Phát huy tiềm năng tái chế chất thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Ngày 9/8, tại Trung Tâm Hội Nghị 272, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam tổ chức kỷ niệm 3 năm thành lập với chủ đề 'Cơ Hội Đầu Tư Tái Chế Tại Việt Nam'.

Chương trình tiếp đón hơn 300 khách mời đến từ các Bộ, ban, ngành quản lý chuyên môn, Văn phòng EPR Quốc Gia, Quỹ Bảo vệ Môi trường, Lãnh đạo các Hiệp hội, Liên Hiệp hội, Hội viên Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, cơ quan báo chí truyền thông và các Nhà đầu tư trong, ngoài nước liên quan ngành nghề tái chế.

Đánh dấu cột mốc 3 năm thành lập, ngoài các hoạt động tổng kết, chương trình Kỷ niệm 3 năm thành lập Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam hướng đến thiết lập không gian thúc đẩy giao thương, kết nối, trao đổi kinh nghiệm cũng như thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm trở thành cầu nối kiến tạo cơ hội đầu tư tái chế tại Việt Nam trong thời gian sắp tới, nhất là thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế cũng như chính sách EPR đã đi vào thực hiện.

Được biết, Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam (VWRA) do Bộ Nội vụ cấp phép thành lập vào tháng 3 năm 2021 và hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, hướng tới mục tiêu trở thành tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực tái chế tại Việt Nam. VWRA tập hợp các chuyên gia môi trường và doanh nghiệp tái chế bao gồm các ngành như nhựa, giấy, kim loại, điện tử và chất thải hữu cơ. Hiệp hội cũng hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng xanh, công nghệ môi trường, vận chuyển và xử lý chất thải, cùng với việc cung cấp giải pháp tái chế và chứng nhận sản phẩm xanh.

Chia sẻ tại buổi lễ kỷ niệm, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường, theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. Chính sách EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. Quy định này buộc các doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc thu gom, thu hồi tái chế, tái sử dụng chất thải”.

 Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Những dấu ấn nổi bật của Hiệp hội trong năm 2023 - 2024

Trong năm 2023 - 2024, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Tính đến tháng 8/2024, với sự tham gia của hơn 100 hội viên đến từ đa dạng các ngành nghề liên quan đến tái chế và công nghệ môi trường, Hiệp hội đã ngày càng khẳng định vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Ngoài ra, trong khoảng 1 năm nay, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã tham gia trong công tác tham vấn, phản biện chính sách, tham luận, chủ trì hơn 50 Hội thảo trong nước và Quốc tế với các chủ đề liên quan đến Tái chế, môi trường.

Với vai trò Ủy viên Hội đồng EPR Quốc gia, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cũng tham gia trong công tác tham vấn, phản biện chính sách xây dựng chính sách và cơ chế trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất, nhập khẩu và tham gia ý kiến, kiến nghị về lĩnh vực môi trường, tái chế khác.

 Nhiều khách mời đến tham dự lễ Kỷ niệm 3 năm thành lập Hiệp Hội Tái Chế Chất Thải Việt Nam.

Nhiều khách mời đến tham dự lễ Kỷ niệm 3 năm thành lập Hiệp Hội Tái Chế Chất Thải Việt Nam.

Một số hội thảo trọng điểm bao gồm hội thảo "Các chính sách và giải pháp giảm thiểu ô nhiễm chất thải hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam", diễn ra tại Triển lãm và Hội thảo VietWater & WETV vào tháng 10 năm 2023. Hiệp hội cũng đã đồng hành tổ chức các triển lãm quan trọng như TEXFUTURE - Triển lãm quốc tế đầu tiên về tái chế vải và nguyên vật liệu may mặc bền vững tại Việt Nam vào tháng 9/2023 và tháng 3/2024, cùng nhiều triển lãm khác trong ngành sữa, nội thất, thời trang, và ô tô.

Ngoài hoạt động chuyên môn, Hiệp hội còn thúc đẩy các hoạt động cộng đồng và khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch. Hiệp hội đã tham gia làm giám khảo cho một số giải thưởng doanh nghiệp xanh và cuộc thi giải pháp môi trường.

Đặc biệt, chương trình “Văn hóa Tái chế học đường” năm học 2023-2024 đã được Hiệp hội khởi động với sự đồng hành của Unilever Việt Nam và nhiều tổ chức khác. Chương trình đã diễn ra sôi nổi tại 10 trường học ở Quận 7 và Quận 8 - TP.HCM, thu hút hơn 10.000 học sinh tham gia. Các em đã trình bày hơn 1.000 sản phẩm sáng tạo, và Hiệp hội đã trao hơn 3.000 phần quà, thu về hơn 2 tấn chất thải tái chế tại sự kiện.

Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã có một năm hoạt động hết sức hiệu quả. Những thành tựu đạt được đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của tái chế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam.

Cơ hội đầu tư, xúc tiến thương mại trong ngành Tái chế, xử lý chất thải tại Việt Nam

Trong khuôn khổ chương trình, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã tổ chức một loạt các diễn đàn, tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế. Đây là cơ hội để các bên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và thảo luận về những vấn đề cấp bách liên quan đến ngành tái chế, từ đó tìm ra những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

 Các đại biểu tặng hoa nhân lễ kỷ niệm.

Các đại biểu tặng hoa nhân lễ kỷ niệm.

Các diễn giả đến từ Văn phòng EPR Quốc gia, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đã mang đến những thông tin hữu ích và những góc nhìn đa chiều về ngành tái chế. Đại diện Văn phòng EPR Quốc gia đã làm rõ vai trò quan trọng của các doanh nghiệp tái chế trong việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Trong khi đó, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã giới thiệu những cơ chế hỗ trợ tài chính hấp dẫn dành cho các dự án tái chế. Đặc biệt, bà Phan Thị Tùng Chi, đại diện GIZ đã đặt ra câu hỏi liệu Việt Nam có thể trở thành một trung tâm tái chế dệt may lớn trong khu vực hay không, mở ra những hướng đi mới cho ngành công nghiệp này.

Chương trình đã tạo ra một diễn đàn sôi động, nơi các doanh nghiệp, nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Những thông tin được chia sẻ tại các buổi tọa đàm sẽ góp phần định hình chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Tại buổi lễ, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cho biết thị trường tái chế ở Việt Nam nhìn chung còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ tái chế chất thải mới chỉ đạt khoảng 10%. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có công nghệ tái chế phù hợp, chưa có các cụm công nghiệp, khu công nghiệp tái chế đúng nghĩa; công tác phân loại nguồn cũng chưa đồng bộ… Nếu khắc phục được các nguyên nhân này thì tiềm năng tái chế chất thải ở Việt Nam là rất lớn, mang lại nguồn tài nguyên quý giá.

 Ông Trần Việt Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM; Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức phát biểu tại sự kiện.

Ông Trần Việt Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM; Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức phát biểu tại sự kiện.

Có thể khẳng định rằng, các hoạt động của Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành tái chế tại Việt Nam. Thông qua những chương trình như thế này, chúng ta có thể tin tưởng rằng tương lai, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có nền kinh tế tuần hoàn phát triển mạnh mẽ.

Uy Đạt - Hương Liễu

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-ky-niem-3-nam-thanh-lap-hiep-hoi-tai-che-viet-nam-91489.html