Phát huy hiệu quả chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân
Sáng 21/3, tại TP.Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành khu vực phía Nam năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo hội nghị.
Tại hội nghị, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã phát biểu tham luận về kết quả nổi bật và kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện công tác Hội đồng nhân dân trong năm 2021 và đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong năm 2022.
Các đại biểu cho biết, bên cạnh những thành tích đã đạt được, hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân có nơi còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu và sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân địa phương. Hiệu quả của công tác giám sát còn nhiều hạn chế; hoạt động giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít; hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân có nơi còn hình thức, chưa giải quyết được vấn đề bất cập.
Bà HUỲNH THỊ HẰNG - Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước: “Để đánh giá đúng trách nhiệm của cơ quan chịu giám sát trong thực hiện giám sát, cần tổ chức tái giám sát. Việc tái giám sát cần được thực hiên như các hoạt động giám sát thông thường khác. Trong đó, xác định rõ những nguyên nhân của hạn chế thiếu sót, chỉ ra cơ quan chịu trách nhiệm của những thiếu sót cũng như chỉ ra những biện pháp khắc phục thì đòi hỏi cơ quan giám sát phải theo dõi, đôn đốc cơ quan chịu trách nhiệm giám sát.”
Bà HOÀNG THỊ BÍCH HẰNG - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai: “Đề nghị Bộ Nội vụ và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho thành viên Ban Pháp chế của địa phương, nhất là phương pháp tiếp cận thông tin. Cách đặt câu hỏi, cách trình bày rõ quan điểm nếu cơ quan chịu sự giám sát chưa chịu báo cáo đúng hoặc báo cáo chưa đủ.”
Xác định đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động là nhiệm vụ quan trọng nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tập trung tổ chức các kỳ họp; ban hành Nghị quyết; đẩy mạnh hoạt động tiếp xúc cử tri và tăng cường nhiều hoạt động, chương trình giám sát theo hướng ngày càng dân chủ, hiệu quả, thiết thực. Mối quan hệ phối hợp công tác giữa Thường trực Hội đồng nhân dân với lãnh đạo Đoàn ĐBQH, UBND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các sở ngành các tỉnh, thành phố tiếp tục được duy trì.
Ông NGUYỄN VĂN ĐƯỢC - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An: “Long An cũng có đề xuất kiến nghị giải pháp là tiếp xúc cử tri qua mạng. Qua mạng thì sẽ những cử tri có trí tuệ hoặc là lực lượng lao động ở địa bàn xa có điều kiện tham dự trực tiếp. Kiến nghị Quốc hội có nghiên cứu cơ chế, chính sách, phần mềm,vv… để chúng ta có hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp với công cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.”
Bên cạnh đó, một số đại biểu kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân; hướng dẫn hoặc quy định cụ thể hơn các hình thức xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân chậm, không thực hiện đầy đủ các kiến nghị, kết luận sau giám sát, chất vấn của Hội đồng nhân dân các cấp./.
Thực hiện : Quang Duy Tăng Sắc