Phát huy vai trò của làng văn hóa
Xây dựng làng văn hóa là nhằm tạo dựng môi trường sống văn hóa - văn minh, góp phần nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho Nhân dân. Xác định rõ ý nghĩa và vai trò đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã chú trọng cả về số lượng, chất lượng làng văn hóa và đưa phong trào ngày càng đi sâu vào đời sống.
Người dân làng Đông Cao, xã Trung Chính (Nông Cống) tổ chức hoạt động bơi thuyền truyền thống trong ngày hội làng.
Khi bàn về văn hóa làng nhiều nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng: làng văn hóa được xem là những khuôn thước văn hóa rất riêng tạo nên sự đa dạng, phong phú, năng động và sáng tạo cho nền văn hóa dân tộc. Những khuôn thước văn hóa ấy chính là cốt lõi, nền tảng trong hành trang xây dựng cuộc sống hiện tại và tương lai. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII cũng đã khẳng định, nền văn hóa Việt Nam phải đứng vững trên “đôi chân” vừa tiên tiến - hiện đại, vừa đậm đà bản sắc - kế thừa truyền thống. Xác định rõ tầm quan trọng đó, trong vài thập kỷ trở lại đây trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều phong trào, cuộc vận động lớn liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa nói chung, làng văn hóa nói riêng và đã gặt hái được nhiều “quả ngọt”.
Và sự phát triển, biến đổi của làng văn hóa Đông Cao, xã Trung Chính (Nông Cống), làng văn hóa cấp tỉnh đầu tiên (năm 1997), đến nay chính là minh chứng rõ nét nhất phản ánh toàn diện quá trình chuyển mình của làng văn hóa. Về làng Đông Cao, gặp bà Lê Thị Thảo, bí thư chi bộ, bà phấn khởi cho biết: Trải dài suốt hơn 2 thập kỷ kể từ khi được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh đầu tiên, cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống người dân trong làng ngày càng khấm khá hơn, đình chùa, di tích được quan tâm tu bổ tôn tạo, lễ hội được phục dựng; các giá trị thuần phong mỹ tục ngày càng phát huy, các chuẩn mực đạo đức xã hội được người dân tự giác thực hiện. Trong đó, phải kể đến việc duy trì và phát huy ngày hội truyền thống của làng (là ngày giỗ của Thái sư Đinh Liệt) vào 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội được tổ chức tại ngôi đình cổ thờ họ Đinh, thu hút đông đảo bà con đến dâng hương, tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Lễ hội cũng là dịp để người dân làng Đông Cao trên khắp mọi miền đất nước cùng tụ họp để thắt chặt thêm tình đoàn kết và cùng nhau tham gia các hoạt động văn hóa đặc sắc của làng như bơi thuyền truyền thống, bóng đá, kéo co, cờ tướng và giao lưu văn nghệ... Qua đó, góp phần gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng; duy trì nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, dòng họ, chung tay đóng góp thiết thực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bắt nguồn từ làng văn hóa Đông Cao, nhiều làng văn hóa mới đã được xây dựng khắp các vùng miền trong tỉnh, điển hình là làng Ngọc Liên, xã Nga Liên (Nga Sơn), làng Duy Tinh, xã Thuần Lộc (Hậu Lộc), đội 5 (Nông trường Hà Trung), làng Văn Đoài, xã Đông Văn (Đông Sơn)... Tiếp đó, 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thí điểm xây dựng làng văn hóa. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 5.586/6.031 làng, thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng văn hóa, đạt tỷ lệ 92,6%. Trong đó, 4.396/6.031 làng, thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 72,8%. Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng làng văn hóa, ở nhiều làng quê đã bổ sung thêm những quy định về nếp sống văn hóa trên cơ sở những điểm tích cực của hương ước, quy ước truyền thống. Nhiều quy định về cưới xin, mừng thọ, ma chay, giỗ chạp, lễ hội... theo nếp sống văn hóa đã được người dân tích cực thực hiện. Nhiều địa phương còn xây dựng các làng văn hóa, các khu dân cư kiểu mới, thống nhất quy định cụ thể về nhà ở, vườn, hàng rào, cây xanh, cảnh quan làng quê sạch sẽ, ngăn nắp, giao tiếp văn minh, giữ vững an ninh trật tự... Cũng từ phong trào xây dựng làng văn hóa, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều gia đình văn hóa. Tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 776.759/957.825 gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 81,1%.
Xuyên suốt hành trình xây dựng làng văn hóa, ở nhiều địa phương có không ít các công trình được xây dựng mới, nhiều tuyến đường được mở rộng thông thoáng; hệ thống đèn chiếu sáng hai bên tuyến đường như tô điểm thêm cho bức tranh nông thôn ngày càng khởi sắc. Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có gần 4.200 nhà văn hóa - khu thể thao thôn (trong đó, thiết chế đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 77,4%). Từ đó, thúc đẩy các phong trào văn hóa, thể thao phát triển mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.
Xây dựng làng văn hóa được các địa phương xác định là một hành trình không ngừng nghỉ. Những năm qua, phong trào đã phát triển liên tục, ngày càng lớn mạnh và đi sâu vào đời sống, được đông đảo các tầng lớp Nhân dân ở nông thôn hưởng ứng mạnh mẽ. Phong trào đã thực sự phát huy tiềm năng và huy động sức mạnh tổng hợp của người dân vào việc xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp; khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, tạo nên mối quan hệ gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư và cùng quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
Thời gian tới, để phong trào xây dựng làng văn hóa phát triển bền vững, ngành văn hóa đang tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác xây dựng đời sống văn hóa; thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành thành viên ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng để người dân thấy được ý nghĩa tốt đẹp, lợi ích thiết thực của phong trào xây dựng làng văn hóa...
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/phat-huy-vai-tro-cua-lang-van-hoa/157656.htm