Phát huy thành quả, tạo động lực phát triển

Bên cạnh việc khống chế đại dịch thành công, mặc dù chịu nhiều tác động về địa chính trị thế giới, giá xăng dầu tăng mạnh nhưng kinh tế Bình Dương đang hồi phục và tăng tốc ấn tượng. Cùng với đó, nhiều công trình dự án tạo động lực, mở ra không gian mới để Bình Dương tiếp tục phát triển.

Công ty Panko Vina (TX.Bến Cát) nỗ lực cho các đơn hàng năm 2022

Công ty Panko Vina (TX.Bến Cát) nỗ lực cho các đơn hàng năm 2022

Nỗ lực vươn lên

Theo ông Yeh Ming Yuh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (huyện Bàu Bàng), năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng doanh thu của Polytex Far Eastern Việt Nam so với năm 2020 vẫn tăng trưởng 34,3%, đạt 630 triệu đô la Mỹ. Doanh thu dự kiến năm 2022 đạt khoảng 755 triệu đô la Mỹ. Trong những năm tiếp theo, công ty có kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất với các sản phẩm sợi công nghiệp ứng dụng trong việc sản xuất dây an toàn, túi khí.

Ông Yeh Ming Yuh cho biết thêm, thời gian qua Tập đoàn Far Eastern không ngừng phát triển, tăng trưởng trên quy mô toàn cầu, riêng tại Việt Nam càng được chú trọng mở rộng đầu tư. Đến tháng 5-2021, tập đoàn đã thực hiện mở rộng đầu tư lần 2, nâng tổng vốn đầu tư hiện nay lên đến 1,37 tỷ đô la Mỹ, với các sản phẩm xơ sợi tổng hợp và sản phẩm tái chế. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ tiến hành triển khai các hạng mục đầu tư xây dựng, dự kiến đưa vào sản xuất xơ sợi dài (DTY) trong quý II-2022, sợi dài (POY) trong quý IV- 2022 và các sản phẩm tái chế (RPET) trong nửa đầu năm 2023.

Ở góc độ xuất khẩu, ông Byun Jae Woong, Giám đốc điều hành Công ty Panko Vina (TX.Bến Cát), cho biết từ cuối năm 2021 đến nay, đơn hàng cho xuất khẩu của năm 2022 đã “phủ kín” công suất sản xuất. Hiện doanh nghiệp (DN) đang tập trung sản xuất đơn hàng xuất khẩu cho đối tác Nhật. Đặc biệt, những đơn đặt hàng xuất khẩu, nhất là từ khu vực lân cận đang dịch chuyển mạnh qua Việt Nam, do vậy DN đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất để đón cơ hội mới. Công ty cũng đặt ra tăng trưởng 10% trong năm 2022 và liên tục đưa ra các giải pháp để củng cố khâu quản lý sản xuất, khắc phục vấn đề thiếu hụt lao động đang diễn ra thời gian gần đây.

Đối với các DN trong nước, theo ông Trần Anh Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), đơn hàng xuất khẩu của ngành gỗ đã kín cho đến quý III, thậm chí nhiều DN đã đủ sản xuất cho cả năm 2022. Hiện nhu cầu nội thất trên thị trường thế giới vẫn trên đà tăng chính là cơ hội lớn cho ngành gỗ tăng trưởng mạnh. Lũy kế 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 703,1 triệu USD, chiếm tỷ trọng 8,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Riêng tháng 3-2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 206,9 triệu USD, tăng 2,8% so với tháng trước. Đây là động lực tăng trưởng cho cả năm 2022.

Những tín hiệu tích cực từ thị trường trong nước và xuất khẩu đã góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021 (quý I-2021 tăng 6,9%). Kim ngạch xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Các thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông có nhiều khởi sắc. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 9 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,8% so cùng kỳ (quý I-2021 tăng 30,4%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 6 tỷ đô la Mỹ, tăng 0,2% (quý I-2021 tăng 20%). Thặng dư thương mại đạt hơn 3 tỷ đô la Mỹ.

Quyết liệt cho mục tiêu đề ra

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá: “Trong quý I-2022, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên các ngành, lĩnh vực. Đồng thời tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức một số sự kiện quan trọng tạo lòng tin, phấn khởi cho DN và người dân, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ”.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, lãnh đạo UBND tỉnh cũng nhìn nhận vẫn tồn tại một số khó khăn. Cụ thể, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giá nguyên vật liệu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu. Bên cạnh đó còn có những vướng mắc trong đầu tư công, dù được tập trung chỉ đạo tháo gỡ, tuy nhiên tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Một số công trình điện chậm đầu tư hoàn thành, ảnh hưởng nguồn cung phục vụ sản xuất, kinh doanh…

Đại diện các DN có vốn đầu tư nước ngoài, ông ông Byun Jae Woong, Giám đốc điều hành Công ty Panko Vina, cho rằng việc mở rộng, phát triển những tuyến đường trọng điểm, kết nối là điểm sáng tuyệt vời để kinh tế Bình Dương tăng trưởng bền vững. Và đây chính là nền tảng để thu hút các dự án chất lượng cao, trong đó có các nhà đầu tư từ Hàn Quốc.

Trong khi đó, các DN trong nước mong muốn để duy trì sức nóng tăng trưởng kinh tế quý I cho những quý tiếp theo, các cơ quan chức năng tạo điều kiện để các gói hỗ trợ tài chính sớm đến tay DN sản xuất. Trong đó cần tính đến chính sách hỗ trợ phù hợp cho DN nhỏ và vừa, tạo nền tảng để kết nối với các DN FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối hoặc các hệ thống phân phối lớn.

Trong quý II, UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện phương án phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung đô thị cấp huyện; thực hiện lựa chọn tư vấn, hoàn thiện đề cương Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục xây dựng đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; sớm triển khai dự án đầu tư đường Vành đai 3 sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, mở rộng Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai các bước thực hiện dự án: Đường Vành đai 4, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cảng An Tây, kéo dài tuyến Metro từ ga Suối Tiên đến phường Bình Thắng, TP.Dĩ An...

TIỂU MY - CẨM TÚ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/phat-huy-thanh-qua-tao-dong-luc-phat-trien-a268801.html