Phát huy truyền thống cách mạng, vững bước đưa Mai Sơn phát triển xanh, nhanh và bền vững

Trần Đắc Thắng

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư huyện ủy Mai Sơn

Lãnh đạo huyện Mai Sơn tặng Giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Lãnh đạo huyện Mai Sơn tặng Giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Ảnh: PV

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Mai Sơn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt các mặt công tác, hoàn thành và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, từng bước xây dựng Mai Sơn trở thành huyện phát triển của tỉnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước trên 21.166 tỷ đồng, trong đó năm 2020 ước là 5.000 tỷ đồng (tăng 58% so với năm 2015). Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 39,5 triệu đồng (tăng 64,5% so với năm 2015); cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng: Công nghiệp - xây dựng tăng từ 35,4% lên 37,2%; dịch vụ - du lịch tăng từ 34,5% lên 35,9%, nông lâm nghiệp giảm từ 30% xuống 26,9%.

Những vùng chuyên canh cây ăn quả của Mai Sơn.

Những vùng chuyên canh cây ăn quả của Mai Sơn.

Ảnh: Nguyễn Yến

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng đem lại hiệu quả cao, đã chuyển 8.490 ha cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây ăn quả gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Đến nay, toàn huyện có trên 9.343 ha cây ăn quả các loại, tăng gần 8.000 ha so với năm 2015, ước thực hiện đến hết năm 2020, toàn huyện có khoảng 9.900 ha cây ăn quả, sản lượng quả ước đạt 41.500 tấn, trong đó, 3.000 ha ứng dụng công nghệ cao, gần 800 ha áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, 379 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Nhiều mô hình hiệu quả như: Nhãn chín muộn, xoài da xanh, thanh long ruột đỏ, na hoàng hậu, nấm linh chi, rau an toàn, trong đó sản phẩm Na Mai Sơn được cấp chứng nhận thương hiệu sản phẩm của địa phương và một số sản phẩm quả đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận của tỉnh như: Xoài, thanh long, chanh leo... nhiều diện tích cây ăn quả cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi phát triển ổn định, bước đầu hình thành các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục mở rộng cả về quy mô, số lượng, giá trị sản phẩm được nâng lên. Từ năm 2015 đến nay, thu hút đầu tư 48 dự án, tạo thêm việc làm cho hơn 10 nghìn lao động địa phương. Giá trị sản xuất tăng bình quân 11,3%/năm. Một số sản phẩm công nghiệp ổn định như: Xi măng, đường kết tinh, tinh bột sắn, gạch, đá các loại... Các thành phần kinh tế phát triển đa đạng, trên địa bàn huyện hiện có 300 doanh nghiệp, 133 HTX, 250 tổ hợp tác và hơn 2.000 hộ sản xuất, kinh doanh (tăng 150 doanh nghiệp, 98 HTX, 50 tổ hợp tác và 300 hộ sản xuất, kinh doanh so với năm 2015), tạo thêm hàng chục nghìn việc làm cho người lao động, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển.

Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm được quan tâm, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu vào thị trường các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Australia... Các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh. Khai thác, phát huy các tiềm năng của huyện để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, hạ tầng giao thông thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lễ hội, tìm hiểu lịch sử truyền thống, tham quan, trải nghiệm.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được quan tâm, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường hàng năm đạt 97-98%; chất lượng giáo dục được nâng lên. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường về số lượng và nâng cao trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển đa dạng, phong phú. Công tác xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội thực hiện tốt. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, có nhiều cách làm hay, sáng tạo đem lại hiệu quả cao, đến nay toàn huyện đã có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX 2 xã), phấn đấu hết năm 2020 toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trong xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, trọng tâm là việc quán triệt, học tập, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, tạo sự chuyển biến tích cực về phong cách, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Công tác xây dựng phát triển Đảng luôn được quan tâm cả về chất lượng và số lượng, đặc biệt đối với những địa bàn đặc biệt khó khăn, địa bàn vùng cao biên giới. Đến nay, 100% bản, tiểu khu, trạm y tế, trường học đã có đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng luôn được quan tâm chú trọng. Công tác dân vận tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân.

Mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025 là: Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết các dân tộc; khai thác tiềm năng, lợi thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng huyện Mai Sơn phát triển xanh, nhanh và bền vững. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, Đảng bộ tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng kinh tế: Vùng kinh tế dọc Quốc lộ 6, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, hình thành vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh gắn với các cơ sở công nghiệp chế biến, đẩy mạnh phát triển đô thị, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Vùng kinh tế dọc sông Đà đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Vùng cao, biên giới tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Đến năm 2025 duy trì ổn định 11.500 ha cây ăn quả các loại, trong đó, ứng dụng công nghệ cao 5.400 ha, sản xuất theo hướng hữu cơ 2.700 ha. Tiếp tục thu hút đầu tư các dự án công nghiệp theo quy hoạch, khai thác hiệu quả Khu công nghiệp Mai Sơn, các cơ sở sản xuất và chế biến công nghiệp trên địa bàn; các dự án thương mại, dịch vụ như trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, các chuỗi cửa hàng tiện lợi; xây dựng chợ đầu mối, các trung tâm tập kết, bảo quản, trung chuyển nông sản, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, các khu dân cư đảm bảo đồng bộ theo quy hoạch.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn hóa, văn minh, phù hợp yêu cầu phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; làm tốt công tác xã hội hóa trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa,văn nghệ, thể thao; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học công nghệ cho người lao động, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tăng cường công tác nội chính, cải cách hành chính và công tác đối ngoại, tiếp tục củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ huyện ngày càng vững chắc. Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật. Thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông. Duy trì tốt các hoạt động đối ngoại với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động HĐND, UBND; tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

Mỗi nhiệm kỳ đại hội là một chặng đường, một mốc son đánh dấu sự trưởng thành, phát triển đi lên của Đảng bộ. Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mai Sơn tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được, phát huy truyền thống cách mạng, ý chí vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Một số hình ảnh phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh huyện Mai Sơn

Phóng sự ảnh: Nhóm Phóng viên

Khởi công xây dựng trụ sở cơ quan chính trị - hành chính huyện.

Khởi công xây dựng trụ sở cơ quan chính trị - hành chính huyện.

Các đại biểu cắt băng khởi hành lô xoài xuất khẩu sang Mỹ.

Các đại biểu cắt băng khởi hành lô xoài xuất khẩu sang Mỹ.

Trạm biến áp xã Mường Bằng - Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Trạm biến áp xã Mường Bằng - Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Ứng dụng robot tự động trong sản xuất tại nhà máy gạch Mường Bon.

Ứng dụng robot tự động trong sản xuất tại nhà máy gạch Mường Bon.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Công an Nà Ớt tuyên truyền pháp luật tới các hộ dân trong xã.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Công an Nà Ớt tuyên truyền pháp luật tới các hộ dân trong xã.

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-huy-truyen-thong-cach-mang-vung-buoc-dua-mai-son-phat-trien-xanh-nhanh-va-ben-vung-32957