Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên mới

Cách đây 71 năm, vào ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' của quân và dân Việt Nam; là mốc son chói lọi, mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại.

Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Hơn 70 năm về trước, với ý chí sắt đá của một dân tộc anh hùng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, quân và dân ta đã quyết tâm triển khai thực hiện chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn của địch, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, tập trung đại bộ phận lực lượng chủ lực, thiện chiến cho chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm chỉ huy trưởng mặt trận. Cả nước tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra làm 3 đợt, trong gần 2 tháng. Với sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với ý chí kiên cường, mưu trí, dũng cảm của một dân tộc anh hùng, quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường, “đánh chắc”, “tiến chắc”, đập tan các tuyến phòng thủ ở các hướng, cô lập hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Quân Pháp suy sụp hoàn toàn, đúng 17 giờ 30 ngày 7/5/1954, tướng De Castries và toàn bộ Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng, bị bắt sống.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tặng quà cho cán bộ lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: QUỐC KHA

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tặng quà cho cán bộ lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: QUỐC KHA

Sau 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Đó là bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam bất khuất, là mốc son lịch sử chói lọi, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tạo cơ sở quyết định việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời chấm dứt đô hộ của thực dân Pháp ở 3 nước Đông Dương, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.

Có thể khẳng định rằng, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của chính nghĩa, của một dân tộc Việt Nam anh hùng, chiến thắng của sự đoàn kết “quân với dân một ý chí”. Chiến thắng đó được kết tinh bởi truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của các giai cấp, giai tầng, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam yêu nước mang trong mình “máu đỏ, da vàng” và hai tiếng thiêng liêng “Tổ quốc” Việt Nam.

Vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn tỏa sáng. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau, những bài học lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị.

Sau 50 năm thống nhất đất nước, và sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, nước ta đã trở thành nước đang phát triển và hội nhập sâu, rộng với thế giới. Quy mô nền kinh tế xếp thứ 35 trên thế giới, đứng thứ 5 trong ASEAN, GDP bình quân đầu người đạt 4.323 USD, gấp 58 lần sau 3 thập kỷ. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước thu hút FDI lớn nhất thế giới, với 38,23 tỷ USD.

Diện mạo đô thị Sóc Trăng ngày càng phát triển. Ảnh: CHÍ BẢO

Diện mạo đô thị Sóc Trăng ngày càng phát triển. Ảnh: CHÍ BẢO

Cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cả nước, phát huy ý chí “quyết chiến, quyết thắng” của chiến thắng Điện Biên Phủ, trong suốt chặng đường cách mạng vừa qua, đặc biệt là 33 năm qua kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, quân và dân Sóc Trăng luôn chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên giành được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh... xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp, đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao.

Phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đã khẳng định, trải qua 33 năm, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thể hiện qua một số kết quả nổi bật là: kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,07%, đạt mức tăng trưởng khá cao trong các giai đoạn 2011 - 2015, 2016 - 2020; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 1993 - 2024 đạt trên 8,56%. Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2024 đạt 80.147 tỷ đồng, tăng 53,3 lần và GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 66,5 triệu đồng, tăng 35 lần so với năm 1992. Các ngành kinh tế phát triển một cách nhanh chóng, nuôi trồng, khai thác, chế biến trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư. Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia, của tỉnh được triển khai thực hiện, tạo không gian phát triển mới, như: Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Dự án cầu Đại Ngãi trên tuyến Quốc lộ 60,… Các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, năng lượng được triển khai, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hệ thống đô thị tăng về số lượng và chất lượng. Đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân năm 2024 là 1%, trong đó, hộ nghèo Khmer là 2%).

Công tác đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng và tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, chăm lo các gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội... luôn được quan tâm thực hiện. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh đã huy động các nguồn lực, phấn đấu xây dựng hoàn thành 8.673 căn nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng chính sách trước ngày 30/6/2025.

Năm 2025 là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là năm cuối của nhiệm kỳ đại hội đảng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên; tiến hành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; đặc biệt là cả nước đã và đang triển khai khẩn trương, quyết liệt cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn cho biết, về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, đây là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển đất nước lâu dài, là một cuộc cách mạng. Việc sáp nhập tỉnh nhằm tạo ra những động năng mới, tiềm năng mới, không gian phát triển mới, tạo lợi thế so sánh và dư địa phát triển cho các đơn vị hành chính mới. Trong đó, Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng được Trung ương xác định là trở thành thành phố mới có thế “Kiềng ba chân” vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng và giàu có.

CHÍ BẢO

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/202505/phat-huy-tinh-than-chien-thang-dien-bien-phu-xay-dung-que-huong-dat-nuoc-phon-vinh-hanh-phuc-trong-ky-nguyen-moi-ff03b8a/