dân bản địa thì những tháp cổ với tinh hoa, kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người xưa rất đặc sắc. Chúng tôi như khám phá thêm một gam màu trong bức tranh văn hóa của Việt Nam".
Chị Nguyễn Ngọc Trâm, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cảm nhận: Ngoài khám phá kiến trúc độc đáo của người Chăm xưa thì khung cảnh ở đây cũng rất đẹp, nhất là địa điểm thích hợp để ngắm hoàng hôn. Từ trên cao nhìn xuống, phía trước là biển xanh, phía sau hướng về thành phố Phan Thiết, chị có cảm giác sảng khoái, thư thái.
Theo ông Trần Đức Dũng, Trưởng Ban quản lý di tích tháp Pô Sah Inư: Nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian Chăm độc đáo thường xuyên được tổ chức, nhất là vào các ngày lễ, Tết để phục vụ nhu cầu tham quan, quảng bá nét độc đáo của văn hóa Chăm; đồng thời tạo sản phẩm, tăng tính trải nghiệm cho du khách như trình diễn nghề dệt thổ cẩm, chế tác gốm truyền thống Chăm, làm bánh gừng bằng phương pháp thủ công, biểu diễn nhạc cụ Chăm…
Tại Bình Thuận hiện có 11 di tích của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 5 di tích được xếp hạng quốc gia. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh sưu tầm, lưu giữ hơn 3.000 hiện vật của các dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2024, tỉnh có 2 di sản của đồng bào dân tộc thiểu số được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình và Lễ hội Ka tê của đồng bào Chăm tỉnh Bình Thuận.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, tại Bình Thuận các di tích lịch sử, văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy không nhiều nhưng rất đa dạng và có giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc… Hầu hết các di tích lịch sử, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển. Trong đó, nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã trở thành những điểm đến không thể thiếu trong các tour, tuyến du lịch văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo du khách như: Tháp Pô Sah Inư ở Phan Thiết; đền thờ Pô Klong Mơh Nai và bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm, đền thờ Pô Nit, chùa Bà Thiên Hậu ở Bắc Bình; đền thờ Công chúa Bàn Tranh ở Phú Quý; nhóm đền tháp Pô Dam ở Tuy Phong…
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục kiểm kê, đánh giá giá trị các di tích của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa công tác trùng tu, tôn tạo di tích; sưu tầm hiện vật, tài liệu văn hóa dân tộc để ngày càng đa dạng di tích, di sản, hiện vật của đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, Sở nghiên cứu xây dựng, kết nối để hình thành các tour, tuyến du lịch đến tham quan các di tích, lễ hội tiêu biểu, khai thác các lợi thế về thiên nhiên, ẩm thực, nghề truyền thống để tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt.