Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Tổ chức nhà nước, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Cách đây 75 năm, trong cao trào Tổng khởi nghĩa tháng Tám giành chính quyền về tay Nhân dân, ngày 28/8/1945 theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do Đại hội đại biểu quốc dân họp tại Tân Trào bầu ra để chỉ đạo cuộc tổng khởi nghĩa đã được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ lâm thời gồm 13 bộ, trong đó có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy Nhà nước, bảo vệ chính quyền cách mạng. Như vậy, ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử, là ngày khai sinh của Bộ Nội vụ và đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

* HỒ NGỌC AN, Giám đốc Sở Nội vụ

Từ những ngày đầu mới thành lập, cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ gồm có: Văn phòng, Nha Thanh tra, Nha Công chức và Kế toán, Nha Pháp chế Hành chính và Nha Công an, với đội ngũ cán bộ, công chức ít ỏi nhưng đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ đã tham mưu và chuẩn bị nhiều văn bản, sắc lệnh về tổng tuyển cử, soạn thảo Hiến pháp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, thiết lập chế độ công chức mới... Các sắc lệnh, nghị định đó là cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc xây dựng nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cách mạng.

Đóng góp quan trọng nhất của Bộ Nội vụ trong thời kỳ này chính là đã khẩn trương xây dựng, củng cố, bảo vệ thành công và phát huy tối đa công năng của hệ thống chính quyền cách mạng trong việc phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, chống lại các thế lực thù trong, giặc ngoài. Chính thắng lợi to lớn này đã góp phần tạo nên cơ sở vững chắc cho sự phát triển của chính quyền dân chủ nhân dân trong các giai đoạn sau này.

Sau năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện, chấn chỉnh, tăng cường cơ quan dân cử địa phương, thực hiện bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp; xây dựng, theo dõi thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương; quản lý biên chế và bồi dưỡng cán bộ hành chính; xây dựng chế độ lương, trợ cấp xã hội ở khu vực hành chính, sự nghiệp; nghiên cứu theo dõi thực hiện quyền lập hội...Từ năm 1961 đến năm 1972, Bộ Nội vụ là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý công tác tổ chức và dân chính, có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng và kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Đến năm 1973, công tác tổ chức cán bộ được chuyển từ Bộ Nội vụ về Phủ Thủ tướng, Hội đồng Chính phủ đã thành lập Ban Tổ chức của Chính phủ, chịu trách nhiệm tham mưu về các nội dung quản lý công tác tổ chức; xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước trong tình hình mới. Sau chiến thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chức năng, nhiệm vụ của Ban Tổ chức của Chính phủ được bổ sung và hoàn thiện. Sau đó, Ban Tổ chức của Chính phủ được đổi tên thành Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ theo Nghị định 135/HĐBT ngày 7/5/1990 của Hội đồng Bộ trưởng. Năm 1992, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa IX đã quyết định Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ là cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Đến năm 2002, Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ được đổi tên thành Bộ Nội vụ theo Nghị quyết số 02/2002/NQ-QH11 ngày 5/8/2002 của Quốc hội.

 Qua hơn 15 năm thành lập, huyện đảo Cồn Cỏ ngày càng phát triển vững mạnh toàn diện, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương. Trong ảnh: Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ - Ảnh: PV

Qua hơn 15 năm thành lập, huyện đảo Cồn Cỏ ngày càng phát triển vững mạnh toàn diện, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương. Trong ảnh: Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ - Ảnh: PV

Năm 2007, sau khi sáp nhập Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ, Học viện Hành chính Quốc gia vào Bộ Nội vụ (năm 2011 chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ sang Bộ Quốc phòng), ngày 17/4/2008 Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2008/NĐCP ngày 17/4/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Theo đó, Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; cơ yếu, văn thư, lưu trữ nhà nước và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Tổ chức nhà nước đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Tổ chức nhà nước đối với đất nước, ngày 17/4/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg theo đó, Thủ tướng cho phép lấy ngày 28/8 hằng năm làm “Ngày truyền thống của ngành Tổ chức nhà nước”.

Cùng với sự trưởng thành và phát triển của ngành Nội vụ trong cả nước, ngành Nội vụ tỉnh Quảng Trị đã góp phần vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh ở địa phương.

Từ 1945 đến 1954, nhiệm vụ của công tác tổ chức trong giai đoạn này là tập trung tham mưu thiết lập bộ máy chính quyền các cấp của tỉnh, tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa I ở địa phương, xây dựng, đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến.

Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc, đất nước bị chia cắt, tỉnh Quảng Trị cũng bị chia cắt làm 2 miền tại vĩ tuyến 17. Chính phủ thành lập Đặc khu hành chính Vĩnh Linh cùng miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ở miền Nam, Nhân dân tiếp tục tiến hành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ngày 1/5/1972 Quảng Trị được giải phóng, hệ thống chính quyền cách mạng các cấp được thành lập từ xã đến tỉnh. UBND cách mạng lâm thời Quảng Trị có Quyết định số 474/QĐ ngày 20/6/1974 về việc thành lập Phòng Tổ chức thuộc UBND cách mạng lâm thời để chuyên trách về công tác tổ chức nhà nước. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 245/NQ-TW ngày 20/9/1975, theo đó tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập trên cơ sở hợp nhất các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Khu vực Vĩnh Linh, Ban Tổ chức thuộc UBND cách mạng Bình Trị Thiên được thành lập. Thời kỳ này Ban Tổ chức chính quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác tổ chức; xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước trong trong điều kiện, tình hình, nhiệm vụ mới.

Ngày 31/6/1989 Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Quảng Trị được thành lập theo Quyết định số 01/QĐ-UB ngày 10/7/1989, lúc đầu với 3 công chức của Ban Tổ chức Chính quyền và 3 giáo viên của Trường Hành chính từ tỉnh Bình Trị Thiên chuyển ra và sau đó một số đồng chí khác được điều từ các cơ quan, đơn vị khác bổ sung về tất cả chỉ 12 đồng chí. Ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh, công tác tổ chức nhà nước do Phòng Hành chính Tổng hợp hoặc Phòng Tổ chức cán bộ đảm nhận. Ở các huyện, thị xã trong tỉnh công tác tổ chức nhà nước do Phòng Tổ chức - Lao động - Xã hội đảm nhận.

Ngày 20/11/2003 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 248/2003/QĐ-TTg và ngày 19/12/2003 UBND tỉnh có Quyết định số 3025/2003/QĐ-UB về việc đổi tên Ban Tổ chức chính quyền tỉnh thành Sở Nội vụ. Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP của Chính phủ, tháng 5/2008, Ban Tôn giáo, Ban Thi đua khen thưởng, Trung tâm Lưu trữ tỉnh (nay là Trung tâm lưu trữ lịch sử) được sáp nhập về Sở Nội vụ. Năm 2011, Sở Nội vụ được giao thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Đến nay, Sở Nội vụ là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Cải cách hành chính; tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế, tổ chức phi chính phủ; cán bộ công chức, viên chức; xây dựng chính quyền; công tác thanh niên; thi đua, khen thưởng; quản lý nhà nước về tôn giáo; văn thư lưu trữ. Cơ cấu tổ chức gồm có 6 phòng và 3 đơn vị trực thuộc với 70 CBCC,VC. Ở các sở, ban, ngành, công tác nội vụ do văn phòng sở hoặc phòng tổ chức cán bộ đảm nhận; ở cấp huyện, Phòng Nội vụ được thành lập có chức năng tham mưu UBND cấp huyện quản lý nhà nước trên các lĩnh vực công tác nội vụ. Đội ngũ CBCC,VC làm công tác nội vụ ở các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố được củng cố kiện toàn, đến nay có 98 CBCC,VC.

Gắn liền với các giai đoạn lịch sử của đất nước, nhất là sau khi lập lại tỉnh (1/7/1989), ngành Tổ chức nhà nước Quảng Trị đã tích cực tham mưu lãnh đạo, chính quyền các cấp triển khai thực hiện có kết quả các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng lại quê hương. Từ năm 1990 - 1995, ngành Tổ chức nhà nước tập trung tham mưu trình Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh, thực hiện việc lập bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp theo Chỉ thị số 364/HĐBT. Từ năm 1995 - 2008, nổi bật là đã tham mưu thành lập mới 2 huyện (huyện Đakrông và huyện đảo Cồn Cỏ), mở rộng địa giới hành chính và thành lập thêm 2 phường thuộc thị xã Quảng Trị.

Từ năm 2008 đến nay với chức năng, nhiệm vụ của một sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, ngành Nội vụ đã nỗ lực, tập trung tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực nội vụ, góp phần quan trọng trong việc tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh trên địa bàn tỉnh. Thành tựu nổi bật thể hiện ở việc triển khai và đạt kết quả cao trong các mặt công tác: Cải cách hành chính nhà nước; tổ chức bộ máy, biên chế và tổ chức phi chính phủ; xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền, địa giới hành chính và công tác thanh niên; công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; công tác thi đua khen thưởng; công tác văn thư - lưu trữ...

Trải qua các thời kỳ lịch sử xây dựng và phát triển, ngành Nội vụ cả nước nói chung và ngành Nội vụ Quảng Trị nói riêng đã đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận những đóng góp của ngành Nội vụ nói chung và Sở Nội vụ nói riêng, ngành Nội vụ được Trung ương và các cấp chính quyền địa phương tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua, khen thưởng cao quý như Bằng khen, Cờ thi đua, Huân chương Lao động; đặc biệt năm 2009, tập thể Sở Nội vụ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2015 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 2019, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Sở Nội vụ.

Chặng đường vẻ vang 75 năm qua với những thành tựu quan trọng đã đạt được sẽ là động lực to lớn để CBCC,VC ngành Tổ chức nhà nước tỉnh Quảng Trị tiếp tục vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong giai đoạn cách mạng mới.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=151105