Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình

Xã hội truyền thống hay hiện đại, phụ nữ luôn giữ một vị trí quan trọng trong mỗi gia đình: là người giữ lửa, xây tổ ấm. Để xây dựng gia đình 'no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc', mỗi người phụ nữ hiện đại cần được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức xây dựng gia đình và phát triển kinh tế. Từ đó, phát huy vai trò, khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Chị Hoàng Thị Vinh, xã Minh Sơn (Ngọc Lặc) vừa phát triển kinh tế vừa xây dựng gia đình hạnh phúc.

Chị Phạm Thị Sáu (xã Thăng Bình, Nông Cống) vừa là người xây tổ ấm, vừa là gương phát triển kinh tế giỏi tại địa phương. Gia đình chị luôn giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, các thành viên trong gia đình luôn yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Những mâu thuẫn trong gia đình luôn được chị tìm cách tháo gỡ, giải quyết kịp thời. Không chỉ dành thời gian chăm sóc gia đình, chị Sáu còn chủ động học nghề đan lát, phát triển kinh tế, khẳng định bản thân. Khi có tay nghề vững chắc, hai vợ chồng chị đã thống nhất cùng nhau mở rộng cơ sở sản xuất. Chị Sáu chia sẻ, xây dựng gia đình hạnh phúc hay phát triển kinh tế đều quan trọng. Hai vấn đề này bổ sung cho nhau. Do đó, người phụ nữ hiện đại không chỉ phát huy những đức tính chăm chỉ, đảm đang mà cũng cần năng động, sáng tạo.

Trao đổi về vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình, chị Hoàng Thị Vinh, xã Minh Sơn (Ngọc Lặc) cho biết: "Nhờ tham gia các hoạt động của địa phương, của các cấp hội phụ nữ, tôi nhận thức rõ vai trò của mình trong gia đình. Với những kinh nghiệm, kiến thức thường xuyên được tuyên truyền, trao đổi từ các chị em, tôi đã dần biết cách gỡ bỏ những mâu thuẫn trong gia đình. Bản thân tôi đã sắp xếp hài hòa, hợp lý giữa việc nhà với công việc đồng áng; có kế hoạch thu - chi phù hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế của gia đình; quan tâm động viên các con biết cách ứng xử giữa các mối quan hệ trong gia đình; biết xử lý các mâu thuẫn vướng mắc trong cuộc sống hằng ngày một cách dễ dàng hơn".

Có thể thấy, phụ nữ ngày càng nhận thức rõ ràng về vai trò của bản thân đối với gia đình và xã hội. Họ không chỉ phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt mà luôn chủ động, sáng tạo trong mọi việc; luôn muốn khẳng định bản thân và chăm lo tốt cho mái ấm của mình. Nhiều phụ nữ đã và đang tham gia tích cực vào các hoạt động, công việc xã hội, góp phần hiệu quả nâng cao đời sống và kinh tế cho gia đình cũng như sự phát triển của địa phương. Nhiều mô hình, phong trào thi đua phụ nữ tích cực lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với các phong trào, nhiệm vụ của địa phương được triển khai hiệu quả. Đặc biệt, phụ nữ hiện đại, họ không những biết điều hòa các mối quan hệ trong gia đình, mà họ còn biết khẳng định, chăm sóc bản thân, hưởng thụ văn hóa tinh thần. Điều này, được thấy rõ ở các địa phương, cuối chiều hoặc tối, sau khi hoàn thành nhiệm vụ công việc, chăm sóc gia đình, con cái, nhiều chị em phụ nữ lại tập trung giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại nhà văn hóa.

Sự chuyển biến tích cực ấy là nhờ các cấp hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện. Các cấp hội đã quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Qua đó, giúp chị em phụ nữ hiểu và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật, phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, các cấp hội đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm công tác gia đình; lồng ghép các hoạt động về công tác gia đình với các cuộc vận động, chương trình của hội như: Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ“; các chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ mồ côi; xây dựng mô hình “Nhà sạch - vườn đẹp”...

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cấp hội đã tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống đuối nước và xâm hại trẻ em, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Tổ chức 4 lớp tập huấn về giáo dục cha mẹ, giáo dục đời sống gia đình cho 200 chị là thành viên các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc bền vững. Tổ chức 183 lớp tập huấn, 241 sự kiện truyền thông nâng cao năng lực trong xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, các cấp hội đã tích cực xây dựng và nhân rộng các câu lạc bộ, mô hình giúp phụ nữ phát huy vai trò trong xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển toàn diện, như: mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Nhóm cha mẹ chăm sóc và phát triển trẻ thơ”, “5 không 3 sạch”... Thông qua các mô hình, câu lạc bộ hội viên và chị em phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ, vai trò của xây dựng gia đình hạnh phúc và phương pháp tổ chức, sắp xếp cuộc sống gia đình; cách đối nhân, xử thế, giao tiếp, ứng xử, chăm sóc và giáo dục các thành viên gia đình. Từ đó, thay đổi hành vi theo hướng tích cực và vận động các thành viên trong gia đình cùng chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc.

Để tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, tạo ra những tế bào khỏe mạnh cho xã hội, cùng với những nỗ lực của bản thân, phụ nữ cũng rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ phía gia đình và xã hội.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/phat-huy-vai-tro-cua-phu-nu-nbsp-trong-xay-dung-gia-dinh/195514.htm