Phát huy lợi thế của công nghiệp văn hóa phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được kỳ vọng mang lại giá trị kinh tế to lớn. Tuy nhiên, nếu chỉ theo đuổi mục tiêu kinh tế sẽ khoét sâu mâu thuẫn với chiến lược xây dựng nền văn hóa dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Công nghiệp văn hóa là một ngành công nghiệp sử dụng vốn văn hóa, tài năng sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại để có thể sản sinh ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đem lại nhiều lợi ích. Ảnh: toquoc.vn

Công nghiệp văn hóa là một ngành công nghiệp sử dụng vốn văn hóa, tài năng sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại để có thể sản sinh ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đem lại nhiều lợi ích. Ảnh: toquoc.vn

Bài viết bàn về vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa phải liên kết hài hòa với xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Từ đó đề xuất một số giải pháp, kiến nghị cho vấn đề chưa từng được đặt ra: Phát huy thế mạnh của công nghiệp văn hóa nhằm phục vụ đắc lực công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

"Lành mạnh" là từ khóa mà các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhắc đến nhiều lần khi chỉ đạo định hướng phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam. Thời gian qua, không ít sản phẩm công nghiệp văn hóa vì lợi ích kinh tế mà bất chấp tất cả, tạo nên những tác phẩm tầm thường về nội dung, kệch cỡm về hình thức, phản nhân văn và văn hóa, thậm chí là xấu độc, gây ra không ít hệ lụy tiêu cực đến đời sống tinh thần của nhân dân. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải có sự lãnh đạo, quản lý, kiến tạo các ngành công nghiệp văn hóa sát sao để phát triển mà không chệch hướng; đồng thời, tận dụng thế mạnh của lĩnh vực này để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Mâu thuẫn và hóa giải

Bản chất công nghiệp văn hóa là một ngành công nghiệp sử dụng vốn văn hóa, tài năng sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại để có thể sản sinh ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đem lại nhiều lợi ích. Đã là sản xuất công nghiệp nghĩa là sản xuất hàng loạt dựa theo quy trình chặt chẽ tạo ra số lượng sản phẩm lớn có giá trị gia tăng kinh tế cao, phục vụ một lượng lớn khách hàng. Sản phẩm công nghiệp văn hóa ra đời đều đặt lợi ích kinh tế lên trên hết và trước hết như bao ngành công nghiệp khác.

Nhà triết học Đức Theodor W. Adorno (1903- 1969) - người đầu tiên sử dụng thuật ngữ "công nghiệp văn hóa" vào năm 1944, đã cảnh báo về mặt trái nếu chạy theo lợi ích thuần túy. Ông cho rằng, công nghiệp văn hóa là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, các tác phẩm văn hóa bác học sẽ bị biến thành văn hóa đại chúng; qua đó rất dễ thủ tiêu sức sáng tạo con người, chỉ còn lại là sự rập khuôn, đáp ứng thị hiếu giải trí tầm thường. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: Khi lợi nhuận là tất cả thì những tác động của sản phẩm công nghiệp văn hóa đến chuẩn mực đạo đức và giá trị văn hóa có thể gây ra nhiều hệ lụy. Như vậy, có thể nhìn thấy mâu thuẫn tự nhiên giữa mục tiêu tối thượng của công nghiệp văn hóa là lợi ích kinh tế với giá trị văn hóa, tầm ảnh hưởng của ngành kinh tế dịch vụ này đối với vấn đề xây dựng đời sống tinh thần con người.

Ý thức được mặt trái của công nghiệp văn hóa, các quốc gia phát triển đã sớm có những điều chỉnh bằng công cụ luật pháp, chẳng hạn như phân loại độ tuổi xem phim, không để trẻ em tiếp cận những bộ phim không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Bản thân những người sáng tạo, nhà sản xuất công nghiệp văn hóa cũng rất sợ bị cộng đồng tẩy chay, gây thiệt hại doanh thu nên họ luôn cân nhắc nội dung và hình thức của sản phẩm liệu có vi phạm pháp lý và đạo lý hay không? Do vừa phải luôn hấp dẫn, thu hút công chúng, lại vừa phải tránh không bị "thổi còi", tự thân các sản phẩm công nghiệp văn hóa phải biến đổi theo chiều hướng tiến bộ, không chỉ có hàm lượng sáng tạo cao mà còn tạo ra ý nghĩa, hình tượng, phương thức biểu đạt mới, dẫn dắt xu thế phát triển của văn hóa. Hơn thế, nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa đã góp phần đắc lực tuyên truyền, cổ động nâng cao tình cảm, niềm tin yêu đối với đất nước, dân tộc, giáo dục đạo đức, kích thích năng lực sáng tạo của cộng đồng. Công nghiệp văn hóa ngày nay còn kiến tạo "sức mạnh mềm" quốc gia, điển hình nhất là "làn sóng Hàn Quốc" (Hallyu - Hàn lưu).

Các quốc gia trên thế giới đều xác định công nghiệp văn hóa là lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh đòi hỏi phát triển bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, vai trò của công nghiệp văn hóa càng trở nên nổi bật bởi có đóng góp cao vào GDP, tạo ra số lượng việc làm lớn và ổn định, thực sự là "bệ đỡ" vượt qua khủng hoảng chính trị, năng lượng, dịch bệnh... Số liệu được công bố trong nhiều năm gần đây cho thấy: Các quốc gia có nền văn hóa ảnh hưởng nhất toàn cầu đều là những quốc gia phát triển, đều có nền công nghiệp văn hóa đóng góp ít nhất 5% GDP và mang đến hàng triệu việc làm. Như vậy, có thể xác định, công nghiệp văn hóa có vị trí rất quan trọng, là yếu tố hữu hình để nhận diện văn hóa của một quốc gia phát triển.

Nắm bắt được xu thế chung của thế giới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", đã xác định "phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa" là một trong sáu nhiệm vụ cần thực hiện. Cụ thể hóa chủ trương chiến lược của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016, phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định các ngành cụ thể gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

Nhờ chính sách đó, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có tốc độ phát triển ấn tượng, thể hiện qua con số đóng góp 3,61% GDP vào năm 2018, hoàn thành sớm mục tiêu 3% vào năm 2020 mà Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đề ra. Điều quan trọng hơn, các ngành công nghiệp sẽ góp phần kiến tạo diện mạo văn hóa Việt Nam tương lai. Đó là một nền văn hóa do Đảng lãnh đạo, có khả năng tự chủ, đủ sức đề kháng trước những "làn sóng" ngoại lai, lan tỏa giá trị quốc gia - dân tộc vượt ra khỏi biên giới, có giá trị ngang hàng với các lĩnh vực khác trong lòng quốc gia phát triển có thu nhập cao.

Hiểm họa từ phát triển thiếu lành mạnh

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (năm 2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu "khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa" nhưng phải đảm bảo "xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh". Yếu tố "lành mạnh" được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại trong Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (năm 2023) với yêu cầu "các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Lành mạnh - Cạnh tranh - Bền vững".

Sở dĩ yếu tố "lành mạnh" được lãnh đạo Đảng, Nhà nước lưu tâm bởi thực tế một số sản phẩm công nghiệp văn hóa có biểu hiện phát triển lệch lạc đáng lo ngại. Đó là những sản phẩm tìm tòi thể nghiệm cực đoan, lai căng, đi vào "tăm tối", "hũ nút"; khai thác "phần tối", "góc khuất" con người không phù hợp tính nhân văn phổ quát, với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; cố tình vi phạm pháp lý và đạo lý để "nổi tiếng kiểu đốt đền", thu về nhiều lợi nhuận... Cá biệt một số sản phẩm công nghiệp văn hóa còn ẩn chứa quan điểm sai trái; hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng, "giải thiêng lịch sử"; bịa đặt, vu cáo các bậc tiền bối và lãnh đạo cách mạng; thổi phồng mặt trái của xã hội và khuyết điểm của Đảng, Nhà nước... Tất cả xuất phát từ lòng hám lợi danh, cực đoan, thiếu tỉnh táo suy xét, đề cao cái tôi sáng tạo của một bộ phận văn nghệ sĩ, nhà sản xuất sản phẩm công nghiệp văn hóa. Căn nguyên là họ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, bản lĩnh chính trị kém, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và không loại trừ một bộ phận đã thoái hóa, biến chất, bước chân vào hàng ngũ những kẻ phản động, lợi dụng văn hóa, văn nghệ chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Thật đáng lo ngại nếu sản phẩm công nghiệp văn hóa thiếu lành mạnh tràn ngập thị trường văn hóa. Nó sẽ "ru ngủ", "đầu độc" người dân, nhất là thanh niên, khiến một bộ phận người dân sa vào lối sống hưởng lạc, thiếu rèn luyện, lao động, xa rời lý tưởng chính trị - xã hội nhân văn, phai nhạt các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc… Nếu điều đó xảy ra, công nghiệp văn hóa sẽ tác động tiêu cực đến mục tiêu, đường lối của Đảng ta là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người.

Tuy các sản phẩm công nghiệp văn hóa thiếu lành mạnh chưa xuất hiện nhiều, nhưng vẫn có thể tạo ra hệ lụy tiêu cực khác. Đó là làm nảy sinh tâm lý không muốn nghiên cứu, ngại làm, sợ sai, sợ khuyết điểm của các cơ quan quản lý, tham mưu, tư vấn trong lĩnh vực văn hóa từ Trung ương đến địa phương. Khảo sát 123 cán bộ trong nhóm đối tượng này do Báo Quân đội nhân dân thực hiện năm 2023 cho thấy: 19% cán bộ chưa bao giờ tìm hiểu về công nghiệp văn hóa; 54,8% chỉ tìm hiểu khi có yêu cầu; 45,2% ít tham dự các hoạt động công nghiệp văn hóa; và chỉ có 21,7% cán bộ được giao nhiệm vụ tổng hợp hằng năm về công nghiệp văn hóa… Đây là một trong những lực cản khiến các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam chưa bứt phá, chuyên nghiệp để trở thành mũi nhọn của nền kinh tế. Thực sự đáng lo ngại khi cơ quan chức năng chưa quán triệt nghiêm túc, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng là khẩn trương phát triển công nghiệp văn hóa. Cơ quan chức năng đã chậm cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành luật, cơ chế, chính sách liên quan đến tự do sáng tạo bảo đảm sự minh bạch. Trong vấn đề quản lý các ngành công nghiệp văn hóa, hiện đang thiếu cơ chế, tổ chức điều phối tập trung mà phân tán ra nhiều bộ, ngành quản lý; thiếu cơ chế lãnh đạo, quản lý khoa học để bảo đảm được định hướng chính trị; chưa khắc phục những hiện tượng mất dân chủ đối với các hoạt động công nghiệp văn hóa.

Việc cấp thiết, cần phải làm ngay là xử lý mâu thuẫn, để công nghiệp văn hóa ở Việt Nam phát triển đúng hướng, lành mạnh, góp phần tích cực vào công cuộc chấn hưng nền văn hóa nước nhà và thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Lấy cái đẹp dẹp cái xấu

Trên thực tế, nếu đối tượng phản động lợi dụng sản phẩm công nghiệp văn hóa để chống phá, chúng ta có thể nhận diện và sẽ đấu tranh không khoan nhượng. Tuy nhiên nếu là một số văn nghệ sĩ hám lợi danh, cực đoan trong sáng tạo thì lại cần cách thức xử lý khôn khéo, hợp tình, hợp lý. Quan trọng nhất là không vội vàng quy chụp mà phải tìm hiểu trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, xác minh, làm rõ đâu là hiện tượng, đâu là bản chất. Cốt yếu là không để những người không phải là phản động trở nên bất mãn, đứng sang hàng ngũ đối lập; không để các thế lực thù địch có cớ rêu rao chúng ta hạn chế tự do sáng tạo.

Muốn như vậy, chúng ta cần quản lý công nghiệp văn hóa thông qua luật định, càng cụ thể, rõ ràng, minh bạch càng tốt; tạo điều kiện cho công dân được phép làm những điều pháp luật không cấm, còn cơ quan Nhà nước chỉ làm những điều luật pháp cho phép. Việc quản lý nhờ có luật sẽ rõ ràng, nhất quán, tránh gây khó cho những người sáng tạo trong việc biểu đạt. Người sáng tạo sẽ biết đâu là "vùng cấm" không nên bước vào hay cố tình "đi dây", tránh làm ảnh hưởng quyền lợi cộng đồng, không xâm phạm lợi ích của người khác. Sự nghiêm minh gắn với chế tài xử lý đủ sức răn đe của luật pháp sẽ tạo điều kiện tối đa cho mọi sáng tạo, mọi tiềm năng tài năng của con người được thể hiện trong khuôn khổ lành mạnh.

Công nghiệp văn hóa rất cần thể chế, chính sách kiến tạo để phát triển. Một loạt vấn đề như: Ưu đãi về thuế, phí, tài trợ và lập quỹ hỗ trợ, đào tạo nhân lực chất lượng, quy định hợp tác công - tư… cần được khẩn trương nghiên cứu, ban hành và thực hiện. Chỉ khi đó công nghiệp văn hóa mới đủ động lực phát triển, đáp ứng được nhu cầu trong nước, có sức ảnh hưởng ra khu vực, xuất khẩu sản phẩm hòa vào thị trường văn hóa toàn cầu. Đây cũng là lúc chúng ta có thể phát huy thế mạnh của công nghiệp văn hóa trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thực chất bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ niềm tin của nhân dân vào Đảng; bảo vệ đường lối đổi mới; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; khẳng định thành quả cách mạng… Trong các ngành công nghiệp văn hóa có một số lĩnh vực tiềm năng mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: Điện ảnh; xuất bản; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh. Đây là những sản phẩm thiết yếu và cơ bản được công chúng trong và ngoài nước yêu thích, có độ "phủ sóng" cao, sức lan tỏa rộng khắp. Nội dung sản phẩm rất phong phú, liên quan mật thiết đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp các lãnh tụ của Đảng; những tấm gương vì dân, vì nước của cán bộ, đảng viên; các câu chuyện về thành tựu đổi mới, đời sống nhân dân đi lên dưới sự lãnh đạo của Đảng; công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng…

Nhìn thẳng vào sự thật, việc đầu tư lâu nay cho các sản phẩm văn hóa để phục vụ nhiệm vụ chính trị, trong đó có bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chưa thực sự hiệu quả. Vì các sản phẩm này tuyên truyền, cổ động một chiều, thường là khô cứng, áp đặt. Các sản phẩm này chỉ phù hợp với đối tượng đảng viên, quần chúng trong cơ quan công quyền, hệ thống chính trị; trong khi đông đảo công chúng lại thường chỉ quan tâm đến sản phẩm hấp dẫn về nội dung và hình thức thể hiện.

Muốn thay đổi nhận thức con người trước hết phải chinh phục được trái tim của họ. Tính nghệ thuật trong các sản phẩm văn hóa là điều cần chú ý nâng cao. Lấy ví dụ, điện ảnh Mỹ thường xuyên tập trung làm phim về thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) là bởi lẽ Chính phủ và quân đội Mỹ khi đó thuộc về bên chính nghĩa chống lại "trục phát xít". Hollywood đã dựng lên hình tượng lính Mỹ anh hùng, dũng cảm hy sinh để cứu đồng đội, dân thường trong chiến đấu nhưng cũng không kém phần lãng mạn, chung thủy trong tình yêu. Doanh thu của các bộ phim đều thuộc hàng "bom tấn", lại được đánh giá cao về nghệ thuật. Điều quan trọng là họ tuyên truyền được tình yêu quê hương, đất nước cho người dân Mỹ; giới thiệu một cách "quyến rũ" các "giá trị Mỹ" cho công chúng trên thế giới. Nghệ thuật cao sâu ở đây chính là tuyên truyền mà như không tuyên truyền; thông điệp chính trị ẩn rất sâu trong các câu chuyện và hình tượng nghệ thuật. Với việc đã hoàn thiện quy trình, quy chuẩn về sản xuất, phân phối, quảng cáo chuyên nghiệp từ rất lâu nên các bộ phim lịch sử, chiến tranh của Mỹ ra đời đạt hiệu quả nhiều mặt, như "bắn một mũi tên trúng nhiều đích".

Kinh nghiệm của các cường quốc công nghiệp văn hóa cho thấy: Sản phẩm văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị, đề tài về Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, phục vụ cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không "khó, khô, khổ" như nhiều người lầm tưởng; hoàn toàn có thể đạt được giá trị nghệ thuật cao, sức phổ biến rộng, mang về doanh thu lớn. Thành công về thương mại, sức hút với công chúng của phim truyện "Đào, phở và piano", phim truyền hình "Cuộc chiến không giới tuyến", những ca khúc "Lá cờ", "Bay qua Biển Đông"… đã chứng minh cho luận điểm trên. Các sản phẩm văn hóa để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được thực hiện là do Nhà nước đặt hàng. "Liệu cơm gắp mắm" cũng sẽ có sản phẩm, nhưng không có kinh phí để quảng bá, tuyên truyền, thậm chí chưa có quy định cụ thể liên quan đến phát hành. Điều này khiến các sản phẩm văn hóa bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lâu nay không thể được gọi là sản phẩm công nghiệp văn hóa; còn chưa đạt hiệu quả chính trị, tác động xã hội như mong muốn.

Trước hết cần loại bỏ tư duy làm sản phẩm văn hóa bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chỉ phục vụ nội bộ, làm theo yêu cầu đặt hàng. Không nên chạy theo số lượng bằng cách phân bổ nguồn vốn dàn trải mà nên tập trung làm sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, thà ít mà tinh. Điều đó không có nghĩa là sử dụng kinh phí từ ngân sách để kinh doanh sản phẩm văn hóa, vì đầu tư nhiều mà không thu về thì rất khó giải trình với nhân dân. Và về bản chất, Đảng, Nhà nước cũng không có nhiệm vụ kinh doanh sản phẩm văn hóa. Như vậy, chỉ có con đường hợp tác công - tư. Nhà nước đóng vai trò định hướng, thẩm định nội dung tư tưởng, góp một phần kinh phí, đảm bảo các thủ tục theo đúng quy định; phần lớn kinh phí thực hiện và thực hiện như thế nào, phát hành ra sao để khối tư nhân "xử lý". Muốn như vậy, Nhà nước cần khuyến khích, động viên, có cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa, thu hút các đơn vị sáng tạo chuyên nghiệp vào cuộc. Khi đó, chúng ta mới hy vọng có những sản phẩm công nghiệp văn hóa đúng nghĩa để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiệu quả, có chiều sâu.

Các ngành công nghiệp văn hóa có triển vọng lớn, phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao là động lực mới cho sự phát triển văn hóa phù hợp với xu thế thời đại. Nhận thức chung về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa đã thống nhất, điều còn lại là khẩn trương phát triển, đặc biệt là nghiên cứu cách làm phù hợp, hiệu quả để công nghiệp văn hóa phục vụ đắc lực công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ ta một cách thông minh, tinh tế, sâu sắc, hiệu quả.

(Theo QĐND)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phat-huy-loi-the-cua-cong-nghiep-van-hoa-phuc-vu-cong-tac/d20240708095715182.htm