Phát huy vai trò của các cơ sở giáo dục chuyên biệt với người khuyết tật

Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục chuyên biệt với người khuyết tật sẽ phát huy vai trò của loại hình này trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Bộ GD&ĐT đã chủ trì buổi tọa đàm.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Bộ GD&ĐT đã chủ trì buổi tọa đàm.

Các chính sách hiện có

Chiều 6/10, Thứ trưởng Ngô Thị Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Bộ GD&ĐT đã chủ trì tọa đàm tham vấn, xin ý kiến về một số nội dung chính của quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật (NKT) và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng dự có TS Trần Ngọc Nghị - Trưởng Phòng Phục hồi chức năng, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế; ông Trần Đức Huân - Chuyên viên cao cấp, Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tài nguyên và Môi trường; bà Vũ Thị Quỳnh Hương - Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; bà Nguyễn Thị Thu Hà đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của đông đảo chuyên gia đến từ nhiều bộ/ngành, đơn vị.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của đông đảo chuyên gia đến từ nhiều bộ/ngành, đơn vị.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định, theo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tính đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số, trong đó có 663 nghìn trẻ em khuyết tật từ 2-17 tuổi.

Bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng đối với NKT là một chủ trương được Đảng và Nhà nước quan tâm. Chủ trương này thể hiện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như: Hiến pháp 2013; Luật Giáo dục 2019, Đề án 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 về Chương trình hỗ trợ người khuyết tật và đặc biệt là Luật Người Khuyết tật 2010 cùng với một hệ thống văn bản quy định chính sách ưu tiên đối với NKT.

TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học nêu một số ý kiến tại tọa đàm.

TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học nêu một số ý kiến tại tọa đàm.

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, tại các địa phương, ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan tham mưu tích cực với UBND tỉnh/thành phố trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các quy định, các đề án.

Những nỗ lực đó thể hiện ở việc hoạch định chính sách; tạo điều kiện để có thể triển khai nhiều phương thức giáo dục; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và công tác nghiên cứu giáo dục đặc biệt đối với học sinh khuyết tật.

GS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam.

GS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam.

GS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam đã nêu mục tiêu tổng quát của dự thảo quy hoạch là: Phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trong hệ thống giáo dục quốc dân bảo đảm về cơ cấu, số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng của người khuyết tật ở tất cả các địa phương trong phạm vi cả nước.

Những ý kiến đóng góp đáng lưu tâm

PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam cho rằng, về quan điểm phát triển của dự thảo là rất đúng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Dự thảo cần được xây dựng dựa trên xu thế của thế giới cũng như tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngành giáo dục phải quản lý về mặt giáo dục đối với các cơ sở giáo dục chuyên biệt cho học sinh khuyết tật.

Cô Trịnh Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Bình Minh.

Cô Trịnh Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Bình Minh.

Cô Trịnh Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, toàn trường hiện có 19/41 giáo viên là giáo viên hợp đồng. Trường đang bị thiếu giáo viên, thiếu nhân viên. Nhà trường đã cử giáo viên văn hóa đi bồi dưỡng về Giáo dục đặc biệt để đảm bảo công tác chuyên môn.

Nhà trường đang dạy hơn 200 học sinh khuyết tật trí tuệ, việc đánh giá chia theo nhiều cấp độ. Dù tốt nghiệp ra trường nhưng khả năng học tập ở cấp tiếp theo của các em khuyết tật gần như không có, đa số chỉ tham gia công việc gia đình. Do đó, vấn đề đầu ra cho học sinh khuyết tật của trường đang là một bài toán khó giải với nhà trường.

Bà Vũ Thị Quỳnh Hương - Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nêu ý kiến tại tọa đàm.

Bà Vũ Thị Quỳnh Hương - Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nêu ý kiến tại tọa đàm.

Trong dự thảo nêu rõ, về mặt quan điểm, phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng cho người khuyết tật, đặc biệt quan tâm đến các vùng khó khăn.

Phát triển một số cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật làm nòng cốt cho các vùng để bảo đảm nhu cầu giáo dục đối với người khuyết tật mà các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập chưa đủ điều kiện đáp ứng. Chuyển đổi các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật còn lại thành trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.

TS Đỗ Thị Thảo - Phó Trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

TS Đỗ Thị Thảo - Phó Trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hải - Trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đánh giá cao sự chuẩn bị của nhóm biên soạn dự thảo. Ông đề nghị, khi lập quy hoạch hệ thống bên trong và bên ngoài, nhóm biên soạn cần tăng cường năng lực cho hệ thống sẵn có. Tuy nhiên, do không có biên chế vị trí việc làm nên các trường có thể đào tạo kết hợp bồi dưỡng cấp chứng chỉ cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật.

Thầy Phạm Văn Hoan - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, giáo viên dạy Giáo dục đặc biệt ở Hà Nội đa số là giáo viên văn hóa đi học lấy chứng chỉ về Giáo dục đặc biệt ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Việc phân bổ các trung tâm, các trường theo từng giai đoạn cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng, đảm bảo tính thực tế. Các trường chuyên biệt đang rất thiếu về cơ sở vật chất.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận, đánh giá cao những góp ý từ các đại biểu.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận, đánh giá cao những góp ý từ các đại biểu.

Qua những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, đại biểu tham dự tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh yêu cầu nhóm nghiên cứu cần lắng nghe, tổng hợp các ý kiến. Trách nhiệm của các bộ/ngành cũng như các tổ chức chính trị xã hội cần vào cuộc để góp ý hoàn thiện dự thảo. Dù khó nhưng khi xây dựng phải đảm bảo tính khả thi, thiết thực vì đây là nhóm đối tượng yếu thế. Quy hoạch phải gắn với nhu cầu thực tế và dự báo.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phat-huy-vai-tro-cua-cac-co-so-giao-duc-chuyen-biet-voi-nguoi-khuyet-tat-post656667.html