Phát huy hơn nữa vai trò của Bộ đội Hóa học trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự

Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, chiều 9-11, thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự (PTDS), các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ tán thành cao với sự cần thiết xây dựng và ban hành luật.

Đó cũng là tạo thế chủ động chiến lược, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Trước đó, ngày 26-10, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật PTDS. Những năm qua, Binh chủng Hóa học đã chủ động thực hiện tốt các nội dung của công tác PTDS.

Luật Quốc phòng Việt Nam xác định: “PTDS là một bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân”.

Nhiệm vụ PTDS bao gồm nhiều nội dung, trong đó chuẩn bị và ứng phó với nguy cơ thảm họa chiến tranh là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả các thảm họa do sự cố, thiên tai là nhiệm vụ cấp bách. Tăng cường, củng cố năng lực PTDS là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của các cấp, các ngành, của hệ thống chính trị; kết hợp PTDS với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác PTDS, triển khai thực hiện Nghị định số 117/2008/NĐ-CP của Chính phủ về PTDS, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, Binh chủng Hóa học đã quán triệt, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội về PTDS và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; ứng phó nguy cơ, sự cố hóa chất độc, sinh học, bức xạ và hạt nhân (CBRN); phòng, chống dịch bệnh. Binh chủng luôn chủ động tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các giải pháp tăng cường tiềm lực phòng, chống vũ khí hủy diệt hàng loạt trong chiến lược phòng thủ quốc gia; các chủ trương, giải pháp chuẩn bị, ngăn ngừa, đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, không để bị động, bất ngờ cả trong thời bình và thời chiến. Từng bước chấn chỉnh tổ chức, biên chế lực lượng hóa học trực thuộc và toàn quân theo hướng tinh, gọn, mạnh, tính cơ động cao, phù hợp với sự phát triển của tình hình, nhiệm vụ. Thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập PTDS ứng phó sự cố môi trường do hóa chất độc hại, phóng xạ, tác nhân sinh học, nâng cao khả năng ứng phó trong mọi tình huống.

 Lực lượng của Binh chủng Hóa học tiêu tẩy, xử lý ô nhiễm môi trường do cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) tháng 9-2019. Ảnh: MINH HƯNG

Lực lượng của Binh chủng Hóa học tiêu tẩy, xử lý ô nhiễm môi trường do cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) tháng 9-2019. Ảnh: MINH HƯNG

Khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; ứng phó sự cố CBRN là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong PTDS của Binh chủng. Binh chủng đã triển khai thực hiện nhiều dự án, nhiệm vụ điều tra, thu gom, xử lý chất độc hóa học tồn lưu, góp phần ngăn chặn và giảm thiểu sự tàn phá của chất độc đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người, như: Điều tra, xác định các điểm ô nhiễm chất độc CS trên địa bàn 293 quận, huyện, thị xã của 34 tỉnh, thành phố; thu gom, xử lý triệt để hơn 460 tấn chất độc CS, hàng trăm tấn vũ khí, phương tiện chứa chất độc CS; làm sạch 1.375m3 đất nhiễm. Điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm chất độc da cam/dioxin tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát, Nha Trang, Tuy Hòa, Phan Rang. Xử lý đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại các sân bay Biên Hòa, Phù Cát, Đà Nẵng, A So.

Binh chủng đã tham mưu, xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường trong Quân đội. Trực tiếp xử lý nhiều sự cố hóa chất độc, phóng xạ, bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường an ninh, an toàn. Điển hình như: Xử lý sự cố ô nhiễm môi trường do chôn lấp lợn bị dịch tai xanh ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định (2008); sự cố nổ hóa chất tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng (2010); xử lý môi trường sau vụ nổ tại Nhà máy Z121 (2013); sự cố cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội-2019); phân tích mẫu nước trong sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung (2016), tổ chức "Diễn tập PTDS ứng phó sự cố môi trường quy mô liên tỉnh"...

Bên cạnh đó, Binh chủng còn nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng; công nghệ xử lý nước bị ô nhiễm thành nước sinh hoạt phục vụ cho nhân dân vùng lũ hoặc khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Tổ chức quan trắc, cảnh báo môi trường hóa chất độc, phóng xạ tại các địa bàn chiến lược quan trọng, các cơ sở công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, biển, đảo. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, Binh chủng đã chủ động tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, phòng ngừa việc lợi dụng tác nhân sinh học nCoV để phát tán và kịp thời có các giải pháp để ứng phó, xử lý. Những kết quả trên khẳng định vai trò, vị thế, năng lực, trình độ của Quân đội nói chung, Bộ đội Hóa học nói riêng trong công tác PTDS quốc gia.

Dù vậy, trước những diễn biến khó lường của tình hình thế giới với tình trạng gia tăng nghiên cứu, phát triển vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân; dịch bệnh mới xuất hiện rất phức tạp, lây lan nhanh; sự cố môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; vấn đề an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh môi trường... đều là những thách thức lớn trong công tác PTDS của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, vừa cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài, Binh chủng đang tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Quân đội về PTDS. Trọng tâm là Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 2-1-2019 của Chính phủ về PTDS; Kế hoạch PTDS quốc gia giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 2-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 4163/QĐ-BQP ngày 23-9-2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành Chương trình hành động phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2019-2025...

Binh chủng thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có kế hoạch đối phó một cách toàn diện, không để Tổ quốc bị bất ngờ. Trong đó, chủ động nghiên cứu, dự báo về phương thức tác chiến trong chiến tranh tương lai; dự báo về âm mưu, thủ đoạn, quy mô sử dụng vũ khí hủy diệt lớn nếu chiến tranh xảy ra. Trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất các giải pháp phòng, chống; cũng như thực thi các công ước, điều ước quốc tế về kiểm soát và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đồng thời rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, vừa bảo đảm với lợi ích quốc gia, vừa phù hợp luật pháp quốc tế.

Việc tổ chức lực lượng hóa học trong PTDS thời bình phải quán triệt chủ trương chấn chỉnh tổ chức biên chế Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, sức cơ động. Xây dựng thế trận PTDS phải toàn diện, vững chắc, ưu tiên cho các hướng, vùng trọng điểm; coi trọng xây dựng các công trình có tính lưỡng dụng cao. Cùng với đó, Binh chủng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao khả năng PTDS, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, lựa chọn công nghệ xử lý chất độc hóa học chứa dioxin nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh.

Thiếu tướng HÀ VĂN CỬ, Tư lệnh Binh chủng Hóa học

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/phat-huy-hon-nua-vai-tro-cua-bo-doi-hoa-hoc-trong-thuc-hien-nhiem-vu-phong-thu-dan-su-710803