Phát huy vai trò của y tế cơ sở trong điều trị bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường (tiểu đường) là căn bệnh nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và cụt tứ chi. Do đó, những năm qua, ngành y tế tỉnh, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở đã chủ động triển khai các biện pháp giúp người dân phòng, chống và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh đái tháo đường .

Bác sĩ Trạm Y tế xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc thực hiện test tiểu đường cho người dân

Bác sĩ Trạm Y tế xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc thực hiện test tiểu đường cho người dân

H iện nay, trên toàn tỉnh có 11 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện và 200 trạm y tế (TYT) tuyến xã. Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần dân nhất, là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm, kiểm soát bệnh tật, vừa giảm chi phí điều trị, vừa giảm tải bệnh viện tuyến trên. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, từ năm 2019 đến nay, Sở Y tế đã triển khai điều trị, quản lý đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại các TYT xã, phường, thị trấn. Đến nay, cùng với 11 TTYT tuyến huyện, toàn tỉnh có 156 TYT thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế triển khai quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường.

Để triển khai, quản lý điều trị bệnh đái tháo đường, các TYT đã chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, thuốc men theo quy định của Bộ Y tế.

Bác sĩ Triệu Thị Nhâm, Trạm trưởng TYT xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn cho biết: Để tiếp nhận, quản lý điều trị đái tháo đường, trạm đã cử cán bộ đi đào tạo học tập, tiếp nhận các trang thiết bị để phục vụ cho công tác khám sàng lọc và quản lý điều trị bệnh nhân tiểu đường tại TYT xã như: máy xét nghiệm sinh hóa máu, máy test tiểu đường. Đến nay, trạm quản lý, điều trị 55 bệnh nhân đái tháo đường.

Khi đến khám bệnh tại TYT, người dân đều được tư vấn, sàng lọc đái tháo đường. Những người có nguy cơ cao sẽ được làm xét nghiệm sàng lọc để đưa ra các chẩn đoán và hướng điều trị kịp thời. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.000 người dân được khám sàng lọc đái tháo đường tại các TYT, trong đó 631 người có nguy cơ cao thực hiện xét nghiệm, tăng 529 người so với năm 2023. Qua sàng lọc đã phát hiện, đưa vào quản lý 468 người, nâng tổng số bệnh nhân đang được quản lý, điều trị đái tháo đường tại tuyến cơ sở lên gần 4.400 bệnh nhân, chiếm tỉ lệ 72,3% so với tổng số bệnh nhân đang điều trị toàn tỉnh.

Không chỉ tập trung vào điều trị mà các TYT còn chú trọng theo dõi và quản lý bệnh nhân một cách toàn diện, từ việc nhắc nhở bệnh nhân tái khám đúng hẹn đến việc hỗ trợ thăm khám tại nhà đối với những bệnh nhân gặp khó khăn trong việc đi lại. Bà Hà Thị Điệt, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc mắc bệnh đái tháo đường hơn 6 năm. Hằng tháng bà phải đến cơ sở y tế khám, lấy thuốc. Bà chia sẻ: Trước đây mỗi lần đi khám đều phải nhờ người nhà đưa đi, phải đi từ sớm, gặp trời mưa thì vất vả. Từ năm 2022 chuyển về khám tại TYT gần nhà, tôi có thể tự đi khám, đều đặn hơn nên các chỉ số sức khỏe cũng ổn định hơn.

Được biết, để nâng cao năng lực quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường của các tuyến y tế cơ sở, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn công tác chuyên môn dự phòng điều trị, quản lý bệnh đái tháo đường (mỗi năm khoảng 13 lớp cho hơn 500 học viên). Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động quản lý, điều trị đái tháo đường tại cơ sở (mỗi năm giám sát tại 11 huyện, thành phố; hơn 30 xã) để chỉ rõ những hạn chế tồn tại và hướng dẫn biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả quản lý, điều trị đái tháo đường tại các xã.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Oanh, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hằng năm, khoa đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu lãnh đạo trung tâm triển khai tập huấn, giám sát để nâng cao năng lực hoạt động của các TYT. Khi y tế cơ sở làm tốt công tác quản lý điều trị đái tháo đường thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được khám, điều trị gần nhà, qua đó duy trì tốt khám sức khỏe định kỳ, nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý điều trị bệnh đái tháo đường, thời gian tới, ngành y tế tỉnh tiếp tục thành lập các đoàn đến hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các TTYT, TYT gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện, phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến, phát triển thêm kỹ thuật, thu hút và tăng niềm tin của người bệnh đối với y tế cơ sở.

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phong-chong-benh-dai-thao-duong-su-vao-cuoc-cua-y-te-co-so-5028199.html