Phát huy tối đa tiềm năng, không bỏ lỡ cơ hội phát triển

Kỳ họp thứ Sáu có khối lượng công việc vô cùng lớn, nhiều việc hệ trọng và khó, tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội đều tin tưởng, Kỳ họp sẽ thành công tốt đẹp và quan trọng nhất là sẽ có những quyết sách tốt giúp đất nước phát huy tối đa các tiềm năng, không bỏ lỡ cơ hội phát triển trong tình hình thế giới phức tạp, khó lường như hiện nay.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh: Công tâm, khách quan, công bằng trong lấy phiếu tín nhiệm

Một nội dung quan trọng được cử tri hết sức quan tâm tại Kỳ họp thứ Sáu là việc Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cử tri và Nhân dân đặt yêu cầu và tin tưởng vào sự công tâm, khách quan, công bằng, toàn diện của từng đại biểu Quốc hội khi thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, từ đó, đánh giá chính xác mức độ tín nhiệm đối với từng chức danh. Việc đánh giá này cũng không chỉ đánh giá đối với cá nhân của người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn mà còn là đánh giá đối với cả ngành, lĩnh vực mà cá nhân đó đứng đầu, quản lý, phụ trách.

Kỳ họp thứ Sáu là Kỳ họp giữa nhiệm kỳ với khối lượng công việc vô cùng lớn, nhiều việc hệ trọng và khó. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng Kỳ họp sẽ hoàn thành được chương trình nghị sự theo đúng tiến độ đề ra và quan trọng nhất là có những quyết sách tốt, theo kịp tình hình, giúp đất nước tranh thủ và phát huy tối đa các cơ hội, tiềm năng phát triển, hạn chế thấp nhất những rủi ro, nguy cơ, không bỏ lỡ cơ hội trong tình hình thế giới phức tạp, khó lường như hiện nay.

Với sự điều hành của Lãnh đạo Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tinh thần trách nhiệm cao của mỗi đại biểu Quốc hội, tôi tin tưởng Kỳ họp sẽ thành công tốt đẹp, đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng và yêu cầu của cử tri, Nhân dân cả nước, tạo được những chuyển biến tích cực, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ phát triển đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

ĐBQH Đinh Ngọc Quý (Gia Lai): Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Mỗi đại biểu Quốc hội khi tham dự Kỳ họp Quốc hội đều mang những tâm tư, nguyện vọng của những vùng miền khác nhau và các cử tri, nhưng mong ước, nguyện vọng lớn nhất, chung nhất vẫn là làm sao để đất nước phát triển, kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân, người lao động được nâng lên. Để đạt được mục tiêu này thì luật pháp, chính sách phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển, củng cố lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước.

Kỳ họp thứ Sáu diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội nước ta và các nước tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Qua tiếp xúc cử tri và đi khảo sát thực tế ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số, có thể thấy vẫn còn những điều người dân và cử tri băn khoăn. Đó là, đời sống của người nghèo, của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vẫn khó khăn trong khi việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia còn không ít vướng mắc.

Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực tháo gỡ, Quốc hội đã chủ động, tích cực giám sát, đồng hành, thúc đẩy việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia nhưng để triển khai hiệu quả được ở cơ sở thì vẫn đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn hơn nữa từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền cơ sở và cả người dân. Do đó, tôi rất mong rằng, tại Kỳ họp này, sau khi tiến hành giám sát tối cao về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội sẽ có những quyết sách phù hợp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để thực sự thúc đẩy được việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cả về tiến độ và chất lượng, hiệu quả của từng chương trình, từng dự án, hạng mục thành phần, từ đó hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và nâng cao đời sống của người dân.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre): Phát triển nhà lưu trú công nhân cả trong và ngoài khu công nghiệp

Tại Kỳ họp thứ Sáu, tôi dành sự quan tâm đến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có vấn đề Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nên là chủ đầu tư nhà lưu trú công nhân hay không? Đây là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tôi cho rằng, nếu giữ quy định này thì cần xây dựng đề án cụ thể báo cáo Quốc hội, xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả thì quy định trong luật.

Trong lần sửa đổi này, tôi cũng đề nghị, có thể phát triển nhà lưu trú công nhân ở cả trong và ngoài khu công nghiệp. Bởi, mục đích chính của việc xây dựng nhà lưu trú công nhân là để tạo điều kiện về chỗ ở cho công nhân để công nhân an tâm làm việc, bảo đảm điều kiện cho công nhân có một cuộc sống và nơi ở phù hợp với thu nhập. Qua đó, giữ chân người lao động ổn định cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho người lao động có thu nhập thấp. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 06 –NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian thực hiện các thủ tục đồng bộ với khu công nghiệp, không phải lo về yếu tố môi trường, bởi vì các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải chung. Về an ninh trật tự thì ít phức tạp hơn ở ngoài khu công nghiệp, vì đều có hàng rào, lối đi riêng.

T. Chi - H. Ngọc - T. Thành ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/phat-huy-toi-da-tiem-nang-khong-bo-lo-co-hoi-phat-trien-i347226/