Phát huy hiệu quả ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030' (viết tắt là Đề án 06). Trên cơ sở đó, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập Tổ công tác triển khai Đề án 06 và ban hành 8 quyết định, 13 kế hoạch và 38 công văn triển khai, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện theo lộ trình.
Mục tiêu tổng quát của Đề án 06 là ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Tỉnh Sóc Trăng có 105 nhiệm vụ được giao, qua 2 năm thực hiện đã hoàn thành 72 nhiệm vụ, đang thực hiện 23 nhiệm vụ, chưa hoàn thành 9 nhiệm vụ; 1 nhiệm vụ tạm dừng. Đồng thời, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành 37 mô hình điểm với 5 nhóm tiện ích.
Hướng tới tiện ích phục vụ nhân dân, UBND tỉnh ban hành quy trình liên thông điện tử đối với nhóm thủ tục hành chính gồm: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp thực hiện tạo tài khoản người dùng trên Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử cho người có thẩm quyền ký giấy tờ hộ tịch, đóng dấu ban hành giấy tờ hộ tịch cho 109/109 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã cấp 306 tài khoản trên Hệ thống thông tin và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp cho lãnh đạo và văn thư cấp xã để thực hiện việc cấp bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử.
Đại tá Trần Văn Hòa - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh cho biết, nổi bật trong thực hiện là tỉnh đã phát huy hiệu quả việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân (CCCD), định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể như, đối với lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội, tỉnh hiện có 1.120.172/1.161.069 người có thẻ BHYT được đồng bộ, xác thực dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sử dụng CCCD thay thế BHYT để đi khám, chữa bệnh (đạt 96,5%). Bên cạnh sử dụng CCCD, người dân có thể sử dụng ứng dụng VNeID và VssID thay thế thẻ BHYT. Cơ quan chức năng còn nâng cấp phần mềm quản lý khám, chữa bệnh để chuyển dữ liệu tự động qua tích hợp hàm API gửi dữ liệu khám sức khỏe lên cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT. Hay trong lĩnh vực thuế, cũng thực hiện sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng Etax mobile để sử dụng các dịch vụ về thuế điện tử. Tính đến ngày 30/11/2023, đã có 1.113 người nộp thuế sử dụng ứng dụng Etax mobile, với tổng số thuế nộp thành công qua ngân hàng là 3.018 triệu đồng.
Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh đánh giá, thông qua việc kết nối, chia sẻ, tích hợp các loại giấy tờ, người dân hưởng nhiều tiện lợi, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội (100% công dân được cấp mã số định danh cá nhân; 1.345.997 công dân được cấp CCCD; có 680.440 tài khoản định danh điện tử được cấp, kích hoạt). Hiện nay, có 36 dịch vụ công mà người dân có thể tự thực hiện trực tuyến, không cần đến cơ quan chức năng, giảm chi phí đi lại; phát huy thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trên lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính...
Đề án 06 có ý nghĩa quan trọng nên trong thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động mạnh mẽ, nhất là phải có trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện để hướng tới phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội.