Phát huy nguồn lực trí thức kiều bào cho công cuộc phát triển đất nước
Tiềm lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cả về nhân lực, vật lực và chất xám còn rất lớn, có thể coi là ngoại lực và cũng là nội lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, trí thức kiều bào đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng, giúp chuyển giao kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, huy động các nguồn lực quốc tế vào Việt Nam, đào tạo đội ngũ cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.
Có thể nói rằng, trí thức kiều bào là vốn quý. Tiềm lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cả về nhân lực, vật lực và chất xám còn rất lớn, có thể coi là ngoại lực và cũng là nội lực thúc đẩy phát triển của đất nước.
Cống hiến “theo cách riêng”
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành Điện hóa, Tiến sỹ Nguyễn Duy Hà (sinh năm 1971, kiều bào Áo) từng có thời gian dài làm việc tại nhiều tổ chức, cơ sở nghiên cứu khoa học uy tín ở trong và ngoài nước như Đại học Bách khoa Hà Nội; Trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Hiroshima, Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi (Nhật Bản); Đại học quốc gia Chungnam (Hàn Quốc); Đại học Tổng hợp Leiden (Hà Lan)...
Gắn bó với Đại học Bách khoa Vienna (Áo) từ năm 2015 đến nay, ông Nguyễn Duy Hà tham gia nhóm nghiên cứu của Áo và là một trong bảy nhóm nghiên cứu hàng đầu châu Âu về nhiệt độ thấp. Với bản lĩnh, trí tuệ của mình, chuyên gia vật lý lượng tử nhiệt độ thấp này đã có hàng loạt đề tài nghiên cứu cấp nhà nước của Áo và châu Âu, được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế.
Nổi bật là nghiên cứu chế tạo ra máy có thể làm lạnh vật liệu tới mức nhiệt độ mà hầu hết các điện tử và hạt nhân đã “đóng băng lại”, được công bố trên Tạp chí Nature. Thông qua nghiên cứu về những dao động của các điện tử và hạt nhân, ông đã phát minh ra hiện tượng siêu dẫn của hệ vật liệu “điện tử lạnh.”
Sống và làm việc ở Áo nhưng tâm trí, tình cảm của Tiến sỹ Nguyễn Duy Hà luôn hướng về quê hương. Ông luôn mong muốn quay trở về Việt Nam để làm việc, nghiên cứu và thực tế cũng đã nhiều lần về nước làm việc.
Tuy nhiên, theo ông, ở trong nước, lĩnh vực nghiên cứu vật lý lượng tử và vật liệu thấp vẫn rất còn mới mẻ. Do vậy, sau rất nhiều trăn trở, ông quyết định cống hiến cho quê hương “theo cách riêng.” Đó là kết nối kiến thức, công nghệ đã nghiên cứu với trong nước, góp phần thúc đẩy nền khoa học, công nghệ nước nhà.
Nghĩ là làm, trong những năm qua, Tiến sỹ Nguyễn Duy Hà thường xuyên xây dựng chương trình nghiên cứu, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ của Việt Nam; thúc đẩy hợp tác các dự án để đưa sinh viên Việt Nam sang nước ngoài học tập, nghiên cứu.
Ông đã viết Chương trình xét duyệt đề tài và các quy định đánh giá kết quả nghiên cứu cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) của Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau đó, số lượng nghiên cứu được xuất bản của Việt Nam từ năm 2010 đến nay đã tăng lên rất nhiều lần.
“Tôi rất hạnh phúc và tự hào khi nhận thấy, trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học trong nước có những thay đổi ngày càng tích cực. Mục tiêu trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học ở Việt Nam, đồng thời hỗ trợ xây dựng các chính sách để phát triển khoa học trong nước,” Tiến sỹ Nguyễn Duy Hà chia sẻ.
Trách nhiệm với quê hương
Cũng như Tiến sỹ Nguyễn Duy Hà, bác sỹ Nguyễn Dương Nam Phương (kiều bào tại Hoa Kỳ) là Giáo sư Phẫu thuật tại Đại học Colorado và Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Colorado, Hoa Kỳ.
Ngay từ khi bắt đầu học y khoa tại Đại học Minnesota, chàng trai Nam Phương luôn “tự thấy có trách nhiệm sâu sắc trong việc tận dụng thế mạnh bản thân để cống hiến cho quê hương.”
Gần hai mươi năm trước, bác sĩ Nam Phương có cơ hội tham gia dự án Project Vietnam Foundation và đến Hòa Bình phẫu thuật hở hàm ếch. Sau đó, ông cũng đã đến Ấn Độ, Nepal, Philippines, Mexico, Honduras, Guatemala, Peru, Ai Cập… để giảng dạy và thực hiện các ca phẫu thuật tái tạo cho trẻ em. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nơi ông quay lại nhiều nhất.
Năm 2020, ông đã đồng sáng lập tổ chức Nuoy Reconstructive International với mục đích không chỉ cung cấp giải pháp giúp trẻ em ở Việt Nam được chăm sóc tái tạo mà còn có thể hợp tác với các bác sĩ Việt Nam nâng cao kiến thức và nghiên cứu. “Nhu cầu cống hiến cho đất nước đã ăn sâu vào máu tôi,” bác sỹ Nam Phương chia sẻ.
Từ khi thành lập đến nay, Nuoy Reconstructive International (tổ chức tiền thân là RICE) đã thực hiện hơn 22 chuyến phẫu thuật, đào tạo hơn 50 bác sỹ và tác động đến hơn 15.000 bệnh nhân.
Nuoy Reconstructive International có quan hệ đối tác lâu dài với nhiều bệnh viện như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Hồng Ngọc, Bệnh viện Nhi đồng 1 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
“Tôi mong rằng tất cả trẻ em ở Việt Nam đều có cơ hội sống một cuộc sống trọn vẹn và được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất,” bác sỹ Nam Phương nói.
Tiềm lực của kiều bào còn rất lớn
Theo ước tính, trong tổng số gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600.000 người, gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em các thế hệ của người Việt ở sở tại.
Trong hầu hết các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, khoa học hiện đại, từ lĩnh vực điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương…, đều có chuyên gia người Việt Nam tham gia nghiên cứu, làm việc.
Thực hiện Kết luận 12/KL-TW, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, công tác phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, được thực hiện đồng bộ, đạt được những thành tựu bước đầu rất đáng khích lệ.
Nhận thức về vị trí, vai trò của nguồn lực kiều bào trong sự nghiệp phát triển đất nước ngày càng được nâng cao. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1334/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới" có ý nghĩa tổng thể, huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với mục tiêu phát triển của Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Với số lượng đông đảo, làm việc ở nhiều nước có trình độ cao về khoa học công nghệ và kinh tế, được đào tạo trong môi trường phát triển, cạnh tranh, thông tin cập nhật, chuyên gia, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trí thức kiều bào là vốn quý.
Khoa học công nghệ, trí tuệ ngày càng đóng vai trò then chốt đối với phát triển và sức mạnh của mỗi quốc gia. Việc huy động tốt nguồn lực tri thức của người Việt Nam ở nước ngoài sẽ góp phần giúp đất nước phát triển, đặc biệt trên các lĩnh vực về khoa học - công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Một số nhóm biện pháp trong thời gian tới sẽ tập trung tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai cơ chế, chính sách về thu hút, tuyển chọn, trọng dụng trí thức, chuyên gia kiều bào.
Cụ thể là rà soát, có hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai quy định về khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động trên mọi lĩnh vực tại Việt Nam, đặc biệt những lĩnh vực cần ưu tiên đặc biệt cho phát triển như khoa học-công nghệ; đơn giản hóa thủ tục hành chính, mạnh dạn trao quyền, mở rộng phân cấp và tăng tính tự chủ cho các bộ, ngành, địa phương, cơ sở... có nhu cầu sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc.
Bên cạnh đó là chú trọng tạo dựng môi trường làm việc, nghiên cứu khoa học thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, ngang tầm, để từ đó chiêu mộ nhân tài, chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc lâu dài, góp phần nâng cao năng lực nội sinh về khoa học, công nghệ của đất nước.
Mỗi địa phương, bộ, ngành cần dựa trên đặc điểm và nhu cầu thực tiễn để xây dựng chiến lược và chính sách linh hoạt nhằm trọng dụng nguồn nhân lực tài năng phù hợp; có chính sách sử dụng hiệu quả những lao động có kỹ năng, tay nghề được tu nghiệp tại các nước phát triển; mạnh dạn tin dùng và tạo cơ hội cho tài năng trẻ, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ các nước trở về.
Cùng với đó là đầu tư nguồn lực tài chính cho việc xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án phục vụ thu hút nguồn lực kiều bào gồm xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ cho các chuyên gia, trí thức về nước làm việc; thành lập một số trung tâm xuất sắc theo chuẩn mực quốc tế; cung cấp cho vay tín dụng ưu đãi khi kiều bào thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam./.