Phát huy vai trò các tổ công nghệ số cộng đồng
Từ giữa năm 2022, Thái Nguyên thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn tỉnh nhằm thúc đẩy chuyển đổi số. Sau 1 năm hoạt động, thành viên của các tổ chính là lực lượng nòng cốt đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân.
Từ giữa năm 2022, Thái Nguyên thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) trên toàn tỉnh nhằm thúc đẩy chuyển đổi số. Sau 1 năm hoạt động, thành viên của các tổ CNSCĐ chính là lực lượng nòng cốt ở cơ sở đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân.
Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Sở đã phối hợp với Tỉnh đoàn và UBND các huyện, thành đẩy mạnh hoạt động của tổ CNSCĐ thực hiện vai trò tiên phong, nòng cốt trong triển khai hỗ trợ người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số, gắn với tình hình thực tế của từng địa phương.
Thái Nguyên đã thành lập được 2.255 tổ CNSCĐ tại từng xóm, tổ dân phố với gần 15 nghìn thành viên. Các thành viên tổ CNSCĐ trực tiếp hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản, như: Định danh điện tử cá nhân; bảo hiểm xã hội; sổ sức khỏe điện tử; tài khoản mobile money; thực hiện dịch vụ công trực tuyến, qua đó tương tác với chính quyền, tham gia phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và từng bước trở thành công dân số.
Với phương châm “đơn giản - tự nhiên - thiết thực”, tổ CNSCĐ giúp người dân tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và tạo ra giá trị thiết thực đối với người dân.
Cụ thể, đối với các tiểu thương, hộ kinh doanh, tổ CNSCĐ tập trung hướng dẫn kỹ năng thanh toán trực tuyến, mua bán thông qua các sàn thương mại điện tử trước.
Đối với các gia đình có con trong độ tuổi đi học thì tập trung hướng dẫn kỹ năng thanh toán học phí trực tuyến, cách thức thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, cách cài đặt, sử dụng các ứng dụng học tập trực tuyến. Đối với người cao tuổi thì tập trung hướng dẫn cài đặt, sử dụng các ứng dụng tư vấn khám bệnh từ xa…
Khi người dân sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số để phục vụ nhu cầu tự nhiên thì hiệu quả mang lại bền vững, người dân thụ hưởng được những lợi ích, giá trị thiết thực do chuyển đổi số mang lại. Từ đó dễ dàng tiếp cận với những nội dung khác của quá trình chuyển đổi số.
Đối với nhiều thành viên tham gia tổ CNSCĐ, tuy là nhiệm vụ mới mẻ và không dễ tiếp cận, nhưng họ đều nỗ lực học hỏi với quyết tâm để giúp mọi người cùng thay đổi, bắt nhịp xu hướng số.
Ông Lý Văn Sinh, Trưởng xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng (Võ Nhai), thành viên Tổ CNSCĐ xóm Ba Nhất, cho biết: Mặc dù đã lớn tuổi nhưng tôi vẫn cố gắng học hỏi về công nghệ để hướng dẫn cho bà con, qua đó giúp bà con hiểu hơn về lợi ích của chuyển đổi số. Xóm hiện có 210 hộ, trong đó có 4 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo. Tôi đã cùng với những thành viên khác hướng dẫn bà con cài đặt các phần mềm để tra cứu lịch sử tiêm chủng COVID-19, phần mềm của bảo hiểm xã hội, đọc tin tức về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên trang thông tin điện tử của địa phương. Chúng tôi cũng tuyên truyền cho bà con hiểu về lợi ích của việc thanh toán tiền điện, tiền nước trên điện thoại, hay quảng bá các sản phẩm đặc sản của địa phương trên các sàn thương mại điện tử để bán hàng được nhiều hơn...
Với sự hỗ trợ của mạng lưới tổ CNSCĐ, nhận thức, kỹ năng số cơ bản của người dân đã cải thiện, góp phần đạt được những thành công trong chuyển đổi số. Đặc biệt là trong việc triển khai các nền tảng số tác động trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm của người dân.
Tính đến nay, ứng dụng Thái Nguyên ID đạt được 74.480 lượt cài đặt; 2.983 tài khoản eKYC, 605 hồ sơ việc làm; 9.598 tin thuê nhà; 8.702 tin tuyển dụng; 184 tin phản ánh hiện trường. Ứng dụng C-ThaiNguyen đã có trên 294.000 lượt tải; 104.537 lượt đăng ký tài khoản và đã tiếp nhận 2.398 phản ánh.
Cùng với đó, toàn tỉnh có gần 435.000 người sử dụng dịch vụ Mobile Money và phát triển được 107 chợ 4.0…
Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 có 70% số dân trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ thiết yếu khác trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân với hỗ trợ của các tổ CNSCĐ chính là cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu này.