Phát huy vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất, kinh doanh, lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng, gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Chi Hội Phụ nữ 5 không 3 sạch xây dựng nông thôn mới” đã thu hút đông đảo cán bộ hội viên, phụ nữ tham gia.
Toàn tỉnh hiện có 11.635 cơ sở thực phẩm; trong đó có 3.866 cơ sở sản xuất thực phẩm, 3.610 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 2.521 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 1.638 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, phần lớn do phụ nữ làm chủ. Hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức, hành động thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vì sức khỏe gia đình và cộng đồng. Hội đã chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ chủ động, phối hợp với các ban, ngành chức năng, tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, tập huấn kiến thức về ATVSTP cho hội viên, đặc biệt các hộ sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống bằng nhiều hình thức đa dạng như: lồng ghép qua sinh hoạt chi hội, tọa đàm, tuyên truyền qua mạng xã hội, phát tờ rơi về ATVSTP… Nội dung tuyên truyền thực trạng, giải pháp và các vấn đề liên quan đến mất ATVSTP; phòng, chống ngộ độc thực phẩm; kiến thức chăn nuôi, trồng trọt gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn; thực hiện ATVSTP gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn”, các mô hình, tổ nhóm phụ nữ tại cơ sở.
Trong Tháng hành động vì ATVSTP, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền và vận động hội viên thực hiện “Nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, bảo vệ người tiêu dùng”; tư vấn kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng phụ gia thực phẩm đúng cách; phổ biến các quy định của pháp luật về các điều kiện đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, chế biến thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động hội viên về an toàn thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm an toàn; qua đó phát huy vai trò của các cấp Hội trong đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 6 năm 2024, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh triển khai tổ chức 10 hội nghị tập huấn tuyên truyền, vận động giám sát công tác đảm bảo ATTP cho hội viên phụ nữ của 2 huyện Vụ Bản và Nam Trực, với những nội dung trọng tâm, thực tiễn như: hướng dẫn việc đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; hướng dẫn lựa chọn và bảo quản thực phẩm; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo ATTP…
Thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: tổ chức các lớp tập huấn, các buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ tại cơ sở, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của Hội, tờ gấp, sách lật, sổ tay, tổ chức các hội thi về ATTP…, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã cung cấp cho hội viên phụ nữ, người sản xuất, kinh doanh những kiến thức cơ bản trong việc lựa chọn thực phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng, cách thức chế biến thực phẩm đảm bảo ATVSTP và dinh dưỡng, phục vụ bữa ăn trong gia đình. Qua đó đã khuyến khích động viên, tạo thói quen cho hội viên phụ nữ, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh. Trong công tác tuyên truyền, các cấp Hội cũng đặc biệt chú trọng đến đối tượng hội viên, phụ nữ trực tiếp tham gia sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh nông sản, thực phẩm. Nổi bật, công tác thực hiện ATVSTP đã được các cấp Hội Phụ nữ triển khai lồng ghép với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn”, trong đó có tiêu chí về ATVSTP. Tuyên truyền hội viên và gia đình thực hiện sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm sạch; dùng thuốc, các chất phụ gia được phép sử dụng và tuân thủ đúng quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm; lựa chọn sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, hạn sử dụng…
Cùng với đó, tại các cơ sở hội đã hướng dẫn, thành lập các mô hình kinh tế tập thể của phụ nữ, trong đó, hướng đến sản xuất thực phẩm sạch, an toàn. Hiện mô hình “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn” đang phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh, thu hút hàng trăm hội viên phụ nữ tham gia, góp phần đảm bảo ATVSTP, đồng thời tạo việc làm tăng thu nhập cho hội viên. Bên cạnh đó, các mô hình hiệu quả về ATVSTP tại cơ sở như: “Tổ phụ nữ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sạch”, “Tổ phụ nữ chế biến thực phẩm sạch”, “Chi Hội Phụ nữ 3 sạch”; “Sản xuất và tiêu dùng sạch” cũng được các cấp Hội Phụ nữ vận động hội viên tham gia. Tiêu biểu như cơ sở sản xuất của chị Bùi Thị Thủy ở xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường). Từ năm 2012, Bùi Thị Thủy thành lập Công ty GBA Nature chuyên sản xuất và cung cấp những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế ở ngay tại xã Thọ Nghiệp. Với nguồn nguyên liệu, thành phẩm được trồng ngay tại các trang trại theo phương pháp canh tác hữu cơ, thu hái tự nhiên và chọn lựa cẩn thận, các khâu phơi khô và sấy khô đảm bảo giữ hầu như nguyên vẹn tinh chất và dinh dưỡng, các sản phẩm của GBA Nature đã dần chinh phục được khách hàng. Trong tổng số 47 sản phẩm mà chị Thủy thực hiện trong quá trình khởi nghiệp, có 30 sản phẩm nông nghiệp sạch có lợi cho sức khỏe và làm đẹp cho phụ nữ, không ảnh hưởng đến môi trường, trong đó có 4 bộ sản phẩm được chiết xuất hoàn toàn từ thiên nhiên như nước rửa trái cây, nước rửa bát, bột giặt và nước lau nhà; các sản phẩm được làm hoàn toàn từ tự nhiên như giỏ, sọt, làn đi chợ, giỏ cói, tấm phên cót, tre, nứa, ống hút… Trong đó, các sản phẩm: Trà sáng tạo, bột sắn dây, trà hoa hồng, trà thìa canh, bột ngũ cốc dinh dưỡng và tinh bột nghệ của công ty được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Điều đặc biệt là những lao động được Thủy nhận vào làm tại công ty đều là những người phụ nữ nghèo, yếu thế tại địa phương để giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Nỗ lực của các cấp Hội Phụ nữ trong thực hiện ATVSTP thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức, chuyển biến hành vi trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn. Với vai trò là lực lượng chính tham gia trực tiếp sản xuất, mua, bán và quyết định lựa chọn nguồn thực phẩm trong mỗi bữa ăn gia đình, chị em tiếp tục là "hạt nhân" tích cực vận động xã hội thực hiện ATVSTP, đồng thời là chủ thể tiên phong tham gia giải quyết vấn đề thay đổi nhận thức và hành vi trong thực hiện ATVSTP.