Phát huy tiềm năng, lợi thế để A Lưới thoát nghèo bền vững
Sáng 6/9, tại huyện A Lưới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024. Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh…
Huyện A Lưới là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025 và là một trong 22 huyện nghèo toàn quốc được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.
Với sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp Đảng ủy, chính quyền cùng nguồn lực của Trung ương và địa phương, huyện A Lưới đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Trong đó huyện A Lưới đã chú trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo các năm 2022, 2023; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, huyện A Lưới còn thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, kế hoạch về giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy nên từ năm 2021 đến 2023, quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều của huyện A Lưới giảm từ 9.207 hộ xuống còn 5.720 hộ, giảm 3.487 hộ (giảm 37,87%) và đến cuối năm 2024 sẽ giảm còn 3.681 hộ (2.057 hộ nghèo và 1.624 hộ cận nghèo). Về thu nhập bình quân đầu người, vào cuối năm 2020, huyện A Lưới đạt 25 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2023 đạt mức 35,22 triệu đồng/người/năm (tăng 1,41 lần).
Dự kiến đến cuối năm 2024, huyện A Lưới đạt mức thu nhập 40 triệu đồng/người/năm (tăng 1,6 lần) và cuối năm 2025 đạt trên 45 triệu đồng/người/năm (tăng 1,8 lần). Với những kết quả đạt được kể trên, vào ngày 22/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 702/QĐ-TTg về việc công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024 và đưa A Lưới ra khỏi danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021-2025.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đánh giá, A Lưới được công nhận thoát nghèo là mốc son đáng tự hào trong hành trình phát triển của huyện và cũng là niềm vui chung của toàn tỉnh. Đây không chỉ là thành quả của những nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân huyện A Lưới, mà còn là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những cố gắng của toàn tỉnh.
Để kinh tế - xã hội và đời sống của bà con ngày được nâng cao, huyện A Lưới thoát nghèo bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện A Lưới tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nỗ lực xây dựng và phát triển địa phương với chất lượng cao hơn, bền vững hơn. Tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình, đề án đề ra, khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Cùng ngày, UBND huyện A Lưới tổ chức khánh thành, đưa vào hoạt động Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới để phục vụ các hoạt động lễ hội văn hóa tại địa phương và đón người dân, du khách đến tham quan.
Tại lễ khánh thánh, huyện A Lưới đã tổ chức tái hiện các hoạt động lễ hội như lễ hội A Riêu Car của đồng bào dân tộc Pa Cô; lễ hội Kliing Tang (lễ cúng Giàng) của người Tà Ôi; lễ hội Ân Ninh (đáp lễ của nhà trai) của người Cơ Tu. Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Văn Hải cho biết, toàn huyện có 14.343 hộ dân với 54.402 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 76,8%, gồm 5 dân tộc chính sinh sống là Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Kinh.
Sau khi đưa vào sử dụng, Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới sẽ là nơi tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, tái hiện nét đẹp, cảnh sinh hoạt trong đời sống của đồng bào các dân tộc. Qua đó tạo điểm nhấn kết nối du khách đến tham gia, trải nghiệm tại huyện A Lưới, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.