Phát huy mạnh mẽ liên kết '6 nhà' để cộng hưởng sức mạnh phát triển ngành công nghiệp sâm
Qua khảo sát tại vườn sâm Ngọc Linh tại Kon Tum, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa việc liên kết 6 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà băng, nhà phân phối) để cùng nhau cộng hưởng sức mạnh xây dựng, phát triển ngành công nghiệp sâm.
Cùng nhau cộng hưởng sức mạnh xây dựng, phát triển ngành công nghiệp sâm
Theo đó, trưa ngày 19/8, trong chương trình làm việc tại Kon Tum, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát tại vườn sâm Ngọc Linh, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, thăm một số hộ dân và doanh nghiệp liên kết trồng sâm, tặng 12.000 cây giống sâm Ngọc Linh cho các hộ nghèo.
Việt Nam có nguồn cây dược liệu tự nhiên đa dạng và phong phú, với khoảng 5 nghìn loài cây cho công dụng làm thuốc. Sâm Ngọc Linh (hay còn gọi là sâm Việt Nam) là loại dược liệu quý, có nhiều tác dụng như chống trầm cảm, bồi bổ sức khỏe, phục hồi sự suy giảm chức năng, kháng các độc tố…
Với tiềm năng và giá trị của sâm Ngọc Linh, để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam (chủ yếu là sâm Ngọc Linh) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, theo Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 6/6/2023.
Trong đó, Kon Tum và Quảng Nam được xác định là 2 tỉnh sản xuất sâm Ngọc Linh với quy mô hàng hóa và nằm trong vùng phát triển dược liệu tập trung quốc gia, với 10 loài dược liệu ưu tiên tập trung phát triển. Tỉnh Kon Tum đã phát triển được hơn 1,8 nghìn ha sâm Ngọc Linh, với mô hình đa dạng, điển hình nhất là liên kết với người dân, trong đó có bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Hoan nghênh các mô hình, kết quả đạt được trong sản xuất sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu, hoàn thiện các mô hình đã có để làm tốt hơn trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, phát huy mạnh mẽ hơn nữa việc liên kết 6 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà băng, nhà phân phối) để cùng nhau cộng hưởng sức mạnh xây dựng, phát triển ngành công nghiệp sâm.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu cấp tỉnh, huyện, xã cần tiếp tục coi trọng việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh; tiến hành rà soát, xây dựng và triển khai tốt công tác quy hoạch. Người dân liên kết, thành lập các hợp tác xã, tiến hành sản xuất lớn. Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ về vốn. Các doanh nghiệp đầu tư, lo vật tư đầu vào và đầu ra sản phẩm, tăng cường chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng các nhu cầu đa dạng, phát triển thương hiệu… Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu về giống, nguồn gen, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất, chế biến, phát triển sản phẩm.
Thủ tướng nhấn mạnh cần phát huy hơn nữa vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, giao đất, giao rừng cho bà con theo đúng quy định, để người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, phát huy, khai thác tối đa tiềm năng của rừng và hưởng lợi từ rừng, không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, từ đó góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Nghiên cứu, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên và sắp xếp lại các điểm trường, lớp học cho phù hợp
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, tặng quà thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú của huyện Tu Mơ Rông, vùng căn cứ cách mạng, cũng là huyện nghèo miền núi vùng cao của tỉnh Kon Tum; nghe báo cáo, kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng vui mừng, xúc động được tới thăm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tu Mơ Rông, nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, tạo cơ hội phát triển cho các em học sinh dân tộc thiểu số; chia sẻ với những khó khăn, thách thức và ghi nhận, biểu dương tinh thần cố gắng, nỗ lực của đội ngũ giáo viên, học sinh tỉnh Kon Tum nói chung và của trường nội trú Tu Mơ Rông nói riêng, đạt nhiều kết quả tích cực trong năm học vừa qua.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Kon Tum và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tu Mơ Rông khắc phục những hạn chế, tồn tại, bất cập trong năm học vừa qua, phát huy những kết quả đã đạt được; tiếp tục triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục theo tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu với phương châm học sinh là trung tâm, nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực; bố trí giáo viên, xây dựng chương trình học tập phù hợp với tình hình mới của năm học…
Lưu ý tỉnh Kon Tum một số vấn đề trong triển khai năm học mới, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết, kiên trì không cho ma túy, tệ nạn xã hội vào học đường, xâm hại đến sức khỏe, đạo đức và nhân cách của học sinh, sinh viên.
Đồng thời, bảo đảm an ninh, an toàn cho học sinh, giáo viên với các biện pháp phòng chống thiên tai như lũ lụt, sạt lở, khắc phục tình trạng bạo lực trong học đường. Cùng với đó, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục; rà soát lại việc dạy và học môn học giáo dục công dân trong trường học phổ thông, bảo đảm chất lượng, thực chất, hiệu quả; bảo đảm không để thiếu sách giáo khoa.
Thủ tướng cũng đề nghị trong lúc chưa triển khai được các giải pháp căn cơ, bài bản, lâu dài hơn, cần nghiên cứu, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên và sắp xếp lại các điểm trường, lớp học cho phù hợp tình hình thực tiễn, hiệu quả hơn theo hướng giảm điểm trường lẻ, tăng trường nội trú, điểm trường chính.
Đề nghị tiếp tục quan tâm kiên cố hóa các phòng học và nhà ở cho học sinh, nhà công vụ, Thủ tướng cho rằng, phòng học, phòng ở kiên cố nghĩa là bảo đảm an toàn, thoáng mát vào những ngày nắng nóng, phù hợp điều kiện khí hậu, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, sinh hoạt. Thủ tướng gợi ý, không nhất thiết phải là nhà bê tông cốt thép nhiều tầng mà có thể xây dựng các ngôi nhà mái ngói với các hàng hiên ở 4 phía để có thêm không gian thoáng mát, là nơi vui chơi, nghỉ ngơi cho các em học sinh, các thầy cô giáo…
Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục tiếp tục quan tâm, chăm lo các trường dân tộc nội trú. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đổi mới phương thức dạy và học, hoạt động của các trường, chú trọng hơn nữa tới hoạt động ngoại khóa, giáo dục thể chất, nghệ thuật, giáo dục truyền thống văn hóa - lịch sử của địa phương, đất nước, lý tưởng cách mạng, đạo đức, ý thức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh… Đồng thời, tạo môi trường để học sinh dân tộc thiểu số vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa giao lưu, hòa nhập với học sinh các dân tộc khác và phát huy tối đa năng khiếu, sở trường của từng em.
Năm học 2022-2023, tỉnh Kon Tum có 359 trường mầm non và phổ thông công lập, 73 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tổng số trẻ em, học sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 164.256 em, trong đó có 95.972 trẻ em, học sinh là người dân tộc thiểu số.