Phát huy tính công khai, dân chủ

Các tư liệu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy, Người đã chỉ rõ các nguyên tắc đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là phải tin vào dân, dựa vào dân, vì lợi ích của dân để đoàn kết toàn dân.

Phát động các phong trào thi đua yêu nước; đoàn kết lâu dài, rộng rãi, chặt chẽ, tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; đoàn kết trên cơ sở hiệp thương dân chủ, chân thành, thẳng thắn, thân ái, đoàn kết gắn với đấu tranh, tự phê bình, phê bình và đoàn kết trên cơ sở kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc.

Đi vào thực tiễn bằng nhiều giải pháp

Từ thực tiễn thời gian qua cũng cho thấy, việc học tập và làm theo gương Bác, hệ thống chính trị các cấp dường như gần dân hơn. Việc xây dựng phong cách làm việc trọng dân, gần dân, vì dân được chú trọng. Việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân đang được các cấp, các ngành thực thi bằng nhiều giải theo đúng tinh thần tư tưởng của Bác.

Như tại Hà Nội, chính quyền từ TP đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, giải quyết hiệu quả những vấn đề thiết thực đến đời sống của dân; quan tâm lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng của Nhân dân, kịp thời điều chỉnh những chủ trương, cách làm không phù hợp, nhất là những vấn đề đang được quan tâm như cải cách hành chính, quản lý đất đai, trật tự đô thị, GPMB… Việc này đã tạo ra sự đồng thuận cao trong Nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của chính quyền các cấp.

Để tiếp tục thực hiện các quan điểm, tư tưởng của Bác, Hà Nội cũng xác định đẩy mạnh hoạt động dân vận chính quyền với những giải pháp trọng tâm, đa dạng hóa nội dung, hình thức vận động, tập hợp quần chúng; phấn đấu theo phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”.

Đặc biệt, việc dân vận tốt, nắm chắc tình hình, dự báo một cách khoa học, chính xác, đã góp phần giải quyết kịp thời những vụ việc ngay từ cơ sở, tránh phát sinh thành “điểm nóng”. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết các vụ việc tồn đọng gây bức xúc trong Nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận, đưa chính quyền đến gần người dân, để mọi người cùng dốc sức, đồng lòng để thực hiện mục tiêu chung ở mỗi cấp chính quyền và tạo thành khối đoàn kết toàn dân.

Tăng tính tương tác

Để tăng tính tương tác giữa chính quyền và người dân, việc đối thoại, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân được chú trọng, số cuộc khiếu kiện đông người của người dân đã giảm xuống đáng kể, từ đó tạo ra sức mạnh đoàn kết giữa chính quyền và người dân. Các cuộc đối thoại giữa người dân và chính quyền định kỳ và đột xuất liên tục được tổ chức đã tránh việc “chính quyền xa dân”.

Ở cấp TP, lãnh đạo Thành ủy và UBND TP đã định kỳ tiếp xúc, đối thoại với đoàn viên, thanh niên, công nhân lao động và đại diện nông dân ở các điểm cầu các xã, phường. Ðối với cấp huyện, cấp xã, mỗi năm đã tổ chức hàng trăm hội nghị đối thoại định kỳ, đột xuất, qua đó giải đáp, tháo gỡ và giải quyết nhiều vấn đề dân sinh người dân, doanh nghiệp đang quan tâm.

Các buổi đối thoại giữa lãnh đạo và người dân được chú trọng, từng kiến nghị của người dân được xem xét, xử lý đã tạo đồng thuận từ cơ sở, giúp người dân tin tưởng vào chính quyền hơn. TP cũng liên tục có văn bản, chỉ đạo yêu cầu thực hiện tốt việc tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý kiến xây dựng của Nhân dân về công tác quản lý, điều hành, thái độ và phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức...

Đồng thời, để tiếp nhận những phản ánh để đề xuất bổ sung vào hệ thống pháp luật, để đặt chính sách cho đúng, TP thông qua kênh Zalo hình thành nền tảng ứng dụng mạng xã hội “Công dân Thủ đô số”. Qua đó giúp người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với các cấp chính quyền thành phố trên môi trường số nhanh chóng, kịp thời theo thời gian thực. Qua đó, thúc đẩy hơn mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước từ TP đến cơ sở.

Tại không ít đơn vị tại Hà Nội, đã có những mô hình sáng tạo để kết nối giữa Đảng, chính quyền và người dân đã được thực thi như phân công cán bộ phụ trách địa bàn, sinh hoạt Đảng cùng chi bộ cơ sở… Đây cũng là cơ hội để người có thẩm quyền tuyên truyền chủ trương, chính sách, phòng ngừa từ xa các vướng mắc, mâu thuẫn, điểm nóng trong dân.

Trong những năm qua, chính việc chọn đúng trọng tâm, rõ người, rõ việc, giúp việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều mô hình tạo nên sức lan tỏa rộng khắp, góp phần xây dựng phong cách, tác phong công tác, bảo đảm gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với dân; chống bệnh thành tích, hình thức.

Đồng thời, Phát huy tính công khai, dân chủ; thúc đẩy, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền đối với việc giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, nổi cộm, hạn chế, yếu kém ở mỗi lĩnh vực, địa phương....

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-huy-tinh-cong-khai-dan-chu.html