Phát huy nghề truyền thống ở Ngọc Đường
Trong những năm qua, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp, cơ chế nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống. Nhờ đó, đã duy trì ổn định và ngày càng phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH; bảo tồn, phát huy những bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống của người Việt.
Các làng nghề truyền thống luôn có chỗ đứng nhất định, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn tạo nên nét văn hóa đặc sắc mang tính đặc trưng của vùng quê. Tuy nhiên, do nhiều hộ gia đình tại các làng nghề thường có tâm lý giữ nghề, truyền nghề riêng cho người trong gia đình, dòng họ để tránh bị mất nghề; nhưng quan niệm này ngày nay đã thay đổi, nhiều gia đình chủ động truyền lại cho thế hệ trẻ nhằm giúp làng nghề tránh bị mai một và ngày càng phát triển hơn. Để nâng cao tính cạnh tranh, duy trì và phát triển; hiện nay, các làng nghề đã dần chuyển sang mô hình hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác. Tiêu biểu như mô hình HTX bánh chưng gù Bà Dung, thôn Bản Tùy, với 40 thành viên, sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, được kiểm nghiệm chặt chẽ từ khâu chọn nguyên liệu để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì được hút chân không, giúp giữ hương vị truyền thống, bảo quản được lâu hơn; mỗi ngày sản xuất 3.000 cái, với giá bán 17.000 đồng/cái, trừ chi phí cũng đem lại cho HTX 150 triệu/năm; tạo công ăn việc làm cho 15 lao động, với thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Hiện nay, đang được bán về các siêu thị ở các tỉnh khu vực miền Bắc như: Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình… HTX được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì “Có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua” từ năm 2018 - 2020.
Nghề mộc hiện nay có 30 hộ kinh doanh, với gần 300 lao động; sản phẩm là các mặt hàng quen thuộc như: Giường, tủ, bàn, ghế, cửa sổ, cửa chính…Theo xu hướng của thị trường, nhiều hộ đã đổi mới, phát triển phong phú, đa dạng các sản phẩm: Cầu thang, ốp trần, ốp tường… tiêu biểu như cơ sở của anh Bùi Văn Giang, thôn Thái Hà, anh đã gắn bó với nghề mộc được 20 năm, trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhưng luôn có được chỗ đứng trong nghề thủ công mỹ nghệ; cơ sở có 5 nhân công, với mức lương 6 - 8 triệu đồng/tháng, trừ chi phí mỗi năm cũng đem lại cho anh 110 triệu đồng/năm. Tiêu chí đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường luôn được anh tuân thủ nghiêm ngặt; đảm bảo không gây ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của bà con khu dân cư. Nhiều hộ làm nghề dần hoạt động chuyên môn hóa vào một số sản phẩm, công đoạn nhất định, liên kết sản xuất tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Phát triển làng nghề là để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng lao động năng suất thấp, thu nhập không ổn định, sang lao động ngành nghề có năng suất và chất lượng cao. Mục tiêu nâng cao đời sống của cư dân nông thôn một cách toàn diện cả về kinh tế và văn hóa. Giá trị văn hóa thể hiện rõ nét qua các sản phẩm làng nghề gắn với trí thông minh, đôi tay khéo léo và kỹ thuật tinh sảo, cùng sự tinh tế của các nghệ nhân. Mỗi sản phẩm làng nghề, không chỉ là một sản phẩm hàng hóa thông thường mà còn là nơi gửi gắm tâm hồn, tài năng, sự sáng tạo.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Đường, Kiều Đức Thành cho biết: Nhằm thúc đẩy sự phát triển các làng nghề truyền thống, xã đã chủ động giúp các hộ kinh doanh xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Du lịch làng nghề đang được xã khai thác các giá trị văn hóa vật thể, các sản phẩm do lao động làng nghề làm ra; khách du lịch có thể trực tiếp tham quan và tham gia vào một số công đoạn sản xuất sản phẩm đặc trưng của làng nghề. Để duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, xã quan tâm đến công tác đào tạo dạy nghề. Trong thời gian tới, tiếp tục duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202101/phat-huy-nghe-truyen-thong-o-ngoc-duong-770897/