Phát huy vai trò của điện ảnh trong kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa

Điện ảnh luôn phản ánh sống động các khía cạnh của đời sống, xã hội từ đạo đức, nếp nghĩ, lối sống, ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật... Qua đó, điện ảnh đã có những đóng góp tích cực trên nhiều bình diện khác nhau, trong đó có có quảng bá về giá trị văn hóa, di sản đến với công chúng, thúc đẩy du lịch phát triển.

Đây là khẳng định chung của nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu tại hội thảo “Điện ảnh – kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa”. Hội thảo do Cục Điện ảnh phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức ngày 10/11, trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI năm 2022.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng làm rõ những tiềm năng, thế mạnh về di sản văn hóa, du lịch của nhiều địa phương trên cả nước trong phát triển điện ảnh và tác động trở lại của điện ảnh đối với việc phát huy các giá trị của di sản văn hóa trong đời sống, xã hội.

Hội thảo tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI năm 2022.

Hội thảo tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI năm 2022.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, các giá trị văn hóa, di sản văn hóa Việt Nam nói chung và của Huế nói riêng đã được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và các tổ chức trong nước, quốc tế “đánh thức” bằng nhiều phương thức khác nhau. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, điện ảnh có phần nổi trội và hiệu quả hơn.

Trải qua trên 100 năm hình thành và phát triển, điện ảnh có thể xem là một phương tiện truyền thông hữu hiệu, không chỉ phản ánh, ghi nhận sự vật, hiện tượng một cách thuần túy mà còn là một câu chuyện sinh động về các giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội... Thông qua các cách thức biểu đạt khác nhau, trong các tác phẩm điện ảnh, giá trị văn hóa di sản, cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực được xuất hiện tự nhiên, tinh tế, sâu lắng, sống động, khơi gợi sự tò mò, khám phá và trải nghiệm của người xem.

Cũng theo TS Phan Thanh Hải, điện ảnh các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đã rất hiệu quả khi quảng bá những hình ảnh về văn hóa, ẩm thực, trang phục, thu hút khách du lịch và các ngành kinh doanh khác. Đây là kinh nghiệm quý đối với điện ảnh Việt Nam.

Phim "Mắt biếc" góp phần thu hút nhiều khách du lịch đến Thừa Thiên Huế.

Phim "Mắt biếc" góp phần thu hút nhiều khách du lịch đến Thừa Thiên Huế.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng khằng định, bằng con đường cảm nhận nghệ thuật nghe - nhìn, các giá trị văn hóa đã được lan tỏa, thẩm thấu từ phim ảnh đến đối mọi tượng khán giả. Mỗi bộ phim chất lượng có tính hấp dẫn cao thường mang đến cho người xem những xúc cảm, bài học đạo lý, cách ứng xử tinh tế rất nhanh nhạy và có độ thấm sâu, độ lan tỏa rộng lớn.

Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, thời gian tới, phim ảnh hấp dẫn sẽ còn tiếp tục lôi kéo, dẫn dắt công nghiệp thời trang, du lịch và tiếp tục phát huy thế mạnh quảng bá hình ảnh kinh tế, văn hóa xã hội của mỗi cộng đồng, quốc gia. Một đất nước có nền điện ảnh và phim truyện truyền hình phát triển luôn cung cấp cho khán giả các bức toàn cảnh về lịch sử, văn hóa truyền thống cũng như những biểu trưng văn minh vật chất, văn minh tinh thần đang diễn ra trong cuộc sống đương đại của cộng đồng, quốc gia đó. Nhờ sự quảng bá có hiệu quả này mà khán giả có có dịp mở rộng hiểu biết, thiện cảm hơn với mỗi dân tộc, vùng miền. Tất nhiên, điện ảnh Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Đồng quan điểm nói trên, nhiều đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để đưa văn hóa Việt lên màn ảnh. Để làm được điều này cần nhiều giải pháp. PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng, chúng ta cần có chiến lược khai thác văn hóa dân tộc qua văn hóa dân gian trong xây dựng tác phẩm điện ảnh mang đặc trưng Việt và có chiến lược quảng bá, tích cực đưa giá trị văn hóa dân tộc lên màn ảnh rộng để quảng bá với thế giới về đất và người Việt Nam.

“Các nhà làm phim Việt cần quan tâm bản sắc văn hóa độc đáo của các vùng miền, các dân tộc thiểu số Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có chính sách xã hội hóa trong hoạt động điện ảnh để các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào hoạt động điện ảnh. Cần chú trọng chất lượng phim, chú trọng quảng bá văn hóa Việt trong xây dựng Đề án "Trung tâm phát hành phim trực tuyến" đã được phê duyệt năm 2021; học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia thành công trong phát triển công nghiệp điện ảnh nhưng cần sáng tạo, nghiên cứu cho phù hợp với văn hóa Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hồng nhấn mạnh.

N.Hoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/phat-huy-vai-tro-cua-dien-anh-trong-ket-noi-va-lan-toa-gia-tri-van-hoa-i673810/