Phát huy thế mạnh các mô hình trong xóa bỏ định kiến giới ở Đắk Nông
Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông luôn chú trọng tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới trong vùng dân tộc thiểu số...
Thành lập nhiều mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Thôn Nam Tân, xã Nam Đà, huyện Krông Nô là địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông với 252 hộ, hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống (chủ yếu là người Tày, Nùng). Tỷ lệ đồng bào DTTS cao, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ văn hóa hạn chế nên quan niệm và nhận thức trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em của đa số người dân còn lạc hậu. Chính vì vậy, tuyên truyền nâng cao nhận thức về cuộc sống, các vấn đề xã hội, đặc biệc là bình đẳng giới luôn là ưu tiên của chính quyền địa phương và Hội LHPN xã Nam Đà.
Triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, Hội LHPN xã Nam Đà đã thành lập điểm Tổ truyền thông cộng đồng tại thôn Nam Tân với 10 thành viên, bao gồm cả nam và nữ. Xác định rõ trách nhiệm nâng cao nhận thức cho bà con về bình đẳng giới, tranh thủ lúc buổi tối và các buổi sinh hoạt Hội, sinh hoạt cộng đồng, các thành viên trong tổ tích cực tuyên truyền xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu về giới, nâng cao nhận thức, kiến thức cho bà con về thực trạng bất bình đẳng giới, thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình…
"Hiểu rằng, muốn truyền thông hiệu quả về bình đẳng giới phải truyền thông cho cả nam và nữ. Vì thế, ngoài hội viên phụ nữ, chúng tôi hướng trọng tâm vào nam giới, giúp họ hiểu đúng về bình đẳng giới, qua đó có những hoạt động thiết thực về bình đẳng giới. Nhờ sự hoạt động tích cực của Tổ truyền thông cộng đồng, những tập tục lạc hậu của đồng bào DTTS ở thôn Nam Tân đã dần xóa bỏ. Người phụ nữ đã nâng cao vai trò trong phát triển kinh tế; nam giời tích cực đồng hành, động viên, chia sẻ với vợ về công việc gia đình, chăm sóc và nuôi dạy con cái", một thành viên trong Tổ cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hiên, Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Đà, huyện Krông Nô, với những hoạt động thiết thực trong xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của người phụ nữ, Tổ truyền thông cộng đồng thôn Nam Tân, xã Nam Đà được xem là mô hình điểm để nhân rộng. Song song với hoạt động Tổ truyền thông cộng đồng trực tiếp tác động đến nhận thức nhóm người trưởng thành, Hội LHPN Đắk Nông cũng rất chú trọng thay đổi nhận thức của người trẻ thông qua Câu lạc bộ (CLB) "Thủ lĩnh của sự thay đổi" trong trường học.
Cụ thể, tại trường THCS Nguyễn Du, huyện Đắk Glong có gần 30% học sinh DTTS đã được Hội LHPN tỉnh Đắk Nông chọn thành lập điểm mô hình CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi". Dưới sự hướng dẫn của tuyên truyền viên, các em học sinh rất hào hứng với các hoạt động thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em và bình đẳng giới tại nhà trường và cộng đồng nơi mình sinh sống.
Em H’Anh Thư, thành viên CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" của Trường THCS Nguyễn Du tâm sự: "Khi tham gia vào CLB, em biết hơn nhiều kiến thức về cách bảo vệ mình, làm gì khi gặp các vấn đề nguy hiểm xảy ra với bản thân. Em rất mong muốn góp phần tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử đối với bà con trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em".
Hiện nay, ngoài mô hình Tổ truyền thông cộng đồng và CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi", Hội LHPN các cấp Đắk Nông còn chú trọng thành lập các CLB phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, đặc biệt là các em ở độ tuổi vị thành niên.
Nhân rộng các mô hình hiệu quả
Bên cạnh các mô hình giúp thay đổi nếp nghĩ, nhiều biện pháp truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật tại địa phương đã giúp người dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng nhận thức được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Từ đó góp phần từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em.
Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ Đắk Nông cũng đã tổ chức được nhiều buổi đối thoại chính sách ở cấp xã đối với phụ nữ. Qua đó, lãnh đạo phụ nữ các cấp, chính quyền địa phương đã lắng nghe, chia sẻ, giải quyết nhiều kiến nghị của phụ nữ trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên các lĩnh vực.
Báo cáo hoạt động của Hội LHPN Đắk Nông cho thấy, từ năm 2022 đến nay, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức 4 cuộc tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho 212 cán bộ huyện, xã; 3 cuộc tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho 129 chi hội trưởng phụ nữ 143 thôn đặc biệt khó khăn. Hội LHPN cấp huyện đã tổ chức được 29 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập và vận hành tổ truyền thông cộng đồng cho 1.627 cán bộ hội cơ sở, bí thư, trưởng thôn, bon, bản. Toàn tỉnh đã tổ chức được 12 lớp giáo dục truyền thông xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới và xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em thu hút 2.764 người tham gia; xây dựng 11 pano và in ấn 14.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình… Đến nay, các cấp hội phụ nữ Đắk Nông đã thành lập và duy trì được 9 "Địa chỉ tin cậy", 145 "Tổ truyền thông cộng đồng", 23 "CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi".
Bà Nguyễn Thị Lưu - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Nông - cho biết, để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Dự án 8. Trong đó, tổ chức các cuộc truyền thông, tập huấn, tuyên truyền xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới bằng nhiều hình thức như lồng ghép các tổ truyền thông cộng đồng, các cuộc họp tại thôn bon, sinh hoạt câu lạc bộ… Các tổ chức hội phát huy vai trò trong công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền quan tâm công tác phụ nữ, thúc đẩy phụ nữ DTTS tham gia các vị trí lãnh đạo, từng bước xóa bỏ các tập quán, hủ tục có hại cho phụ nữ và trẻ em DTTS.
Hội LHPN tỉnh cũng đã chỉ đạo Hội LHPN các cấp thành lập, phát huy vai trò của mô hình địa chỉ tin cậy, tổ truyền thông cộng đồng; huy động sự tham gia của nam giới trong bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Đồng thời tập trung hỗ trợ phụ nữ DTTS trong các tổ liên kết tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sinh kế, phát triển kinh tế, nâng cao tiếng nói của mình trong gia đình và xã hội…