Phát huy hiệu quả từ các mô hình nông nghiệp chuyên canh
Việc phát triển các mô hình chuyên canh không chỉ mang lại hiệu quả về năng suất, giá trị kinh tế mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hướng đến sản xuất theo hướng bền vững.
Ở thời điểm này, Hà Nội đã và đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, quản lý nhật ký đất nông nghiệp, thực hiện các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng mã vùng trồng trọt, chăn nuôi…
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đưa ra nhiều giải pháp trong tổ chức sản xuất, kỹ thuật canh tác, lựa chọn các giống lúa mới có năng suất, chất lượng tốt nhằm giúp đỡ nông dân thu về lợi nhuận kinh tế cao.
Theo Quyết định 4537/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành danh mục định hướng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn Thành phố, Hà Nội định hướng 9 vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung.
Một là, vùng sản xuất lúa chất lượng cao chuyên canh tập trung gồm 15 vùng với diện tích quy hoạch là 53.360 ha; vùng sản xuất rau chuyên canh tập trung gồm 18 vùng với diện tích quy hoạch là 7.291 ha.
Hai là, vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao chuyên canh tập trung gồm 19 vùng với diện tích 13.417 ha; vùng sản xuất hoa - cây cảnh chuyên canh tập trung gồm 17 vùng với diện tích 3.074 ha; vùng sản xuất chè chất lượng cao chuyên canh tập trung gồm 6 vùng với diện tích 1.738 ha.
Ba là, vùng nuôi trồng thủy sản gồm 15 vùng với diện tích 12.302 ha; vùng trồng cây dược liệu gồm 10 vùng với diện tích 1.120 ha; vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trâu bò gồm 5 vùng với diện tích 934 ha; khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư là 128 khu ở 14 vùng với diện tích 3.955 ha.
Theo đó, các địa phương phê duyệt chi tiết các khu, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch và hoạt động khuyến khích phát triển các vùng, khu sản xuất tập trung chuyên canh đúng định hướng, hiệu quả.
Đối với các vùng, khu chuyên canh tại vùng bãi sông, cần phải bảo đảm quy định của pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai; chủ động rà soát, phối hợp với các đơn vị được giao nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để cập nhật, bổ sung kịp thời, bảo đảm sự phát triển hiệu quả của các vùng, khu sản xuất chuyên canh tập trung.
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nông nghiệp Hà Nội không chỉ tập trung sản xuất hàng hóa có lợi thế để xuất khẩu hay cung cấp cho thị trường trong nước, mà quan trọng là cần cung cấp thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp các sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho Thành phố và cả nước.
“Do đó, nền nông nghiệp Thủ đô cần phát triển theo hướng mới, đẩy mạnh nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ven đô, kết hợp chặt chẽ với du lịch, hình thành nền nông nghiệp đa giá trị, kết hợp với cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại đất đai cho phát triển nông nghiệp.”, GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông tin, hiện nay hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm của Hà Nội đang quản lý 3.229 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm, thủy sản. Trong đó, đã cấp 11.713 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.
Có thể thấy, nền nông nghiệp Thủ đô cần tập trung chuyển từ đầu tư dàn trải sang đầu tư vào những ngành có thế mạnh, tăng đầu tư cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, ưu tiên nguồn vốn cho các chương trình, dự án về chọn, tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh…
Song song với đó, cần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ hình thành mới các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp và tổ chức lại các hợp tác xã nông nghiệp hiện có phù hợp với Luật Hợp tác xã sửa đổi.
Ngoài ra, cần bảo tồn và phát huy các loại công nghệ thủ công truyền thống, tạo điểm nhấn cho du lịch canh nông, ưu tiên cho công nghệ cao, công nghệ sạch ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất.