Phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù của Luật Thủ đô 2024, tạo động lực cho phát triển

Để tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024, đưa Luật đi vào cuộc sống, TP Hà Nội đang tiếp tục triển khai việc xây dựng các văn bản triển khai thi hành Luật theo danh mục đã được xác định.

UBND TP Hà Nội mới có văn bản báo cáo tới Đoàn đại biểu Quốc hội TP trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV về tình hình, kết quả xây dựng văn bản thi hành Luật Thủ đô.

Khẩn trương triển khai các phần việc thuộc thẩm quyền

Theo đó, ngay sau khi Luật Thủ đô được thông qua (tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV), UBND TP đã chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp để rà soát, xác định nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương và thành phố.

Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 762/QĐ-TTg ngày 2/8/2024 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 để chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương, UBND TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ về tổ chức thi hành Luật Thủ đô; đồng thời, ban hành Quyết định số 717/QĐ-TTg ngày 27/7/2024 về Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó đã xác định danh mục và phân công nhiệm vụ soạn thảo 6 nghị định của Chính phủ được giao quy định theo Luật Thủ đô.

Quang cảnh Hội nghị Đánh giá kết quả triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024 và triển khai tuyên truyền, tập huấn Luật và các văn bản thi hành Luật Thủ đô trong năm 2025 do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 17/12/2024 - Ảnh: Hồng Thái

Quang cảnh Hội nghị Đánh giá kết quả triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024 và triển khai tuyên truyền, tập huấn Luật và các văn bản thi hành Luật Thủ đô trong năm 2025 do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 17/12/2024 - Ảnh: Hồng Thái

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, để tổ chức thi hành Luật Thủ đô trên địa bàn thành phố, UBND TP đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô và các kế hoạch rà soát, soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Thủ đô. Ban hành Danh mục và phân công nhiệm vụ soạn thảo các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Cùng với đó, UBND TP đã thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc triển khai thi hành Luật Thủ đô. Tổ công tác do Chủ tịch UBND TP làm Tổ trưởng để tập trung chỉ đạo thống nhất những nhiệm vụ cụ thể về tổ chức thi hành Luật Thủ đô.

Phía HĐND TP cũng đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-HĐND ngày 11/9/2024 của HĐND TP về triển khai thi hành Luật Thủ đô, trong đó xác định những nhiệm vụ về xây dựng Nghị quyết thuộc thẩm quyền của HĐND TP trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Ban Cán sự Đảng UBND TP đã trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 6/12/2024 về triển khai thi hành Luật Thủ đô để chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp thành phố đến cơ sở.

Ban hành nhiều nội dung đưa Luật vào cuộc sống

Căn cứ các văn bản chỉ đạo, kế hoạch công tác đã đề ra, năm 2024 Tổ công tác Luật Thủ đô đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ban, ngành liên quan để rà soát xác định nhiệm vụ, chỉ đạo và cho ý kiến về nội dung, quy trình xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của thành phố; chỉ đạo các sở, ngành thành phố khẩn trương, tập trung vào việc xây dựng văn bản để kịp thời trình các kỳ họp của HĐND TP theo kế hoạch.

Kỳ họp chuyên đề (Kỳ họp thứ 19) của HĐND TP Hà Nội đã thông qua nhiều nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024

Kỳ họp chuyên đề (Kỳ họp thứ 19) của HĐND TP Hà Nội đã thông qua nhiều nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024

Đồng thời, TP Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương được giao nhiệm vụ xây dựng các nghị định của Chính phủ để quy định chi tiết những nội dung được giao trong Luật Thủ đô. Phối hợp xây dựng các nghị định về việc thực hiện liên kết giáo dục giữa cơ sở giáo dục công lập của thành phố và cơ sở giáo dục nước ngoài; Quy định về thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ (khoản 4, điều 23); Quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm (khoản 2, điều 19); Dừng việc xây dựng 2 Nghị định quy định chi tiết điều 39 (về PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao) và điều 40 (về Hợp đồng BT), để thực hiện theo quy định chung của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sau khi được sửa đổi, bổ sung.

UBND TP đã trình HĐND TP ban hành Nghị quyết số 22/2024/NQ-HĐND quy định về một số nội dung chi, mức chi xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô để bảo đảm về nguồn lực cho các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng văn bản.

Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ 19, 20, HĐND TP đã thông qua 17 nghị quyết, trong đó có 1 nghị quyết (quy chế làm việc của HĐND TP) theo Kế hoạch số 11/KH-HĐND; 16 nghị quyết thuộc Kế hoạch số 11/KH- UBND và Quyết định số 4582/QĐ-UBND (có 5 nghị quyết đã đưa vào chương trình kỳ họp nhưng lùi thời hạn thông qua). UBND TP đã ban hành 2/6 quyết định.

Ngoài ra, HĐND TP đã thông qua 1/4 văn bản cá biệt theo kế hoạch, đó là Nghị quyết ban hành danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán thành phố Hà Nội và dịch vụ cấp cứu ngoại viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra các kỳ họp của Quốc hội, UBND TP đã chỉ đạo việc rà soát, góp ý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu để góp ý, đề xuất áp dụng pháp luật trong trường hợp các Luật trình Quốc hội có quy định khác với Luật Thủ đô.

Quan tâm đến các quy định liên quan trực tiếp

Bên cạnh những kết quả đạt được trong triển khai thi hành Luật Thủ đô thời gian qua, việc xây dựng văn bản của thành phố để triển khai thi hành Luật Thủ đô gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Luật Thủ đô năm 2024 quy định phương thức phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), cho phép Hà Nội huy động nguồn lực từ đất để phát triển đường sắt đô thị - Ảnh minh họa: Phạm Công

Luật Thủ đô năm 2024 quy định phương thức phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), cho phép Hà Nội huy động nguồn lực từ đất để phát triển đường sắt đô thị - Ảnh minh họa: Phạm Công

Nguyên nhân do sau khi Luật Thủ đô được ban hành, nhiều văn bản luật khác trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung đã nghiên cứu, kế thừa và phát triển thành quy định thuận lợi, mạnh mẽ hơn so với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề. Điều này dẫn đến nhiều quy định trước đây là đặc thù theo Luật Thủ đô nhưng nay đã trở thành cơ chế chung của cả nước và thuận lợi hơn (ví dụ như Luật Đầu tư công, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Nghị quyết số 193/2025/QH15...), từ đó dẫn đến việc lựa chọn, áp dụng pháp luật, ảnh hưởng đến việc xây dựng các văn bản của thành phố.

Đồng thời, với tinh thần cải cách, hoàn thiện thể chế mạnh mẽ trong thời gian tới, nhiều luật sẽ tiếp tục được sửa đổi, thay thế toàn diện sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến Luật Thủ đô và việc xây dựng văn bản để thi hành Luật.

Việc sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị của TP thời gian qua và việc chuẩn bị thực hiện sắp xếp, thay đổi mô hình tổ chức chính quyền 2 cấp trong thời gian tới có tác động mạnh mẽ, làm thay đổi về cơ chế phân quyền, phân cấp giữa các cấp chính quyền cũng đang ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến nội dung, tiến độ xây dựng các văn bản.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, Luật Thủ đô quy định một số cơ chế mới, khó, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô (như cải tạo, chỉnh trang đô thị; phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD; không gian ngầm; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển văn hóa,...) cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện để bảo đảm việc xây dựng văn bản có chất lượng, hiệu quả, khả thi, do đó cũng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng văn bản.

Từ thực trạng này, UBND TP đề nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội TP trong quá trình tham gia ý kiến đối với các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội trong thời gian tới, quan tâm đến các quy định liên quan trực tiếp, cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Để tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024, đưa Luật đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả của các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo động lực cho thành phố phát triển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, năm 2025, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai việc xây dựng các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô theo danh mục đã được xác định tại các kế hoạch của thành phố (gồm 78 văn bản quy phạm pháp luật và 17 văn bản cá biệt thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND TP) UBND TP đã thống nhất với Thường trực HĐND TP và Ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 7/2/2025 để chỉ đạo triển khai thực hiện.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-huy-hieu-qua-cac-co-che-chinh-sach-dac-thu-cua-luat-thu-do-2024-tao-dong-luc-cho-phat-trien.692415.html