Xóm rèn giữ nghề
Khi sản xuất nông nghiệp cơ giới hóa, nghề rèn đối mặt nguy cơ mai một. Với đôi tay khéo léo và tình yêu nghề, những người thợ rèn Bao Vinh (phường Hương Vinh, quận Phú Xuân) vẫn kiên trì giữ lửa nghề, tìm hướng đi mới.

Những người thợ xóm rèn Bao Vinh vẫn ngày ngày miệt mài với búa, đe, tạo ra hàng chục loại sản phẩm khác nhau
Niềm vui đến khi cuối năm 2024, rèn Bao Vinh được công nhận là Nghề truyền thống của Huế, mở ra cơ hội phát triển, gắn kết du lịch. Chính quyền và người dân Hương Vinh đang nỗ lực bảo tồn, nâng cao đời sống thợ rèn, giữ lửa làng nghề trăm năm tuổi.
Phố cổ Bao Vinh từng là thương cảng sầm uất, nơi hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của Cố đô xưa. Bên cạnh những ngôi nhà cổ, nơi đây còn có một xóm nghề lâu đời với cái tên mộc mạc: Xóm rèn. Từ xóm rèn, những sản phẩm nông cụ, như dao, liềm, cuốc, cày, bừa... phục vụ sản xuất nông nghiệp “made in Bao Vinh” có mặt ở nhiều thị trường. Ngày nay, trước sự cạnh tranh khốc liệt của máy móc hiện đại, người dân Bao Vinh vẫn kiên trì với nghề, mở ra hướng đi mới bằng cách đa dạng hóa sản phẩm và tìm kiếm thị trường rộng lớn hơn.
Tổ dân phố Bao Vinh hiện có 28 hộ làm rèn và cơ khí, với 42 nhân khẩu. Những người thợ vẫn ngày ngày miệt mài với búa, đe, tạo ra hàng chục loại sản phẩm khác nhau, không chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn đáp ứng nhu cầu xây dựng, mộc và sinh hoạt hàng ngày. Như lò rèn của ông Trương Tý, mỗi ngày cho ra thị trường nhiều loại sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho 7 lao động; hay lò rèn của thợ rèn lão luyện Trương Thái - Tổ trưởng tổ dân phố Bao Vinh; lò rèn của anh Huỳnh Hữu Tuấn, thợ rèn trẻ, tâm huyết với nghề… “Nghề rèn không chỉ là kế sinh nhai mà còn là niềm tự hào, tình yêu với truyền thống cha ông. Nhưng muốn nghề tồn tại, chúng tôi phải đổi mới, sáng tạo, kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại”, ông Trương Thái khẳng định.
Sản phẩm nghề rèn của Bao Vinh hiện không chỉ dừng lại ở những công cụ truyền thống mà đã đa dạng các sản phẩm, nhiều chủng loại, số lượng lên đến hàng nghìn loại, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, được tiêu thụ tại hầu hết các tỉnh, thành ở miền Trung. Hàng năm, các hộ làm rèn đã sản xuất hơn 75.600 sản phẩm. Nghề rèn đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ, mức thu nhập của lao động tại các cơ sở dao động từ 150 - 350 nghìn đồng/ngày. Với 42 lao động tham gia hoạt động sản xuất nghề, thu nhập bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Để duy trì và phát triển nghề rèn Bao Vinh, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Ông Lê Văn Cường, Quyền Chủ tịch UBND phường Hương Vinh cho biết, sau khi được công nhận là làng nghề truyền thống, Bao Vinh có thêm động lực để giữ lửa nghề. Chính quyền sẽ tập trung quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ đầu tư máy móc nhưng vẫn giữ nét thủ công đặc trưng. Địa phương cũng đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ trong khu dân cư và cam kết không để nghề rèn bị lợi dụng sản xuất hung khí trái phép.
Phó Chủ tịch UBND quận Phú Xuân, ông Hoàng Tân Ninh nhấn mạnh rằng, để tồn tại, các hộ sản xuất cần áp dụng công nghệ mới, mở rộng thị trường và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. Định hướng lâu dài là liên kết sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời kết hợp phát triển du lịch với làng nghề. Phố cổ Bao Vinh không chỉ là điểm nhấn văn hóa mà còn là nền tảng để phát triển kinh tế - du lịch địa phương. Bảo tồn và phát triển nghề rèn Bao Vinh cũng là cách để gìn giữ một phần hồn cốt văn hóa vùng đất Cố đô.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/xom-ren-giu-nghe-151078.html