Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để đưa Trà Vinh phát triển nhanh và bền vững
Tối 14/10, tại Trà Vinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề 'Trà Vinh - Khát vọng phát triển'.
Ngày 2/10, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1142/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là, đến 2030 Trà Vinh là tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; có kinh tế biển phát triển, thích ứng biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cụ thể, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 11,5%/năm; trong đó ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3,32%/năm, ngành công nghiệp-xây dựng tăng bình quân 15,49%/năm, ngành thương mại-dịch vụ tăng bình quân 10,81%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 148 triệu đồng vào năm 2030. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân từ 12% đến 15%/năm; tỷ trọng trong GRDP nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 17,98%; công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 46,14%; dịch vụ chiếm khoảng 33,00%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 2,88%; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1.700 đến 1.800 triệu USD vào năm 2030. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 350 nghìn tỷ đến 400 nghìn tỷ đồng.
Về xã hội, đến 2030, Trà Vinh có tốc độ tăng dân số bình quân 0,75 %/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có cấp bằng, chứng chỉ đạt 40% vào năm 2030; năng suất lao động tăng bình quân 11,65%/năm; giải quyết việc làm mới hàng năm cho 30.000 lao động; phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 73% trường mầm non, 89% trường tiểu học, 70% trường trung học cơ sở và 91% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu đạt 35 giường bệnh/vạn dân; 14-16 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% vào năm 2030; tỷ lệ hộ nghèo đạt chuẩn đa chiều giảm bình quân mỗi năm 1-1,5%/năm; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,75 trở lên.
Đến năm 2050, Trà Vinh là tỉnh phát triển cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, kết nối hiệu quả với vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; xã hội văn minh, hiện đại; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc…
Hội nghị đã công bố Quyết định 1142/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định số 1142/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Trà Vinh thời gian tới.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi tới Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Trà Vinh, quý vị đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc mừng tỉnh Trà Vinh đã khẩn trương xây dựng, hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Hội nghị này, Thủ tướng đánh giá cao tỉnh cùng các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị chu đáo sự kiện quan trọng này.
Hội nghị này là cơ hội tốt để tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới, những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội cụ thể của Trà Vinh; đồng thời lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương có ý kiến gợi mở về định hướng phát triển, các giải pháp thúc đẩy hợp tác, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng nêu rõ, Hội nghị này là sự tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng, mới nhất là Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị này là cơ hội tốt để tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới, những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội cụ thể của Trà Vinh; đồng thời lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương có ý kiến gợi mở về định hướng phát triển, các giải pháp thúc đẩy hợp tác, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm: về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Trà Vinh, trước hết, cần khẳng định Việt Nam có nền kinh tế, chính trị, xã hội ổn định và ngày càng phát triển; là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư; hội nhập quốc tế được đẩy mạnh chính là những điều kiện chung rất thuận lợi cho các địa phương, trong đó có tỉnh Trà Vinh, nằm trong khu vực phát triển rất năng động ở đồng bằng sông Cửu Long.
Trà Vinh có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh, là tuyến đường ra biển quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh trọng điểm về kinh tế biển. Về điểm này, Thủ tướng yêu cầu cần có giải pháp đột phá phát triển hạ tầng giao thông.
Trà Vinh hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế-xã hội: đất đai màu mỡ (đất nông nghiệp chiếm 62% diện tích tự nhiên), đa dạng vùng sinh thái (nước ngọt, nước lợ, ngập mặn), có tiềm năng lớn về nông sản, thủy hải sản giá trị cao; đầy đủ cơ sở để trở thành một trung tâm năng lượng với tài nguyên rất lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); có Trung tâm điện lực Duyên Hải (4.900 MW). Có điều kiện tốt cho phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử dựa trên điều kiện tự nhiên đặc sắc, văn hóa đa dân tộc (Kinh, Khmer, Hoa), nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử, lễ hội.
Trà Vinh có nguồn lao động trẻ dồi dào (dân số gần 1,1 triệu người, thứ 43/63 cả nước); người Trà Vinh nhân văn, trượng nghĩa, can trường, chất phác, cởi mở. Trà Vinh quan tâm hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện đầu tư môi trường kinh doanh (năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh xếp thứ 26/63). Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Trà Vinh thể hiện quyết tâm cao, xác định rõ chiến lược phát triển và ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể.
Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Trà Vinh được công bố tại Hội nghị này có tầm quan trọng đặc biệt, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển bền vững, hiệu quả; giúp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh (Trà Vinh là tỉnh thứ 14 cả nước, thứ 3 vùng đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh).
Thủ tướng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cùng các cơ quan liên quan đã chuẩn bị chu đáo cho chuyến khảo sát thực tế vùng biển, Khu Kinh tế Định An, Lễ công bố Quy hoạch tỉnh và khởi công cầu Đại Ngãi. Thủ tướng tin rằng, chuỗi sự kiện này là một bước khởi đầu rất quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Trà Vinh nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung .
Đề cập một số thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Trà Vinh, Thủ tướng nêu rõ, khi mới tái lập tỉnh năm 1992, Trà Vinh là tỉnh khó khăn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sau hơn 30 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, cùng với ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, thế hệ sau đã học tập và kế thừa kết quả, hướng đi của thế hệ trước, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển (Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, Quốc lộ 53, cầu Cổ Chiên, Khu Kinh tế Định An...); hạ tầng thiết yếu về y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới chuyển biến tích cực; các thành phần kinh tế phát triển, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã đạt nhiều kết quả; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh...
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Trung ương về phát triển kinh tế-xã hội, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung toàn lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra (tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm đạt 8,51%, các ngành, lĩnh vực phát triển mạnh…), góp phần tích cực cho sự phát triển chung của đất nước.
Đề cập mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, về mục tiêu (theo Quy hoạch tỉnh vừa được công bố): đến năm 2030, Trà Vinh là tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; có kinh tế biển phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Trà Vinh là tỉnh phát triển cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, kết nối hiệu quả với vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Xã hội văn minh, hiện đại; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Đề cập các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nhấn mạnh, đối với tỉnh Trà Vinh:
Thứ nhất, quán triệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế của tỉnh; trong đó đặc biệt là các nội dung quan trọng: ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển, hình thành các vùng và các trục động lực phát triển, các cửa ngõ kết nối, trong đó sớm hình thành 3 trục động lực phát triển, gồm: trục phát triển theo tuyến đường bộ ven biển; trục phát triển theo tuyến quốc lộ 60 và trục phát triển theo tuyến cao tốc Hồng Ngự-Trà Vinh. Thực hiện điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và thống nhất giữa quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch cấp cao hơn để phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đối khí hậu.
Thứ hai, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh hợp tác công-tư, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển; tập trung phát triển hệ thống đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng Khu kinh tế Định An, các Khu công nghiệp Cổ Chiên và Cầu Quan. Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, trọng tâm là đường hành lang ven biển, các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả các cảng biển, phát triển logistics.
Thứ ba, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tăng năng suất cạnh tranh các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn...
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường công khai, minh bạch, lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức viên chức có chất lượng, được đào tạo bài bản; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc, tôn giáo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thứ sáu, ưu tiên đầu tư cho giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, nhất là cho các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ logistics...; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh, vườn ươm doanh nghiệp.
Đối với các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng đề nghị triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của tỉnh và người dân, doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan; phối hợp chặt chẽ với Trà Vinh đánh giá thực trạng, có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư; hướng dẫn tỉnh Trà Vinh trong quá trình thực hiện Quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp, huy động và bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng của Quy hoạch bảo đảm thống nhất, đồng bộ với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 của đất nước; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thủ tướng tin tưởng rằng, sự thành công của Hội nghị này là bước khởi đầu tốt đẹp, tạo sức lan tỏa và thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Trà Vinh, góp phần thúc đẩy tỉnh phát triển nhanh, bền vững, hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Quy hoạch.