Phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm toán bình đẳng giới

Các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) có vị trí đặc biệt để thúc đẩy các cam kết về bình đẳng giới. Nằm trong xu thế chung, cơ quan Kiểm toán nhà nước (KTNN) đang đẩy mạnh mô hình kiểm toán hoạt động đối với chủ đề các mục tiêu phát triển bền vững, các chương trình chính sách kinh tế - xã hội… trong đó có mục tiêu về bình đẳng giới.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo về Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Kiểm toán bình đẳng giới và vai trò của KTNN” tổ chức ngày 01/8, tại Hà Nội.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: D.T

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: D.T

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có ông Phạm Hồng Đào - Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Về phía KTNN có ông Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán; bà Đặng Thị Hoàng Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán; đại diện công chức Phòng Kiểm toán hoạt động, KTNN chuyên ngành VII; cùng các thành viên trong Ban Đề tài.

Đề tài do ông Hà Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán và ông Nguyễn Tất Thắng - Phó Trưởng phòng, KTNN chuyên ngành V đồng Chủ nhiệm.

Đề cập đến tính cấp thiết của Đề tài, ông Hà Minh Tuấn cho biết, bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam mà của các nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội.

Với chức năng, nhiệm vụ của KTNN và các cam kết mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu về bình đẳng giới, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội, việc tổ chức kiểm toán bình đẳng giới là một đòi hỏi tất yếu cần được thực hiện trong thời gian tới.

Ông Hà Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trình bày Đề tài. Ảnh: D.T

Ông Hà Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trình bày Đề tài. Ảnh: D.T

“Đối với Việt Nam, kiểm toán bình đẳng giới là một lĩnh vực còn mới. Do đó, để triển khai thực hiện kiểm toán bình đẳng giới có hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới, việc nghiên cứu, làm rõ và đề xuất các giải pháp để nâng cao vai trò kiểm toán bình đẳng giới của cơ quan KTNN là một vấn đề cấp thiết hiện nay” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Thông tin về thực trạng kiểm toán bình đẳng giới tại KTNN, ông Hà Minh Tuấn cho biết, trong quá trình phát triển, KTNN chưa thực hiện triển khai cuộc kiểm toán riêng về bình đẳng giới. Trong một số cuộc kiểm toán tuân thủ với các chuyên đề về Chương trình mục tiêu quốc gia có đề cập đến vấn đề bình đẳng giới, tuy nhiên, kết quả chưa thực sự làm rõ sự hiệu quả hoặc mục tiêu đạt được về bình đẳng giới của Chương trình, do bình đẳng giới không phải là nội dung kiểm toán trọng tâm của chuyên đề, đồng thời chưa phân tích được nguyên nhân gốc rễ của việc chưa đạt được mục tiêu về bình đẳng giới do hình thức thực hiện là kiểm toán tuân thủ, không phải là kiểm toán hoạt động.

Mặt khác, trong Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030 chưa thể hiện mục tiêu cụ thể về việc gắn kết các mục tiêu của KTNN với mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới mà Việt Nam cam kết thực hiện. Điều này dẫn tới việc xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm toán về bình đẳng giới gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn chủ đề kiểm toán, đối tượng kiểm toán.

Ông Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phát biểu. Ảnh: D.T

Ông Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phát biểu. Ảnh: D.T

Ngoài ra, KTNN chưa có khung hướng dẫn tổ chức thực hiện kiểm toán bình đẳng giới hay có nguồn tiêu chí chung về kiểm toán bình đẳng giới. Vì vậy, trong quá trình xây dựng và lập kế hoạch kiểm toán sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do không có sẵn các nguồn tiêu chí về bình đẳng giới để so sánh, đánh giá.

Nhìn ra quốc tế, ông Hà Minh Tuấn cho biết, các cuộc kiểm toán về chủ đề phát triển bền vững và bình đằng giới được các SAI đưa vào kế hoạch hoạt động của mình. Theo đó, những cuộc kiểm toán các SAI đã thực hiện chủ yếu lựa chọn một trong hai loại hình kiểm toán là kiểm toán các tổ chức, cam kết, kế hoạch nhằm nâng cao bình đẳng giới và kiểm toán các chương trình, hoạt động với các mục tiêu bình đẳng giới

Cũng theo ông Tuấn, kiểm toán bình đẳng giới là một lĩnh vực mới, khó không chỉ riêng đối với KTNN Việt Nam mà còn khó đối với tất cả các SAI trên thế giới. Hiện nay, theo các chỉ dẫn và thực tiễn quốc tế, kiểm toán bình đẳng giới được thực hiện phần lớn dưới loại hình các cuộc kiểm toán hoạt động, một số ít là các cuộc kiểm toán tuân thủ hoặc có thể lồng ghép cả hai loại hình này trong một cuộc kiểm toán. Thực tế cho thấy không có sự khác biệt về quy trình của một cuộc kiểm toán có nội dung về bình đẳng giới với các cuộc kiểm toán khác. Việc thực hiện các cuộc kiểm toán về bình đẳng giới được thực hiện theo quy trình chung mà KTNN đã ban hành.

Ông Phạm Hồng Đào - Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu. Ảnh: D.T

Ông Phạm Hồng Đào - Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu. Ảnh: D.T

Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm thực hiện kiểm toán của các SAI trên thế giới, nhóm nghiên cứu thực hiện Đề tài đã đưa ra một số giải pháp để nâng cao vai trò kiểm toán bình đẳng giới của KTNN Việt Nam.

Theo đó, KTNN cần xác định rõ phương hướng phát triển, chiến lược thực hiện các cuộc kiểm toán bình đẳng giới; lồng ghép tổ chức thực hiện kiểm toán bình đẳng giới vào các kế hoạch trung hạn, kế hoạch năm của KTNN; xây dựng hướng dẫn tổ chức kiểm toán bình đẳng giới tại KTNN.

Song song với đó, cần tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn và phổ biến về thực hiện kiểm toán bình đẳng giới; đồng thời cần xác lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa KTNN và các bên có liên quan trong kiểm toán bình đẳng giới, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế về kiểm toán bình đẳng giới.

Bà Đặng Thị Hoàng Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán phát biểu. Ảnh: D.T

Bà Đặng Thị Hoàng Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán phát biểu. Ảnh: D.T

Phát biểu ý kiến đánh giá về Đề tài, các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhất trí cao về sự cần thiết phải có một nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề kiểm toán bình đẳng giới, từ đó có nguồn thông tin đáng tin cậy để KTNN bước đầu thực hiện thí điểm các cuộc kiểm toán liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý thêm một số nội dung để Ban Chủ nhiệm cân nhắc, xem xét hoàn thiện Đề tài./.

DIỆU THIỆN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/phat-huy-vai-tro-cua-kiem-toan-nha-nuoc-trong-kiem-toan-binh-dang-gioi-33406.html