Phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh

Nông dân là lực lượng lao động chiếm tỉ lệ 69,9% lao động trong toàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền, các cấp hội nông dân trên toàn tỉnh đã huy động nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất- kinh doanh (SX-KD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

HÀ SỸ ĐỒNG, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị

Phong trào thi đua SX-KD giỏi trong hội viên nông dân có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn. Phong trào SX-KD giỏi đã lan tỏa đến địa bàn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế, môi trường đã hướng dẫn hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã thúc đẩy phát triển KT-XH ở các địa phương. Bình quân hằng năm có trên 53.000 hộ/80.880 số hộ nông dân đăng ký danh hiệu nông dân SX-KD giỏi. Điều quan trọng là mức thu nhập bình quân hằng năm của hộ SX-KD giỏi đạt từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng có trên 10.000 hộ/năm; thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng có trên 2.000 hộ/năm; thu nhập từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng có trên 600 hộ/năm; thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng có trên 160 hộ/ năm; thu nhập trên 1 tỉ đồng là trên 40 hộ/năm.

Phong trào nông dân SX-KD giỏi đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập góp phần tích cực giảm nghèo bền vững cho nông dân. Khuyến khích, động viên các hộ nông dân SX-KD giỏi phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo về vốn, giống, ngày công lao động, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, cách sản xuất hiệu quả.

Đến nay, các hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp đã giúp trên 2.600 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, máy móc, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động. Các hộ nông dân SX-KD giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hơn 5.150 lao động, trong đó có trên 3.000 lao động có việc làm thường xuyên, hơn 2.000 lao động có việc làm theo mùa vụ và các công việc phụ trợ khác.

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu được Đảng, Nhà nước và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh và các cấp hội khen thưởng, biểu dương, tôn vinh nông dân đạt danh hiệu SX-KD giỏi của hội. Trong 3 năm qua, có 2 hội viên được Trung ương Hội tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021, 2022”; tôn vinh 1 Nhà khoa học của nhà nông và 4 hộ được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen tại Hội nghị biểu dương hộ sản xuất giỏi toàn quốc giai đoạn 2017-2022.

Những tấm gương nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, năng động, sáng tạo, có ý chí tự lực, tự cường, không cam chịu đói nghèo vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, qua đó đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn, xây dựng tổ chức hội nông dân ngày càng vững mạnh. Nhiều nông dân SX-KD giỏi đã trở thành hạt nhân đoàn kết và nhân tố hòa giải có uy tín trong cộng đồng cư dân nông thôn, tích cực tham gia công tác xã hội và tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chăm sóc vườn ươm cà gai leo - Ảnh: N.K

Chăm sóc vườn ươm cà gai leo - Ảnh: N.K

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới các cấp hội nông dân trên toàn tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân SX-KD giỏi. Trong đó, cần tập trung triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

- Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SX-KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Tạo động lực, ý chí, quyết tâm cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu bền vững.

- Gắn phong trào nông dân thi đua SX-KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững với phong trào xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

- Đa dạng hóa các hình thức chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến hội viên, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao kỹ năng lao động, liên kết mở rộng quy mô sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn có sức cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của thị trường.

- Khai thác nguồn lực, tích cực, chủ động phối hợp, liên kết 6 nhà: nhà nông, nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối để hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn SX-KD nông nghiệp với du lịch, giảm nghèo bền vững.

- Vận động nông dân liên kết với nhau để tập trung ruộng đất, nâng quy mô sản xuất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, phát triển các mô hình trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã; hướng dẫn ngư dân xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản và tham gia phát triển kinh tế biển. Từ đó phát huy lợi thế từng vùng, từng địa phương, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa. Tập trung các nguồn lực để phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.

- Phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án, quỹ hỗ trợ nông dân, các nguồn lực khai thác khác, hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp, tạo tiềm năng, lợi thế của từng vùng sinh thái để phát triển phong trào.

Thu hoạch tiêu - Ảnh: N.K

Thu hoạch tiêu - Ảnh: N.K

- Tổ chức thành lập câu lạc bộ nông dân SX-KD giỏi ở các cấp hội. Thông qua việc tổ chức sinh hoạt tạo điều kiện cho nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, thông tin thị trường nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết đạt hiệu quả kinh tế cao.

- Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, quảng bá sản phẩm cho nông dân thông qua việc làm cầu nối liên kết hợp tác, giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân yếu tố đầu vào và đầu ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua hợp đồng hợp tác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân.

- Tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, đẩy mạnh phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân, chủ động đề xuất với cấp ủy và chính quyền địa phương cấp vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp; đồng thời thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT…để hội viên nông dân được tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tạo điều kiện cho các hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi vay vốn mở rộng đầu tư SX-KD. Nhằm đẩy mạnh “Phong trào nông dân thi đua SX-KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với “Nông dân Quảng Trị chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Ngày thứ 7 tình nguyện vì nông thôn mới”, xây dựng người nông dân mới, có bản lĩnh chính trị đóng vai trò làm chủ trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

- Vận động nông dân SX-KD giỏi chia sẻ cùng cộng đồng ở địa phương về cách thức, kinh nghiệm trong hoạt động SX-KD đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời có biện pháp cụ thể giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tổ chức tổng kết thực tiễn, đánh giá các mô hình giảm nghèo do hội nông dân các cấp hướng dẫn giúp đỡ, hỗ trợ hội viên, nông dân.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác tổ chức chỉ đạo phong trào trong các cấp hội. Định kỳ tổ chức sơ kết giữa giai đoạn và tổng kết giai đoạn nhằm đánh giá, biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong phong trào.

Để phong trào ngày càng phát triển, bền vững toàn thể cán bộ, hội viên nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, phát huy nội lực đẩy mạnh phát triển SX-KD. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành trong việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển SX-KD bằng cơ chế, chính sách, những hành động cụ thể để giúp hội viên, nông dân tích cực thi đua làm giàu cho gia đình, cho xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/phat-huy-tinh-than-doan-ket-doi-moi-sang-tao-day-manh-phong-trao-san-xuat-kinh-doanh/178514.htm