Phát huy hiệu quả dân biết, dân làm, dân thụ hưởng

Người dân thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An nêu ý kiến tại một hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh. Ảnh: THÚY HẰNG

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo khoa học thực trạng và một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của MTTQ trong thực hiện phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả phương châm trên sao cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đang đặt ra.

Tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền làm chủ

Bàn về khái niệm dân thụ hưởng, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng đây là một yếu tố mới trong tổng thể các phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Việc bổ sung yếu tố này nhằm tạo thành một phương châm hành động đầy đủ, toàn diện hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh của Nhân dân trong điều kiện mới.

Với tư cách là một liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, MTTQ là người đại diện bảo vệ quyền được thụ hưởng một cách chính đáng và hợp pháp của Nhân dân bằng việc tham gia có trách nhiệm với Đảng và Nhà nước xây dựng chính sách pháp luật, thể chế hóa đúng đắn và kịp thời quyền thụ hưởng của Nhân dân bằng chức năng cơ bản là phản biện xã hội. “Giải pháp là cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả giám sát xã hội của MTTQ các cấp, kịp thời kiến nghị với Đảng và các cơ quan nhà nước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức và thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến quyền thụ hưởng hợp pháp chính đáng của Nhân dân”, ông Đường đề xuất.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho biết, để thực hiện phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, MTTQ các cấp cần tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cùng với đó, ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp triển khai những việc cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình theo những nội dung đã nêu trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Các tham luận tại hội thảo cũng đã làm rõ vai trò nòng cốt của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong phát huy thực hiện phương châm Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhấn mạnh tới những giải pháp nhằm phát huy vai trò của MTTQ thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đề nghị: MTTQ các cấp cần phát huy vai trò giám sát của Nhân dân; trách nhiệm trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát; nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước đang diễn ra ở cộng đồng dân cư; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động người dân, đảm bảo phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở cộng đồng…

Động lực khơi dậy sức mạnh trong dân

Trao đổi về nội dung mà hội thảo đặt ra, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho hay: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực nhân dân trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Những năm qua, phương châm này luôn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm, duy trì tổ chức thực hiện. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và người dân về dân chủ và thực hiện quyền dân chủ trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; ngăn chặn và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các biểu hiện quan liêu, sách nhiễu gây phiền hà đến người dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức kiểm tra kết quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội năm 2023 ở 9 huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở nhiệm vụ trọng tâm, MTTQ các cấp đã cụ thể hóa và vận dụng các hình thức để tổ chức giám sát, phản biện xã hội mang lại hiệu quả tích cực.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả phương châm Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận của Đảng, công tác dân vận chính quyền; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân. Kịp thời cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn địa phương, đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

Ủy ban MTTQ các cấp cần đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, hướng mạnh về cơ sở; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo các quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn,

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/306987/phat-huy-hieu-qua-dan-biet-dan-lam-dan-thu-huong.html