Phát huy truyền thống vẻ vang, khẳng định vai trò lãnh đạo - nhân tố quan trọng, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng tại Sơn La (*)
Ảnh: Phạm Đức
III. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 82 NĂM, ĐẢNG BỘ TỈNH SƠN LA PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN TỐT MỤC TIÊU “XÂY DỰNG TỈNH SƠN LA PHÁT TRIỂN XANH, NHANH, BỀN VỮNG”
Trải qua chặng đường hơn 80 năm xây dựng, phát triển, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh, góp phần cùng cả nước lập nên những thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục: Kinh tế tăng trưởng chưa thật sự bền vững; năng lực cạnh tranh chưa cao; thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa huy động được cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển; lĩnh vực văn hóa, xã hội còn những hạn chế, khuyết điểm cần được khắc phục; thực hiện xã hội hóa, nhất là về giáo dục còn chậm; chênh lệch về thu nhập giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn lớn; còn tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi; tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến và tiềm ẩn nguy cơ có thể gây phức tạp. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác nắm tình hình, hướng dẫn, kiểm tra cơ sở có lúc chưa thường xuyên, kịp thời; còn có tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, bị xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm hình sự...
Kế thừa, phát huy kết quả đạt được trong hơn 80 năm qua, khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững”, trong đó tập trung cao thực hiện hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
(1) Tăng cường xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận; tăng cường công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân. Tập trung giải quyết kịp thời, thỏa đáng và đúng quy định các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống nhân dân.
(2) Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục và đào tạo; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng trong tỉnh; ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố Sơn La. Tiếp tục xây dựng Sơn La trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào.
(3) Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ưu tiên và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm. Tập trung đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tuyến tránh thành phố Sơn La, Cảng hàng không Nà Sản và cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, hệ thống đường huyện, xã. Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng các cụm công nghiệp và Khu công nghiệp Mai Sơn; hình thành phát triển Khu công nghiệp Vân Hồ. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị; phát triển thành phố Sơn La theo định hướng đô thị loại I; phấn đấu xây dựng huyện Mộc Châu trở thành thị xã. Tập trung phát triển hạ tầng các điểm tái định cư thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình. Đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, viễn thông và công nghệ thông tin.
(4) Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác cải cách hành chính. Tập trung tháo gỡ khó khăn, rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và bình đẳng; cải thiện mạnh mẽ các chỉ số đo lường chất lượng phục vụ hành chính.
(5) Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Xây dựng và hình thành 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc; nghiên cứu lộ trình xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu về khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp tại huyện Mộc Châu. Tập trung nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhất là công nghệ quản lý vào các lĩnh vực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
(6) Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, phấn đấu đến năm 2025, được công nhận là Khu du lịch quốc gia, trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Định hướng xây dựng quy hoạch du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, kết nối phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào.
(7) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường; thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng rừng. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu; thực hiện kịp thời di dời, hỗ trợ đời sống và sản xuất cho người dân có nguy cơ và bị thiệt hại do thiên tai.
(8) Tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Sơn La và vùng Tây Bắc, xây dựng con người phát triển toàn diện. Lấy phát triển văn hóa, xây dựng con người làm yếu tố cốt lõi để phát triển kinh tế - xã hội. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện và chăm sóc, bảo vệ, nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo. Tập trung triển khai thực hiện các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Quốc hội và Chính phủ (Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ).
(9) Bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Xác định nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Tăng cường bảo đảm quốc phòng, quân sự địa phương; chú trọng công tác bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ an ninh nội bộ; thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Tăng cường công tác đối ngoại, trọng tâm là củng cố vững chắc quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, ổn định và phát triển toàn diện. Triển khai quy trình, thủ tục đề nghị nâng cấp cửa khẩu chính Lóng Sập, huyện Mộc Châu thành cửa khẩu quốc tế.
(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt