Phát huy quyền của trẻ em gái

Các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em gái, nhất là trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh nêu ý kiến tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa HĐND tỉnh với Hội đồng trẻ em và đại diện trẻ em tiêu biểu tỉnh năm 2024.

Trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh nêu ý kiến tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa HĐND tỉnh với Hội đồng trẻ em và đại diện trẻ em tiêu biểu tỉnh năm 2024.

Lắng nghe trẻ em nói

Trẻ em vùng đồng bào DTTS nói chung và trẻ em gái vùng DTTS nói riêng thường nhút nhát, ngại giao tiếp, sống khép kín và ít chia sẻ tâm tư với người lớn. Do đó, việc tạo ra một môi trường thân thiện để các em tự tin bày tỏ suy nghĩ và nguyện vọng của mình là rất quan trọng. Cuối tháng 5/2024, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa HĐND tỉnh với Hội đồng Trẻ em và đại diện trẻ em tiêu biểu tỉnh.

Em Đinh Thị Vương, học sinh (HS) lớp 9, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây (Sơn Tây), thành viên của Hội đồng Trẻ em tỉnh chia sẻ, trong thời gian qua, nhờ sự quan tâm của toàn xã hội, chúng cháu - những trẻ em miền núi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, nhiều suất học bổng giúp chúng cháu tiếp tục đến trường, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, tình trạng HS bỏ học, đặc biệt là HS nữ người DTTS vẫn còn xảy ra. Chúng cháu mong muốn được các cấp, các ngành, nhà hảo tâm và các đơn vị tiếp tục có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực dành cho trẻ em vùng cao, nhất là những bạn còn gặp nhiều khó khăn, để chúng cháu có thể tiếp tục theo đuổi ước mơ và hoài bão của mình, để những kế hoạch của chúng cháu không bị dang dở.

Tại hội nghị, nhiều trẻ em gái người DTTS cũng đã lên tiếng bày tỏ nguyện vọng, mong muốn được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học, xây dựng các khu vui chơi, sân thể thao cho HS miền núi; kiến nghị về vấn đề tảo hôn trong đồng bào DTTS... Hoạt động của mô hình Hội đồng Trẻ em đã góp phần tạo ra cơ hội, môi trường và diễn đàn để trẻ em, nhất là trẻ em gái người DTTS được phát huy quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Học sinh nữ ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Long Môn (Minh Long) trong một buổi sinh hoạt văn nghệ tại trường. Ảnh: PV

Học sinh nữ ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Long Môn (Minh Long) trong một buổi sinh hoạt văn nghệ tại trường. Ảnh: PV

Đẩy mạnh truyền thông về quyền trẻ em

Trẻ em vùng đồng bào DTTS, nhất là trẻ em gái dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người qua biên giới, bạo lực gia đình hoặc bị dụ dỗ tham gia vào các đường dây buôn bán người do thiếu hiểu biết. Các em khó có cơ hội tiếp cận với các nguồn lực và bày tỏ tiếng nói của mình do định kiến xã hội áp đặt vị trí và giới hạn sự phát triển...

Do đó, cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho gia đình, nhà trường, cộng đồng để chính bố mẹ, thầy cô, người chăm sóc trẻ... tạo mọi điều kiện cho các em thực hiện đầy đủ các quyền của mình; lên tiếng, bày tỏ mong muốn, nguyện vọng chính đáng phục vụ cho cuộc sống, tương lai của chính các em.

Thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thuộc dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, nhiều chương trình hướng đến trẻ em gái người DTTS như nâng cao chất lượng “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” hỗ trợ bảo vệ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình; tổ chức Cuộc thi “Sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi” cấp tỉnh; thành lập các câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” có sự tham gia của trẻ em gái ở các địa phương miền núi... Qua đó, phát huy quyền tham gia của trẻ em gái vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

VŨ YẾN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/dien-dan/202406/phat-huy-quyen-cua-tre-em-gai-dad0ca0/