Phát huy tính cộng đồng ở hợp tác xã

Có HTX sẵn sàng dành vốn của đơn vị để làm đường cho người dân đi; cũng có HTX tự đầu tư tiền ổn định dòng chảy khi mưa lũ đến để những héc ta lúa sắp thu hoạch của bà con không bị ngập trong nước… Nhờ bản chất vì cộng đồng này mà HTX nhận được sự đồng hành của chính quyền các cấp và các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Xuân Tây 1 thuê máy xúc ổn định bờ mương, giúp nhiều diện tích lúa không bị ngập úng do mưa lớn bất thường. Ảnh: CTV

HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Xuân Tây 1 thuê máy xúc ổn định bờ mương, giúp nhiều diện tích lúa không bị ngập úng do mưa lớn bất thường. Ảnh: CTV

Truyền thống từ xưa đến nay

Ông Nguyễn Ngọc Linh, nguyên Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú (huyện Tây Hòa) chia sẻ: Năm 2009, tôi chuyển công tác từ Công an xã Hòa Phú về làm Chủ nhiệm HTX (nay là giám đốc HTX). HTX lúc đó âm vốn, các hoạt động hỗ trợ sản xuất không duy trì được nên người dân mất dần niềm tin. Đang không biết phải bắt đầu từ đâu thì năm đó cầu Ông Bốn gãy đổ. Đây là cây cầu giúp bà con rút ngắn quãng đường từ 1km xuống còn hơn chục mét đi ra vùng sản xuất lúa 2 vụ khoảng 40ha.

Không nghĩ gì nhiều, tôi huy động tất cả thành viên ban giám đốc HTX góp công, góp sức và tận dụng mối quan hệ của cá nhân để hỗ trợ xây cầu. Cầu làm xong hết khoảng 30 triệu đồng mà không nhận bất kỳ sự đóng góp nào của bà con. Bà con dần cảm nhận được cái tình và trách nhiệm của ban giám đốc HTX với cộng đồng nên đã dần tin tưởng HTX. Người dân từ chỗ không đóng phí dịch vụ (thủy lợi phí, phí nội đồng…) thì vụ hè thu năm đó trên 60% đã đồng thuận đóng.

Tiếp nối truyền thống vì cộng đồng, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú hôm nay cũng sẵn sàng vì lợi ích của các hộ trồng rừng quy mô nhỏ mà viết đơn tình nguyện tham gia Dự án hỗ trợ các hộ trồng rừng quy mô nhỏ hướng tới chứng chỉ rừng tại Việt Nam. Ông Võ Văn Dị, Giám đốc HTX này cho biết: 29 hộ thành viên HTX được đăng ký tham gia cấp chứng chỉ rừng FSC trên diện tích hơn 103ha. Quan trọng hơn là những người trồng rừng trong xã được tiếp cận với kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, hiểu được giá trị của chứng chỉ rừng.

Vụ hè thu năm 2022, hàng trăm héc ta lúa của bà con ở phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa) chuẩn bị thu hoạch thì gặp mưa lớn bất thường. Mương đất tưới tiêu thấm nước lâu ngày bị vỡ từng mảng trôi theo dòng nước. Nếu cứ để vậy thì 315ha lúa của bà con sẽ bị ngập trong nước. Để tránh tối đa thiệt hại, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Xuân Tây 1 sử dụng kinh phí của đơn vị thuê máy xúc kiên cố lại kênh mương. Theo ông Huỳnh Văn Bảo, Giám đốc HTX này, HTX còn khoảng 70km kênh mương tưới tiêu chủ yếu là mương đất, mưa bình thường thì không sao, nếu gặp thời tiết bất thường dễ bị vỡ tràn nước vào ruộng.

Để khắc phục điều này, HTX luôn phải bám sát địa bàn nhất là vào mùa mưa. Hễ có bất kỳ yếu tố bất thường nào là phải xử lý ngay để đảm bảo ổn định sản xuất cho người dân. Nguồn kinh phí cho công tác kênh mương nội đồng từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa từ người dân chủ yếu chi cho các hoạt động “cứng” hằng năm, những phần việc phát sinh như vỡ, xói mòn mương…, HTX phải tự trích kinh phí thực hiện.

Kinh tế tập thể tham gia các dự án vì cộng đồng

Năm 2009, Nhật Bản tài trợ Dự án phát triển làng nghề thuộc chương trình tín dụng chuyên ngành. UBND tỉnh đã giao Liên minh HTX tỉnh triển khai. Ông Lê Luân, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhớ lại: Để phát triển nghề sản xuất thủ công sản phẩm làm từ bột gạo, đơn vị đã chọn 4 làng nghề sản xuất bánh tráng ở thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa), thôn Đông Bình (huyện Phú Hòa), thôn Bình Thạnh (TX Sông Cầu) và thôn Hòa Đa (huyện Tuy An). Người làm bánh được tổ chức thành nhóm vừa làm vừa học và rút kinh nghiệm trên mỗi sản phẩm; được hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, cách bán hàng, nắm bắt thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng…

Kết quả, từ sản phẩm bánh tráng trắng đơn điệu trong từng hộ dân, giờ nhiều loại bánh tráng ra đời như bánh tráng mè, bánh cốt dừa, bánh gia vị và cả bánh phở. Đến năm 2012, nhãn hiệu tập thể Bánh tráng Phú Yên chính thức ra đời, tạo cơ hội để bánh tráng truyền thống có mặt trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng… Dần dần, nhiều làng bánh tráng nâng cấp hoạt động bằng cách đầu tư máy móc chế biến, nhà xưởng, xây dựng thương hiệu riêng và quy tụ được ngày càng nhiều lao động địa phương tham gia phát triển nghề truyền thống.

Theo Liên minh HTX tỉnh, từ năm 2009-2012, thông qua kênh của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh đã hợp tác với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) trong Dự án hỗ trợ đào tạo nghề định hướng theo thị trường lao động. Từ đây, nhiều thành viên HTX được tiếp cận nghề làm nhang, nghề cắt tỉa, tạo dáng cây cảnh…

Cán bộ HTX được nâng cao trình độ kiểm toán nội bộ. Còn từ năm 2017 đến nay, hợp tác với Cơ quan Nông nghiệp Phần Lan về phát triển lương thực và lâm nghiệp (FFD), Liên minh HTX tỉnh giúp 134 chủ rừng được học kỹ thuật lâm sinh và hơn 667ha có cơ hội sở hữu chứng chỉ rừng FSC, làm tiền đề để gỗ rừng trồng của bà con được xuất khẩu theo đường chính ngạch.

HTX vì cộng đồng thịnh vượng là mục tiêu truyền thống của kinh tế tập thể. Đó là sự đồng hành với những cá nhân, tập thể yếu thế trong phát triển kinh tế hộ gia đình, duy trì và phát triển làng nghề, vùng sản xuất. Cũng chính bản chất vì cộng đồng đã giúp kinh tế tập thể thêm lớn mạnh với sự ra đời của các tổ hợp tác, HTX tại các khu vực dân cư, tồn tại ở mọi phạm vi từ thôn, xã đến toàn tỉnh và tham gia vào các lĩnh vực từ nông nghiệp đến dịch vụ, thương mại…

Ông Lê Quang Hiệp, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/320067/phat-huy-tinh-cong-dong-o-hop-tac-xa.html