Phát huy vai trò đầu tàu trong thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã

Những năm qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng luôn tích cực hỗ trợ cho các tổ hợp tác, hợp tác xã trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiện toàn bộ máy, nhân sự nên đã giúp các đơn vị ổn định và phát triển. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã hiện vẫn chưa đạt kết quả cao, với không ít khó khăn. Trong vai trò đỡ đầu, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã có những giải pháp, định hướng cụ thể để hỗ trợ các thành viên phát triển bền vững hơn.

Tính đến hiện tại, toàn tỉnh có 1.241 tổ hợp tác với 32.656 thành viên và 211 hợp tác xã với 31.979 thành viên, trong đó, có 53 tổ hợp tác và 25 hợp tác xã thành lập mới (đạt 125% kế hoạch) trong năm 2022.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều hợp tác xã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng sản xuất... Qua đó đã xuất hiện một số mô hình hợp tác xã kiểu mới sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, huyện Long Phú, khi chuyển sang sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc sinh học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng phân vô cơ thì sản phẩm lúa thương phẩm được thu mua với giá cao hơn thị trường từ 300.000 - 500.000 đồng/tấn, giúp cho nông dân tăng lợi nhuận từ 3 triệu - 5 triệu đồng/ha.

Song song đó, nhiều hợp tác xã đã được cấp mã vùng, ứng dụng tem truy xuất điện tử, nhiều sản phẩm đạt OCOP tiêu chuẩn 3, 4 sao. Các hợp tác xã phi nông nghiệp cũng tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Vừa qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tạo điều kiện cho 19 thành viên của Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Samaki tiếp cận Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, với tổng kinh phí 308 triệu đồng.

Tham quan ruộng hành tím của các thành viên Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Samaki. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Tham quan ruộng hành tím của các thành viên Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Samaki. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Để các hợp tác xã mở rộng sản xuất, kinh doanh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tạo điều kiện cho các đơn vị tiếp cận nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh. Tính đến nay, có 12 hợp tác xã được vay vốn, với tổng dư nợ 4,9 tỷ đồng (chiếm 96,07% nguồn vốn). Nhiều hợp tác xã đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn như: Hợp tác xã Nông nghiệp Tín Phát, Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú, Hợp tác xã Thủy sản Toàn Thắng…

Đồng chí Phạm Chí Nguyện - Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Khó khăn chung của các hợp tác xã là tìm đầu ra sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường. Với vai trò đỡ đầu, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện chuyển đổi số cho các hợp tác xã. Cụ thể là ký kết chương trình phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel Chi nhánh Sóc Trăng, Bưu điện tỉnh Sóc Trăng để hỗ trợ cho các hợp tác xã tiêu thụ nông sản với giá bán cao nhất và xúc tiến thương mại trên 2 sàn thương mại điện tử Voso, Postmart.vn. Về công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, chúng tôi còn tổ chức cho nhiều hợp tác xã tham dự các hội chợ thương mại giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP chuẩn 3, 4 sao của địa phương, qua đó ký kết hợp đồng, bản ghi nhớ với công ty, doanh nghiệp”.

Hội nghị Chuyên đề Liên kết hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng phân bón hữu cơ tại thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Hội nghị Chuyên đề Liên kết hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng phân bón hữu cơ tại thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Cuối năm 2022, Liên minh Hợp tác xã tỉnh khởi động Chuyên đề Liên kết hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng phân bón hữu cơ. Theo đó, sẽ kết nối với các đơn vị cung ứng nguồn phân bón hữu cơ cho các hợp tác xã, giúp tăng năng suất cây trồng, nâng chất lượng nông sản, phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, góp phần tăng năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với tổ chức WF tập huấn nâng cao giá trị hợp tác xã cho các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đơn vị đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể như: thành lập ít nhất 20 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 70%, phi nông nghiệp là 80% trở lên trên tổng số hợp tác xã đang hoạt động; hỗ trợ 70% các hợp tác xã điểm về kết nối thị trường, liên kết hợp tác doanh nghiệp lớn hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ và nhân rộng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả gắn với liên kết tiêu thụ nông sản và tiếp cận phương thức sản xuất hàng hóa quy mô lớn…

Theo đồng chí Phạm Chí Nguyện, Liên minh Hợp tác xã tỉnh luôn nỗ lực phát huy vai trò liên kết, phối hợp với đơn vị liên quan nâng cao hiệu quả của các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã khắc phục những hạn chế, yếu kém, góp phần nâng cao hiệu quả, phát triển kinh tế tập thể. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, cần phải tập trung phát triển đa dạng các loại hình hợp tác xã, xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn, sức lan tỏa. Cần chú trọng phát triển hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hữu cơ theo hướng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đồng thời xây dựng các hợp tác xã ở các địa phương có lợi thế cạnh tranh, xây dựng mô hình hợp tác xã chuyên ngành, nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương.

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/phat-huy-vai-tro-dau-tau-trong-thuc-day-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-63240.html